Vừa trở về từ chuyến đi Mũi Né, Chung Bảo Ngân (ngụ quận 7, TP.HCM) lại sắp xếp quần áo để du lịch Malaysia. Cô cho biết thời tiết nắng nóng gay gắt khắp Đông Nam Á ngay từ đầu mùa hè, nhưng đây lại là thời điểm đẹp nhất để du lịch, đặc biệt ở các vùng biển.
"Mùa hè nắng 'điên đầu', nhưng biển lại rất đẹp, sóng êm, thuận lợi cho các hoạt động di chuyển, vui chơi dưới nước. Các mùa khác trong năm sẽ mưa hoặc biển động, nên dù mệt tôi cũng ráng", nữ du khách nói với Tri Thức - Znews.
Nắng nóng, nhưng biển đẹp và được nghỉ hè
"Say nắng", "sốc nhiệt", "check-in với áo chống nắng", "chiều muộn mới dám ra bãi biển" là những gì du khách đối mặt trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Nhiệt độ tăng cao đến trên 41 độ C tại nhiều địa phương khiến trải nghiệm xê dịch của người dân không trọn vẹn.
Tuy nhiên, bước vào mùa du lịch hè với tình hình nắng nóng được dự báo "xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ", nhiều du khách vẫn lựa chọn đi chơi, tìm cách ứng phó thời tiết thay vì ở nhà.
Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách du lịch nội địa trong 4 tháng đầu năm đạt 40,5 triệu lượt. Trong đó, có khoảng 10,5 triệu lượt khách đi du lịch trong tháng 4 bất chấp thời tiết nắng nóng diễn ra trên toàn quốc.
Một số đơn vị lữ hành cũng ghi nhận nhu cầu đi du lịch tăng cao của người Việt dù thời tiết khắc nghiệt.
Bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Vietluxtour, cho biết mùa hè luôn là giai đoạn kinh doanh trọng điểm của các công ty lữ hành. Bên cạnh khách lẻ, thị trường khách đoàn, khách du lịch MICE (hội nghị, đội nhóm) vẫn chiếm số lượng lớn, mang đến doanh thu chính cho đơn vị. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng 25-30% ở các thị trường inbound (khách ngoại đến Việt Nam), outbound (khách Việt Nam đi nước ngoài) và nội địa (khách Việt Nam du lịch trong nước).
BenThanh Tourist cũng đưa ra dự đoán lạc quan về sức mua của thị trường du lịch hè 2024, đặt mục tiêu đạt mức doanh thu tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Đảo Cù Lao Câu sở hữu nét đẹp hoang sơ với những rạn san hô nhiều màu sắc được bảo tồn tốt, mang lại trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Ảnh: Linh Huỳnh.
Kể thêm về chuyến du lịch đến Mũi Né (Bình Thuận), Bảo Ngân chia sẻ cô phải lên kế hoạch đi biển sớm trước các vùng biển bước vào mùa mưa bão. Mùa hè trời xanh, sóng êm, thuận lợi cho việc di chuyển ra đảo và trải nghiệm các hoạt động vui chơi dưới nước.
"Vì không có nhiều thời gian, tôi đặt tour khám phá Cù Lao Câu trong ngày, xuất phát ra đảo lúc 8h, quay về đất liền lúc 14h - đúng vào khung giờ nắng gay gắt nhất. Hòn đảo này còn rất hoang sơ, trên đảo chỉ toàn cây bụi thấp nên khi đặt chân đến đây tôi bị hoa mắt vì nắng. Tuy nhiên, bãi biển trong xanh nhìn thấu đáy, bờ cát trắng mịn trải dài khiến tôi say mê, quên đi mệt mỏi, tiếp thêm năng lượng để khám phá", Bảo Ngân nói.
Nữ du khách cho rằng đã chọn đi chơi thì phải chấp nhận thời tiết, vì vậy khi phải đi bộ dưới cái nắng gay gắt để tham quan, Ngân vẫn vui vẻ "thả dáng" để có những bức ảnh đẹp tại hòn đảo.
"Trời nắng cũng là một yếu tố khiến bức ảnh trở nên đẹp hơn dù sau đó da sẽ trở nên đen sạm nhiều tháng trời nhưng nhìn những bức ảnh nhận được khá xứng đáng", cô nói thêm.
Du khách có xu hướng dành nhiều thời gian ở quán cà phê và khách sạn để trốn nóng khi du lịch. Ảnh: Linh Huỳnh.
Vốn là người có sức khỏe yếu, Ngọc Diễm (ngụ quận 11, TP.HCM) khá lo lắng khi lên kế hoạch du lịch Vĩnh Hy và Phan Rang (Ninh Thuận) vào giữa tháng 6. Tuy nhiên, đây lại là thời gian hiếm hoi cô và các bạn cùng được nghỉ sau học kỳ dài.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Ngọc Diễm cho biết: "Thời tiết khá quan trọng nhưng không phải là vấn đề chính trong chuyến du lịch. Chúng tôi chọn đi tự túc, tự lên lịch trình để phù hợp với sở thích và sức khỏe của 4 thành viên. Trong quá trình vui chơi, nếu có ai mệt thì nghỉ, không gắng sức ‘chạy KPI’ điểm đến như đi theo tour".
Nhóm du khách dự định dành 2 ngày khám phá các bãi tắm đẹp, lặn ngắm san hô ở Vĩnh Hy, thăm Vườn Quốc gia Núi Chúa. Sau đó cả nhóm di chuyển đến TP Phan Rang - Tháp Chàm, ngắm cánh đồng quạt gió Đầm Nại, trượt cát tại đồi Nam Cương…
Vùng đất Ninh Thuận vốn nổi tiếng với khí hậu "gió như phang, nắng như rang", tuy nhiên nơi đây sở hữu không gian rừng, biển và bán sa mạc, mang đến những trải nghiệm đặc biệt cho du khách. Để chống chọi với khí hậu khô nóng tại đây, nhóm bạn trẻ đã điều chỉnh lịch trình, đi chơi từ sớm, hạn chế ra đường lúc nắng gắt.
"Chúng tôi dự định xuất phát đi đến các địa điểm tham quan lúc 4h30-5h sáng để ngắm bình minh, chụp ảnh, tắm biển, đến khi nắng gắt sẽ về khách sạn. Buổi chiều cả nhóm sẽ bắt đầu ra đường từ sau 15h30", Diễm chia sẻ.
Chuẩn bị nhiều hơn khi nắng đến hoa mắt, chóng mặt
Những ngày nắng đẹp thuận tiện cho các hoạt động di chuyển, vui chơi. Tuy nhiên, đôi lúc nắng gay gắt ảnh hưởng khá nhiều đến trải nghiệm của du khách.
"Di chuyển, hoạt động quá nhiều dưới trời nắng sẽ khiến tôi mệt, lười tham gia các hoạt động để trải nghiệm trọn vẹn điểm đến. Thời tiết nắng nóng cũng tác động đến tâm trạng, khiến mình dễ bực bội, thậm chí bị bệnh", Ngọc Diễm chia sẻ.
Vì vậy trong chuyến du lịch, cô cùng cả nhóm luôn tập trung lắng nghe cơ thể, điều chỉnh sao cho phù hợp để chuyến đi vui và có ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cho chuyến đi mùa hè cũng phức tạp hơn khi du khách phải mang theo nhiều trang phục dự phòng để thay khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi, chuẩn bị nhiều vật dụng chống nắng cũng như thuốc uống.
"Thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao khiến quần áo luôn đẫm mồ hôi, vì vậy tôi đã mang khoảng 9 bộ đồ cho chuyến du lịch chưa đến 3 ngày ở biển. Áo quần nhiều, nhưng bù lại chúng khá mỏng nhẹ, không tốn nhiều cân nặng và diện tích trong vali", Bảo Ngân chia sẻ.
Ngoài ra, nữ du khách liên tục dặm kem chống nắng, mang theo nón rộng vành, kính mát và cả thuốc nhức đầu. Mặc dù đã có sự chuẩn bị, Bảo Ngân vẫn bị say nắng sau những ngày hè ở biển.
Trong nhiều vấn đề sức khỏe khách thường gặp phải khi đi du lịch vào mùa hè, say nắng, mất nước là những hiện tượng rất phổ biến. Sau thời gian dài di chuyển, hoạt động dưới nắng, du khách thường bị mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, đau nhức cơ, giảm cảm giác thèm ăn...
Bảo Ngân liên tục thực hiện 3 chuyến du lịch chỉ trong chưa đầy một tháng hè. Ảnh: Chung Bảo Ngân.
Chia sẻ với Znews về chuyến đạp xe xuyên rừng, ngắm cảnh ở VQG Cát Tiên (Đồng Nai), Khánh Huyền (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết cô đã rất mệt, chỉ muốn uống nước ngọt để thỏa mãn cơn khát sau khi hoạt động thể chất liên tục dưới nền nhiệt cao.
"Tôi đi du lịch quanh năm chứ không riêng gì dịp hè, mỗi mùa cảnh quan có mỗi nét đẹp riêng. Tháng 5 là mùa muồng hoa đào, mùa bướm ở Cát Tiên nên tôi về rừng khám phá", Huyền chia sẻ.
Tuy nhiên, vì mang không đủ nước uống, nữ du khách đã rất mệt, gần như kiệt sức sau khi đạp xe gần 30 km xuyên rừng. Khánh Huyền cho rằng mùa hè thật sự rất đẹp, nhưng nắng nóng khiến cô không đủ sức khám phá tất cả những điểm muốn đến.
Sau khi say nắng ở VQG Cát Tiên, Khánh Huyền khá e dè khi tham gia các hoạt động ngoài trời trong chuyến du lịch. Ảnh: Khánh Huyền.
Trong tháng 6, công ty nơi Huyền làm việc sẽ tổ chức team building cho nhân viên tại Phước Hải, tuy nhiên cô đang cân nhắc việc có nên tham gia hay không.
"Mặc dù đây là quyền lợi của nhân viên nhưng tôi quá chán cảnh đội nắng tham gia các hoạt động ngoài trời", cô nói. Nữ du khách cho biết nhiều đồng nghiệp của cô cũng không đi, thay vào đó họ chọn ở nhà thư giãn hoặc tận dụng ngày nghỉ để đi du lịch ở địa điểm khác mát mẻ, thoải mái hơn.
Cũng như nữ du khách trên, Phương Anh (sống tại quận 12, TP.HCM) cho biết cô đang lên kế hoạch du lịch hè cho công ty tại Phan Thiết vào giữa tháng sau.
"Nghĩ tới cảnh vui chơi giữa mùa hè nắng gắt đã khiến tôi thấy mệt, nhưng vì là ban tổ chức nên tôi bắt buộc phải tham gia", Phương Anh chia sẻ.
Mùa hè là thời gian các công ty, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động du lịch kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng với các trò chơi tập thể, giúp gắn kết các thành viên và nâng cao tinh thần đội nhóm. Trong đó, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang là những điểm đến được nhiều đơn vị tại TP.HCM lựa chọn vì có cảnh quan đẹp, cơ sở lưu trú, nhà hàng có khả năng đáp ứng được số lượng khách lớn, có thể di chuyển bằng xe khách trong bối cảnh giá vé máy bay vẫn còn neo cao.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại Hội nghị về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 diễn ra chiều ngày 5/5, tháng 4 vừa qua được ghi nhận nóng nhất trong lịch sử, tính từ năm 1980.
Trong tháng này, 50/63 tỉnh, thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục, trong đó có 29 nơi ghi nhận nhiệt độ kỷ lục của năm. Xét phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 4 đạt 28 độ C, vượt giá trị lịch sử cũ 27,1 độ C vào cùng kỳ năm 2019.
Thậm chí, trong tháng 5, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ (nơi có một số tuyến du lịch trọng điểm) nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều và gay gắt hơn so với trung bình, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Theo Linh Huỳnh/ Znews