|
Suối Tiên trên núi Dinh hứa hẹn là điểm đến hút khách vào dịp lễ. Ảnh: Twinspiration.
|
Khi du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, du khách thường tìm tới các bãi biển nổi tiếng hoặc đi loanh quanh trong thành phố để thưởng thức các món ăn đặc sản. Dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới, các bãi biển Vũng Tàu càng trở nên đông đúc.
Ngán ngẩm cảnh đông người, nhiều du khách bắt đầu tìm kiếm những điểm đến có không gian yên tĩnh, không khí trong lành để tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ lễ. Đó là lý do những hình ảnh về dòng suối Tiên trên núi Dinh được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn, hội nhóm du lịch trong những ngày qua.
Suối Tiên ở đâu?
Suối Tiên nằm trên núi Dinh, thuộc địa phận huyện Tân Thành, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây chỉ cách TP.HCM khoảng 80 km, gần hơn so với thành phố Vũng Tàu nên du khách dễ dàng đi về trong ngày bằng xe máy, xe khách, ôtô hoặc phượt đường ngắn.
|
Con đường nhựa dẫn đến suối Tiên phủ đầy cây xanh. Ảnh: @chauvn.
|
Xuất phát từ TP.HCM, du khách có thể chạy theo quốc lộ 51, hướng đi thành phố Vũng Tàu. Khi đến ngã 4 Long Sơn, du khách rẽ trái vào đường Trường Sơn và đi tiếp khoảng 2 km sẽ thấy một con đường nhựa bên trái. Chạy men theo hết con đường nhựa sẽ đến được suối Tiên.
Theo bạn Quang Vinh, người có kinh nghiệm phượt suối Tiên, con đường nhựa dẫn tới suối Tiên khá dốc và nhiều khúc cua, người cầm lái phải vững tay. "Phương tiện thích hợp nhất là xe máy, vì có những đoạn đường nhỏ, đi ôtô sẽ không vừa. Du khách nên chọn xe máy có dung tích từ 110 cc để dễ leo dốc. Khi đến những khúc cua trên cao phải thường xuyên bấm còi để tránh xe lớn".
Ngoài ra, bạn Tạ Thị Minh Thoa (người dân thành phố Bà Rịa) cho biết thêm du khách thường nhầm lẫn suối Tiên với suối Đá vì cả 2 đều nằm trên núi Dinh. Tuy nhiên, suối Tiên nằm gần đỉnh núi, suối Đá lại nằm ngay chân núi nên đường đi sẽ khác nhau. Đường tới suối Tiên chính là đường dẫn lên núi Dinh.
"Thiên đường xanh" ẩn trên núi
Được mệnh danh "thiên đường xanh" ẩn giấu trên đỉnh núi, suối Tiên sở hữu thảm thực vật đa dạng với lớp rêu mịn dưới chân và hàng cây thông tỏa bóng mát xung quanh.
So với các điểm đến khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu, suối Tiên vẫn còn vẻ hoang sơ, chưa được khai thác mạnh về du lịch và khá ít người biết tới. Đến đây, du khách sẽ không bị ngợp bởi biển người, có thể chậm rãi ngồi bên bờ suối để hít thở bầu không khí trong lành, không khói bụi.
|
Khung cảnh xanh mướt tại suối Tiên. Ảnh: Twinspiration.
|
Suối Tiên có 5 tầng, dòng suối bắt nguồn từ đỉnh núi Dinh cao hơn 500 m, chảy ào ạt theo triền đá, đọng lại thành bãi tắm ở mỗi tầng. Do nằm gần đỉnh núi, làn nước ở suối Tiên mát mẻ, trong đến mức nhìn thấu đáy. Hai bên bờ suối còn có những phiến đá phẳng và to để du khách ngồi thưởng cảnh, nghe tiếng chim hót xen lẫn tiếng suối chảy róc rách qua khe đá.
Travel blogger Twinspiration, chủ nhân bộ ảnh chụp tại suối Tiên gây sốt trên các hội nhóm du lịch, chia sẻ rằng không khí trong lành, mát mẻ và những âm thanh sống động của núi rừng làm bản thân trở nên thư thái, giảm căng thẳng sau những ngày làm việc.
"Du khách có thể chuẩn bị cho mình những chiếc lều cắm trại để tận hưởng trọn vẹn một ngày ở đây. Quanh suối Tiên còn có nhiều con suối nhỏ khác để khám phá. Ngoài ra, trekking từ dưới chân núi, chinh phục những bậc thang chạy thẳng lên đỉnh núi cũng là một trải nghiệm thú vị cho những ai thích khám phá thiên nhiên", nam travel blogger nói thêm.
|
Suối Tiên thích hợp đến vào những ngày oi bức. Ảnh: Twinspiration, @earn_narat.
|
Suối Tiên đẹp nhất vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10. Lúc này, dòng nước chảy mạnh, va vào đá tung bọt trắng xóa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4, du khách nên hạn chế đi vào thời điểm này vì suối thường khô cạn hoặc rất ít nước.
Bên cạnh các hoạt động quen thuộc như tắm suối, trekking, ngắm cảnh, khu rừng thông ở suối Tiên cũng là địa điểm dã ngoại, cắm trại đêm được nhiều du khách ưa chuộng. Không gian tĩnh lặng, không tiếng ồn, không có sóng điện thoại, lại không đầy đủ tiện nghi. Đổi lại, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, lắng nghe những âm thanh đặc trưng của núi rừng về đêm.
"Nhóm chúng tôi đã mang theo một số nguyên liệu làm sẵn và dụng cụ để nướng BBQ để tổ chức dã ngoại. Cảm giác ngồi giữa thiên nhiên thưởng thức BBQ nóng cũng ngon hơn. Sau buổi dã ngoại, du khách nên thu gom rác để giữ vệ sinh cho suối Tiên", du khách Phạm Hồng Quân chia sẻ.
|
Du khách có thể cắm trại qua đêm và nướng BBQ giữa rừng thông. Ảnh: Hnadov, Vương Ái Bội.
|
Hiện tại, suối Tiên không thu phí tham quan nên du khách có thể tự do vui chơi cả ngày. Dưới chân núi có một số quán ăn, mức giá dao động từ 250.000 đồng/người. Ở giữa núi cũng có vài chòi lá để nghỉ ngơi với mức giá thuê 150.000-200.000 đồng/chòi.
Kết hợp trekking lên đỉnh La Bàn
Du khách khi đến khám phá suối Tiên thường đi đôi với trekking lên đỉnh La Bàn trên núi Dinh. Cung đường trekking khá nhẹ nhàng, không nhiều chướng ngại vật, phù hợp với nhiều đối tượng, kể cả người thể lực không quá tốt. Phủ kín 2 bên đường là những hàng cây cao to, trên thân mọc rêu vàng lốm đốm và nền rừng đầy lá khô.
Để lên được đỉnh La Bàn, du khách cần đi hết lối mòn nhỏ dài 700-800 m, nằm bên phải đường dẫn lên chùa Hang Mai trên đỉnh núi Dinh. Thời gian trekking thường kéo dài từ 45 phút đến một tiếng, tùy theo thể lực của từng du khách.
|
Cung đường lên đỉnh La Bàn khá đẹp và dễ đi. Ảnh: @maiii.lee, @onigiri.trang.
|
Thực chất, đỉnh La Bàn là một tảng đá bằng phẳng có độ cao 500 m, xung quanh thoáng đãng nên từng được sử dụng làm sân đáp trực thăng của Mỹ thời xưa. Hiện tại, dấu ấn tọa độ với 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc vẫn còn được lưu giữ.
Đứng trên đỉnh La Bàn, du khách có thể quan sát gần như toàn bộ bán đảo Long Sơn và một số địa điểm lân cận như cảng Cái Mép, vịnh Gành Rái, biển Vũng Tàu. Thậm chí là Cần Giờ ở phía xa.
|
Khung cảnh tuyệt đẹp nhìn từ đỉnh La Bàn xua tan hết mệt mỏi. Ảnh: Ha Nguyen.
|
Ngoài ra, quanh núi Dinh có nhiều ngôi chùa đẹp như chùa Hang, chùa Tây Phương, chùa Đại Tòng Lâm… để du khách kết hợp tham quan.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.
Theo Trúc Hồ/Zing