|
Nhiều du khách Việt thích nghỉ ngơi trong không gian riêng hơn là chạy theo lịch trình. Ảnh: @rirao.phuquy. |
Cổ Ngân (sống tại TP Thủ Đức, TP.HCM) tỏ ra mệt mỏi khi nhắc lại chuyến du lịch Thái Lan cùng người bạn lâu năm. Lịch trình được lên sẵn dày đến mức cô chỉ có vài tiếng để di chuyển qua 4-5 địa điểm khác nhau.
"Việc chạy kịp lịch trình giống như đi tour. Tôi thấm mệt nên không còn hứng chụp hình hay vui chơi, chỉ muốn về khách sạn ngủ. Sau chuyến đi đó, giờ đây tôi đi du lịch chỉ để ngủ", cô chia sẻ.
Với Cổ Ngân, cuộc sống thường ngày vội vã, không có nhiều thời gian cho bản thân, cô không muốn tiếp tục "chạy deadline" check-in, di chuyển trong những chuyến đi. Du lịch ngủ chính là khoảng thời gian nghỉ ngơi và sống chậm lại.
Nghỉ ngơi đúng nghĩa
Theo báo cáo ngày 21/3 của Booking, ứng dụng đặt phòng hàng đầu thế giới, Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 điểm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số lượng du khách muốn du lịch để ngủ nhiều nhất. Theo đó, 67% du khách Việt nói rằng muốn đi du lịch để thay đổi không khí và tận hưởng giấc ngủ ngon thay vì chạy theo lịch trình.
Theo Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking tại Việt Nam, xã hội ngày càng hối hả, giấc ngủ càng trở thành tài nguyên quý giá. Du lịch ngủ được dự đoán là xu hướng bùng nổ trong năm 2024.
Cũng trong tháng 3, TechRadar, ấn phẩm của nhà xuất bản Future ở Anh, chia sẻ báo cáo về xu hướng du lịch do Tập đoàn Khách sạn Hilton khảo sát 10.000 người. Trong đó, 27% đáp viên cho rằng giường và nệm là mối quan tâm hàng đầu trong chuyến du lịch ngủ.
|
Mục đích chính trong chuyến du lịch của Hoài Oanh là cải thiện giấc ngủ. Ảnh: Hoàng Thị Hoài Oanh. |
Từng khao khát trải nghiệm và mê check-in như bao du khách khác, Hoàng Thị Hoài Oanh (sống tại quận Bình Tân, TP.HCM) bắt đầu du lịch để ngủ vào năm 2023, khi cô nhận ra giấc ngủ đóng vai trò quan trọng. Trước đây, cô chưa từng nghĩ sẽ bỏ tiền để đổi chỗ ngủ.
"Cách đây vài năm, tài sản của tôi trong mỗi chuyến đi là album ảnh 'sống ảo'. Một tuần trước ngày khởi hành, tôi còn ngồi cả đêm để lên kế hoạch, chuẩn bị trang phục cho từng địa điểm. Từ khi vào đại học, thời gian học tập và làm việc đảo lộn, tôi ngủ không đủ giấc nên du lịch ngủ là giải pháp giúp cơ thể nghỉ ngơi", Hoài Oanh cho biết.
Trong chuyến du lịch tại Măng Đen hồi tháng 1, cô không sắm sửa hay "đau đầu" tìm nơi check-in và ăn uống, chỉ mất vài tiếng để tìm được homestay đúng ý.
"Rời khỏi thành phố nhộn nhịp, ngả lưng tại một không gian mới, khí hậu mát mẻ và không chút ồn ào, tôi như sống một cuộc sống khác. Mọi lo toan tan biến, cơ thể trút bỏ gánh nặng", Hoài Oanh nói.
|
Tuyết Anh du lịch ngủ tại Đà Lạt mỗi tháng một lần để đưa cơ thể về trạng thái cân bằng. Ảnh: Đoàn Ngọc Tuyết Anh. |
Tương tự, Đoàn Ngọc Tuyết Anh (sống tại TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng cho rằng giấc ngủ là ưu tiên hàng đầu trong mọi chuyến du lịch. Khi trải nghiệm đủ nhiều, cô chỉ muốn giải tỏa tinh thần và thư giãn cơ thể, thay vì suy nghĩ đau đáu về lịch trình.
"Từ 5, 6 năm trước, tôi bắt đầu du lịch ngủ khi tài chính ổn định. Phần lớn thời gian tôi ở trong phòng nên thường chọn resort có không gian rộng, sạch sẽ và thơm tho. Đặc biệt là chiếc giường đủ chuẩn. Mỗi tháng, tôi đều đi Đà Lạt để ngủ. Nhu cầu của tôi là đổi không khí và nghỉ ngơi đúng nghĩa", Tuyết Anh bộc bạch.
Không phí tiền
Với những người thích trải nghiệm, du lịch ngủ là một hình thức kỳ lạ. Nhưng Tuyết Anh lại nghĩ khác. Việc nghỉ ngơi trong khách sạn, resort không phí tiền hay thời gian, ngược lại còn giúp cô có khoảng không gian riêng để định hình lại mong muốn của bản thân.
"Du lịch ngủ giúp tôi tập trung tốt để làm dự án mới. Thay vì tham gia khóa thiền hay các chuyến chữa lành phải tương tác với nhiều người, tôi chọn một resort đẹp và 'gói ghém' một mình trong căn phòng. Khi không có các yếu tố bên ngoài tác động, tôi được ngủ trong sự tự do", cô nói.
|
Theo nhiều du khách, du lịch ngủ giúp thư giãn, cải thiện sức khỏe và tinh thần. Ảnh: Cổ Ngân. |
Sau dịch Covid-19, tần suất nghỉ ngơi trong những chuyến đi của Tuyết Anh có phần tăng lên. Cô xem du lịch ngủ như "pháo đài" để trốn khỏi cuộc sống bộn bề hiện tại.
"Nhiều người muốn tìm cảm giác an toàn trong một không gian thoải mái, đẹp hơn căn nhà đang sống. Tôi cũng vậy. Nếu không sắp xếp được thời gian đi xa, tôi vẫn đến khách sạn ở TP.HCM để thay đổi không gian", Tuyết Anh tâm sự.
Với cô, khi rơi vào buồn bã và mệt mỏi, đến một nơi được phục vụ, nuông chiều giúp đầu óc thả lỏng, buông bỏ mọi phiền lo để ngẫm nghĩ lại. Từ đó nhận ra bản thân muốn và cần gì. Dịp lễ sắp tới, cô tiếp tục du lịch ngủ tại Phan Thiết (Bình Thuận).
|
Là một nhà sáng tạo nội dung, du lịch ngủ giúp Cổ Ngân mở rộng ý tưởng và tự vấn lại mong muốn của bản thân. Ảnh: Cổ Ngân. |
Còn với Cổ Ngân, du lịch ngủ mang đến một tinh thần sảng khoái và đầu óc thông suốt. Cô chia sẻ: "Khi chậm lại một nhịp, đọc sách hoặc nghe nhạc, tôi như được khai sáng. Nút thắt trong đầu về bản thân, công việc, tình cảm được gỡ bỏ một cách nhẹ nhàng. Trong khi ở TP.HCM, tôi không làm được điều này vì không gian ồn ào và bó buộc".
Trong một năm, Cổ Ngân thường xuyên "đi ngủ" tại Phú Quốc, Đà Nẵng và một số quốc gia khác. Đà Lạt là điểm du lịch ngủ gần nhất.
"Không chỉ cải thiện giấc ngủ, chuyến du lịch Đà Lạt giúp tôi nạp năng lượng tích cực, xua năng lượng tiêu cực. Tôi có thể lao ngay vào công việc với những ý tưởng dạt dào. Đã qua rồi những ngày đi du lịch và trở về nhà với trạng thái mệt mỏi", Cổ Ngân bày tỏ.
Theo Tạp chí Tri thức