Mpo Bhabay, một tài xế xe ôm toàn thời gian cho hãng xe Gojek, đã thu hút được 250.000 người theo dõi nhờ các video đăng tải trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
Nội dung các video xoay quanh việc người phụ nữ 44 tuổi chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày. Từ những khó khăn khi làm tài xế, cho đến gia cảnh của một người mẹ có 9 đứa con trong xã hội Indonesia... đều được Bhabay thể hiện chân thật.
|
Các tài xế sáng tạo nội dung bằng cách quan sát và đăng tải những gì xảy ra trong cuộc sống của mình (Ảnh: Rest Of World). |
Chỉ trong khoảng 3 năm, Bhabay từ một người cung cấp dịch vụ quảng cáo miễn phí cho các thương hiệu, nay đã kiếm được số tiền 3 triệu Rupiah (khoảng 4,7 triệu đồng) cho mỗi video.
Mức thu nhập này cao hơn nửa tháng lương tối thiểu tại vùng thành thị Jakarta, nơi Bhabay đang sống. Với tối đa 4 video được tài trợ mỗi tháng, nữ tài xế đã mua cho mình một căn nhà và gần như trả hết nợ. Đó là cách biệt lớn so với thu nhập 50.000 Rupiah/ngày (khoảng 78.000 đồng) của nghề tài xế.
Bhabay chỉ là một ví dụ nhỏ trong số những tài xế trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Ở khắp Đông Nam Á, các tài xế đang sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok. Đôi khi họ lãng mạn hóa cuộc sống hàng ngày, như những cuộc gặp gỡ đầy cảm động hay các đoạn độc thoại đầy nhiệt huyết về các vấn đề xã hội.
Những video này có thể đạt hàng triệu lượt xem, biến chúng thành các hợp đồng tài trợ và quảng cáo sinh lợi cho các tài xế.
Jesse Bouman, Giám đốc điều hành của Slice Group, một nhà phát triển công cụ của Indonesia cho biết: "Lý do khiến video của các tài xế nhận được nhiều sự chú ý là vì họ rất chân thực. Họ đang trở thành những doanh nhân thông qua việc sáng tạo nội dung".
|
Mạng xã hội là công cụ giúp các tài xế xe ôm công nghệ có thêm nguồn thu nhập tay trái (Ảnh: NLĐ). |
Hiện nay, doanh thu của các hãng xe công nghệ trên thế giới đang sụt giảm. Những tài xế như Bhabay phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc chạy xe 12 giờ mỗi ngày để trang trải cuộc sống hoặc tìm kiếm một công việc khác.
Tạo nội dung cho TikTok nhanh chóng trở thành công việc dễ tiếp cận đối với bất cứ ai có điện thoại thông minh. Các tài xế có thể nảy ra ý tưởng kể cả khi đang lái xe và giao đồ ăn. Sau đó, họ sẽ dành thời gian chỉnh sửa video trong lúc chờ đợi hoặc vào buổi tối.
Tại Việt Nam, tài xế hãng Grab anh Hà Văn Công (25 tuổi, ngụ tại Hà Nội) đã đầu tư 15 triệu đồng vào thiết bị quay phim, trong đó có camera 360 độ. Hai trong số các video của Công đã đạt hơn 1 triệu lượt xem.
Trước đây, Công tốt nghiệp đại học ngành du lịch. Vậy nên chàng trai muốn vận dụng kỹ năng hiếu khách, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với các hành khách đến từ Sri Lanka, Australia và Ireland.
Công còn chơi đùa với khách hàng Hàn Quốc và đông đảo những người hâm mộ văn hóa Hàn Quốc nhiệt thành ở Đông Nam Á, bằng những cụm từ học được từ việc xem phim truyền hình từ xứ sở kim chi.
Chỉ trong một tháng tham gia TikTok, một công ty quảng cáo đã đề nghị trả cho anh 750.000 đồng để thực hiện một video được tài trợ về các sản phẩm bảo hiểm của Grab dành cho tài xế và hành khách.
|
Trong bối cảnh thu nhập sụt giảm, tài xế phải lựa chọn làm nhiều việc cùng lúc (Ảnh: Văn Hiền). |
Tài xế Phạm Văn Mạnh (cũng ở Hà Nội) quyết định đầu tư 70 triệu đồng vào công việc kinh doanh nội dung của mình bằng cách mua máy ảnh 360 độ, mic và máy tính hiệu MacBook. Mạnh lái xe ôm công nghệ mỗi sáng và đưa ra nội dung, kịch bản phân cảnh. Sau đó, anh đưa cho các cộng sự thực hiện phần hậu kỳ.
Hoạt động theo nhóm, Mạnh đều đặn ra video hàng tuần. Các video của Mạnh với nội dung về các cuộc trò chuyện với hành khách, đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Điều này giúp anh kiếm được 4 triệu đồng cho mỗi video được tài trợ.
Theo Nguyễn Vy/Dân trí