Bên cạnh những đơn lẻ 1-2 món, một số shipper mang theo hàng chục suất cơm được đặt trước để cung cấp cho cả văn phòng.
Mất khoảng 5 phút, Nguyễn Tuyết, chuyên viên của một công ty cung cấp giải pháp thanh toán, mới tìm được người giao hàng của mình trong “biển” shipper dưới chân tòa nhà. Cô đặt món miến trộn về ăn cùng đồng nghiệp, thay vì tự chuẩn bị bữa trưa như mọi ngày.
|
Cảnh giao đồ ăn trưa tấp nập dưới một tòa nhà văn phòng trên phố Tam Trinh.
|
Đặt ship đồ ăn trưa
Khoảng 11h30, Hường (25 tuổi), nhân viên văn phòng làm việc trên phố Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng), xuống sảnh tòa nhà nhận món mì spaghetti.
Cô cẩn thận đặt ship từ trước đó 30 phút để tránh phải chờ đợi lâu, đồng thời mọi giao dịch thanh toán đã được thực hiện trực tuyến trước đó.
“Theo tôi, gọi đồ ăn về văn phòng rất tiện lợi. Tôi vừa tiết kiệm được thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi, vừa đảm bảo sức khỏe của mình trong thời điểm dịch bệnh. Chỉ cần mất công gọi shipper sớm một chút để được ăn đúng giờ”, cô nói với Zing.
Nguyễn Ngọc Ánh (22 tuổi) và Nguyễn Thị Biển (22 tuổi), nhân viên trực tổng đài làm việc cùng tòa nhà với Hường, cũng xuống lấy đồ ăn cùng thời điểm.
Biển cho biết do các cửa hàng quanh khu vực tạm dừng bán tại chỗ, cô và đồng nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài mua mang về.
“Mua đồ ăn mang về trở thành thói quen mới của chúng tôi kể từ khi dịch bệnh tái bùng phát trở lại ở Hà Nội. Trước đây, chúng tôi thường sẽ đến quán dùng bữa trực tiếp”, cô nói.
|
Biển (trái) và Ngọc Ánh không còn "mặn mà" với việc ăn trưa ngoài hàng quán do dịch bệnh.
|
So với việc mua mang về, hai cô gái cho rằng ăn tại chỗ vẫn ngon hơn nhiều, bởi món được phục vụ ngay, còn nguyên độ ngon và nóng hổi. Ngoài ra, nhân viên phục vụ sẽ thu dọn sau khi họ ăn xong.
“Còn bây giờ, tôi phải xuống sảnh lấy bữa trưa rồi tay xách nách mang trở lại văn phòng. Chưa kể, sau khi ăn xong, tôi phải tự dọn dẹp sao cho khéo để không làm bẩn, ám mùi không gian làm việc chung”, Ngọc Ánh nói thêm.
Tuy nhiên, Biển và Ngọc Ánh đã dần quen với nếp sinh hoạt văn phòng mới, một phần do dịch bệnh tái bùng phát mạnh ở Hà Nội. Sau vài lần hàng quán đóng - mở liên tục, họ trở nên e ngại ăn ở ngoài hơn, ngay cả khi quán được phép bán tại chỗ.
Thực tế, để ship được đồ ăn đến đúng giờ trưa, nhiều người phải "săn" shipper cả chục phút, ở nhiều app khác nhau.
"Gần giờ trưa, shipper bận liên tục vì số lượng khách mua rất đông. Tôi và 3 đồng nghiệp nữa phải cùng nhau đặt món, ai may mắn có shipper nhận thì mua bằng máy người đó. Như hôm nay, để được ăn trưa lúc 12h15, chúng tôi bắt đầu mua đồ ăn từ 11h", Lê Thảo Nhi (sinh năm 1990, nhân viên sale ở tòa nhà 58 Kim Mã) nói.
Nếu bỏ qua "giờ vàng" gọi đồ ăn, Thảo Nhi sẽ phải chờ tới 13h mới có thể gọi được đồ ăn, khi các shipper đã rảnh hơn.
"Phải chấp nhận thôi vì hàng quán dừng bán tại chỗ, ai cũng mua mang về. Để phòng chống dịch, tôi chấp nhận chờ đợi và mất công một chút", cô chia sẻ.
Để thay đổi bữa, Thảo Nhi và đồng nghiệp có ngày đặt đồ ăn, có ngày rủ nhau cùng mang bữa trưa.
"Nhưng mang đồ ăn theo rất lích kích. Chưa kể văn phòng tôi không có lò vi sóng, không có tủ lạnh, việc bảo quản đồ ăn khó khăn. Giờ nghỉ trưa chỉ có 1 tiếng mà dành cả để đun nấu thì rắc rối lắm", cô kết luận.
|
Khánh Linh (trái) và Phương Linh đều thích tự chuẩn bị bữa trưa từ nhà hơn gọi ship.
|
Thay vì gọi ship đồ ăn, Phương Linh (22 tuổi) và Khánh Linh (28 tuổi), nhân viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, tranh thủ ghé qua những hàng quán có sẵn dưới chân công ty.
Sau khoảng 15 phút, hai cô gái trở lại văn phòng với nhiều “chiến lợi phẩm”: 2 chiếc bánh mì, một hộp mì trộn xúc xích và 2 túi hoa quả gọt sẵn.
Dù đã làm ở đây vài năm, đây là lần đầu tiên Khánh Linh thưởng thức món mì trộn ở cửa hàng nằm sát công ty. Trước đây, cô thường chuẩn bị cơm trưa sẵn ở nhà.
“Tôi không thích phải chờ thang máy để xuống sảnh lấy đồ, cũng như phải đợi người giao hàng. Quan trọng nhất, tôi thích hương vị món ăn mình nấu. Ngoài việc hợp khẩu vị, bữa cơm cũng đem lại cảm giác an toàn hơn trong thời điểm dịch bệnh”, cô nói.
Đợi được bán tại chỗ
Từ 10h, quán cơm gà ở phố Tam Trinh của Trương Anh Tuấn (38 tuổi) đã rục rịch chuẩn bị cho các đơn hàng buổi trưa.
“Khách hàng chủ yếu là dân văn phòng ở khu vực lân cận. Họ thường đặt cơm vào lúc 11h30-12h30, tức tôi chỉ có 1 tiếng để phục vụ 200-300 suất ăn. Do đó, tôi phải sơ chế trước thực phẩm và chuẩn bị trước các món ăn kèm cho vào túi”, anh nói.
|
Anh Tuấn và các nhân viên chuẩn bị từ sớm để phục vụ giờ cơm trưa cao điểm.
|
Bận rộn là vậy, song doanh thu từ việc bán mang về “không thấm vào đâu”. Vì mất đi lượng khách ăn tại chỗ, quán chịu thiệt hại lớn.
Anh Tuấn cho biết anh vẫn mở bán để có tiền duy trì mặt bằng, trả lương nhân viên, cũng như giữ chân khách quen. Còn lại, lượng khách mới biết đến quán không nhiều.
3 phút là khoảng thời gian để Nguyễn Vũ Linh (35 tuổi), chủ cơ sở bún riêu ở phố Lạc Trung, chuẩn bị một suất ăn mang đi.
Từ sáng, cô và các nhân viên đã đóng gói sẵn đồ ăn kèm, đũa thìa và tương ớt vào từng túi riêng. Khi có đơn hàng báo về máy, cô chỉ cần trần bún, đồng thời múc nước dùng vào cốc nhựa và dán nắp bằng máy ép nhiệt. Những thao tác này trở nên tinh gọn hơn sau 2 năm sống chung với dịch bệnh.
“Đến thời điểm này, tôi phần nào đã quen với những thông báo đột ngột chuyển sang mang về, nhưng vẫn buồn. Cái khó lúc này là việc điều tiết nhân sự sao cho hợp lý, cũng như cân đối doanh thu”, cô chia sẻ.
|
Chỉ mất khoảng 3 phút để quán chị Vũ Linh chuẩn bị một suất mang đi.
|
Trước Covid-19, quán bún của chị Vũ Linh hoạt động hết công suất vào giờ sáng và trưa, cần đến 13 nhân viên mỗi ca, thay vì 4 người như hiện nay. Nhiều khách ghé qua là dân văn phòng ăn sáng trước khi đi làm.
Hiện, thực khách gọi đồ rải rác trong ngày, không còn quá tập trung vào buổi sáng hay trưa. Chủ quán cho biết một phần do họ muốn tránh order vào giờ cao điểm.
Ngoài ra, theo chị Vũ Linh quan sát, hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng bị gián đoạn trong thời điểm dịch bệnh, gây khó cho các chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống.
“Thực khách trở nên quen với việc tự chuẩn bị đồ ăn tại nhà, nên doanh thu bán mang về không thấm là bao. Tôi mong rằng sang năm mới, dịch bệnh sớm được kiểm soát để hoạt động bán đồ ăn, uống tại chỗ sôi nổi trở lại”, cô nói.
Theo Hồng Chang, Hà Nam/ Zing