Tại mùa đầu tiên, dự án được triển khai với chủ đề “Viết tiếp những điều dung dị” và ghi hình tại Bảo tàng TP HCM - nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, tái hiện chân thực hình ảnh TP HCM qua từng thời kỳ; với thông điệp chính là “cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc qua những câu chuyện giản đơn bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày”.
Ekip thực hiện chương trình Gương mặt Việt Nam
Công tác tại Đài truyền hình TP HCM với những vai trò khác nhau như biên tập viên, người dẫn chương trình, những GenZ trong đội ngũ sản xuất đã cùng nhau tạo nên một đêm hội ngộ đong đầy cảm xúc, quy tụ 11 nhân vật là các chính trị gia, lực lượng vũ trang, doanh nhân, văn nghệ sĩ, giới tri thức, cộng đồng người trẻ/nhóm trẻ…
Chia sẻ về hành trình tạo nên một đêm ghi hình đáng nhớ, BTV Lan Nhi, nhà sản xuất, biên tập chính của dự án bộc bạch: “Tôi đã được truyền cảm hứng từ các thế hệ anh chị đi trước cũng như từ chính những trải nghiệm của bản thân trong những chuyến công tác. Đặc biệt, chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa vào tháng 4/2023 đã cho tôi những cảm xúc đặc biệt. Tôi nhìn thấy được câu chuyện của những con người Việt Nam từ Bắc chí Nam và cả nơi hải đảo xa xôi.
Điểm chung của những nhân vật ấy đều là một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, và họ luôn cố gắng giữ gìn và phát huy tình cảm ấy bằng những việc làm trong khả năng của mình với những đóng góp rất cụ thể. Đôi khi đó chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi, hành động nhỏ nhưng xuất phát từ trái tim chân thành, từ tình yêu nước, nghĩa đồng bào”.
Chương trình đã tạo nên một đêm hội ngộ đong đầy cảm xúc, quy tụ 11 nhân vật đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau
Trong khi đó, chàng MC 60 giây Phạm Thanh và BTV Trung Hậu luôn muốn thử sức ở những vai trò khác nhau. Tại Gương mặt Việt Nam, họ không đơn thuần là những người dẫn mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, gặp gỡ và trao đổi với nhân vật để gom nhặt những chất liệu cho đêm hội ngộ những gương mặt Việt Nam.
Đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo, MC Phạm Thanh đã mang đến những ý tưởng dàn dựng độc đáo, đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào. Từ đó những câu chuyện, thông điệp của 11 nhân vật được truyền tải một cách trọn vẹn, tinh tế và đong đầy cảm xúc.
Chia sẻ về cảm xúc khi là một trong những mảnh ghép tạo nên “Gương mặt Việt Nam” mùa đầu tiên, BTV Phan Trung Hậu xúc động: “Những biên tập viên, MC trẻ của Đài truyền hình TP HCM không ngại dấn thân và không ngừng kiến tạo những giá trị bình dị mà giàu sức lay động tận cùng…”.
Bên cạnh vai trò quản lý truyền thông của dự án, Trọng Hiền cùng Quản Hân và Quốc Trí còn đảm nhiệm vai trò dẫn dắt, giao lưu các khách mời tại khu vực thảm đỏ của chương trình. Dựa trên kịch bản được xây dựng, đội ngũ sản xuất là những gương mặt trẻ thuộc thế hệ Gen Z đã thổi vào dự án những làn gió mới bằng sự năng động, sức sáng tạo của mình.
Ngay khi chương trình lên sóng Đài truyền hình TP HCM, những khán giả yêu mến “Gương mặt Việt Nam” đã dành nhiều lời khen cho các ấn phẩm truyền thông đầy hiện đại và thu hút của chương trình. Đặc biệt ở mùa đầu tiên của “Gương mặt Việt Nam”, với không gian ghi hình là Bảo tàng TP HCM, ekip đã tận dụng nét độc đáo của không gian, kiến trúc tòa nhà nơi đây làm sân khấu chính và thổi vào địa điểm này nét dung dị với các thiết kế đầy sáng tạo từ các ụ rơm và sen đá… Ít ai biết rằng, chủ nhân của những ý tưởng độc đáo này là chàng trai Gen Z Tạ Đăng Khoa.
Tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa, Tạ Đăng Khoa với tư duy sáng tạo hiện đại đã giúp cho các chương trình truyền hình thoát khỏi những “quy chuẩn” thiết kế cũ. Chia sẻ về nguồn cảm hứng cho ra đời các thiết kế của dự án, Tạ Đăng Khoa cho biết: “Ở mùa đầu tiên với chủ đề 'Viết tiếp những điều dung dị', tôi và các cộng sự đề cao tính hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong từng ấn phẩm, chi tiết trang trí trên sân khấu. Bởi tôi mong rằng nét dung dị phải được toát lên một cách tinh tế, mộc mạc và chạm đến cảm xúc của khán giả một cách tự nhiên nhất”.
Những bạn trẻ thực hiện chương trình Gương mặt Việt Nam mùa đầu tiên cùng sự cố vấn của các nhà báo, biên tập viên kỳ cựu trong nghề
Mới đây nhất, dự án “Gương mặt Việt Nam” còn gây bất ngờ khi chính thức công chiếu tại cụm rạp Cinestar trước thềm phát sóng. Đây cũng là lần hiếm hoi một chương trình truyền hình được công chiếu trên màn ảnh rộng. Để có được những dấu ấn đặc biệt trên, phải kể đến những đóng góp của chàng trai 9X - Nguyễn Công Vinh. Không chỉ đứng sau những thước phim nghệ thuật, Công Vinh còn kiêm cả vai trò dựng phim. Anh chàng chia sẻ để có được 60 phút công chiếu trên màn ảnh rộng, anh và các cộng sự đã ngồi hàng chục giờ liên tục để có thể đảm bảo chất lượng hình ảnh và mạch cảm xúc cho chương trình.
Được biết, Công Vinh là cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình chuyên ngành Báo chí - Truyền thông. Trước khi đảm nhận vai trò giám đốc hình ảnh, Công Vinh từng thử sức với vai trò biên tập viên của hàng loạt chương trình ăn khách như “Việt Nam tươi đẹp”, “Gala nhạc Việt”... và gặt hái được những thành công nhất định.
“Gương mặt Việt Nam” không chỉ là dự án để các biên tập viên, MC trẻ khẳng định bản thân và cống hiến cho cộng đồng mà còn tạo cơ hội để những bạn trẻ được thử sức, trải nghiệm và học hỏi. Đội ngũ sản xuất mùa đầu tiên của Gương mặt Việt Nam còn có sự góp mặt của những bạn sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TP HCM. Tuy còn trẻ về tuổi đời lẫn “tuổi nghề”, thế nhưng với ngọn lửa nhiệt huyết, những thành viên thuộc thế hệ GenZ của dự án đã mang đến những góc nhìn mới lạ.
Với vai trò cố vấn và đồng hành cùng các bạn trẻ từ những ngày đầu thực hiện dự án, nhà báo, biên tập viên, MC Võ Huỳnh Tấn Tài chia sẻ: “Giá trị của dự án Gương mặt Việt Nam không chỉ là một dự án lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng trong cộng đồng mà còn góp phần hình thành nên một thế hệ GenZ - thế hệ những phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình truyền hình năng động, dám nghĩ, dám làm.
Bên cạnh công việc chuyên môn, những người làm báo trẻ còn biết tận dụng tối đa sức ảnh hưởng của mình để tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Thành quả nổi bật nhất của dự án này theo tôi nghĩ rằng không phải được tính bằng quy mô của dự án, cũng không phải được tính bằng lượt xem mà điều đó được chứng minh rằng tinh thần tử tế, giá trị đạo đức đã được lan tỏa và đã được hiện diện trong thế hệ những người làm báo trẻ”.
Theo Kỳ Hoa/Nhà báo & Công luận