Trao đổi trên tờ Infonet, cô giáo Nguyễn Phương Lan – một giáo viên ở Hà Nội đã chia sẻ về bài tập làm văn khiến cô không nhịn được cười.
Cụ thể để luyện kỹ năng miêu tả chi tiết cho học sinh, cô giáo đã ra đề bài miêu tả về anh/chị em trong gia đình thì nhận được một bài viết vô cùng chân thực.
|
Bài văn tả anh trai chân thực đến "từng xen ti mét" của học sinh lớp 6. Ảnh: Infonet. |
Cụ thể bài văn như sau:
“Nhà em có một anh trai tên là Nguyễn Sơn Tùng nhưng anh ấy lại không đẹp trai như ca sĩ Sơn Tùng. Anh trai em gầy và cao lêu nghêu như một cây chuối hột.
Răng của anh ấy vẩu và đu ra ngoài nên em hay nói anh “ăn đu đủ không cần thìa”. Mỗi khi anh ngủ dậy, mẹ phải gào đến nỗi em ở tầng 4 cũng nghe thấy. Đầu anh ấy lúc nào cũng lù xù y như con khỉ đầu chó mà em hay xem trên ti vi.
Mỗi khi có đồ gì ăn anh ấy đều trốn vào trong phòng ăn một mình và bị mẹ em quát “sao mày không cho em ăn với” và sau đó bị mẹ tát cho “không trượt phát nào”. Em rất yêu quý anh”.
Cô Lan cũng chia sẻ: “Thực tế là hiện nay nhiều học sinh cấp THCS nhưng kỹ năng miêu tả, đặc biệt là quan sát để tả chi tiết rất kém. Khi nhận được bài làm của học sinh nam này tôi đã không nhịn được cười.
Qua chất văn miêu tả chân thực tôi có thể tưởng tượng ra ngay anh trai của học sinh của mình. Tôi sẽ cho bài văn này điểm cao nhưng không tuyệt đối vì cách trình bày cẩu thả nhưng sẽ luôn khuyến khích những bài văn thực tả".
Gần đây, một bài văn tả anh trai của học sinh lớp 2 cũng khiến dân mạng “té ngửa” bởi cách diễn đạt ngây thơ như đầy chân thật.
Cụ thể, trong bài văn tả anh trai của mình, học sinh viết: "Gia đình em gồm 5 người. Em yêu nhất là anh. Anh cho em đi xem phim. Anh cho em đi chơi. Anh cho em đi lên công ty mẹ. Anh cho em đi sang nhà bà ngoại. Anh cho em xem hài. Anh cho em đọc truyện. Anh cho em xem phim hay. Anh cho em đi mua đồ".
Bài văn trên tuy bị lặp câu rất nhiều nhưng lại được nhiều người đánh giá cao vì sự thật thà. "Chắc hẳn bạn này yêu anh trai của mình lắm, anh trai chiều chuộng thế kia cơ mà", một bạn đọc bình luận.
Theo Thanh Tùng/ĐSPL