Cô Nguyễn Thị Uyên, 27 tuổi, là giáo viên trường Mầm non thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vừa đoạt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Cô giáo 9X đã thành công trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non.
Nhìn lại chặng đường 7 năm hành nghề, nữ giáo viên mầm non nhớ về những ngày đầu chập chững, mới 20 tuổi, chưa từng trông một đứa trẻ, bỗng dưng khoác lên mình trách nhiệm "người mẹ" của 60 đứa con.
Áp lực ngày mới vào nghề
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm giáo viên, tốt nghiệp ngành sư phạm, Uyên vào trường Mầm thị trấn Sóc Sơn làm việc. Cô giáo trẻ là một trong 4 giáo viên của lớp mầm non với 60 trẻ.
Ba năm đầu, cô Uyên nhận mức lương hợp đồng ít ỏi, đến năm 2014 mới được vào biên chế. Mức lương đến thời điểm tháng 8 vừa qua của cô là 4 triệu đồng/tháng. Sau đó, nữ giáo viên nhận công tác mới tại Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn.
|
Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Uyên trả lời báo chí sau khi nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Ảnh: Quyên Quyên. |
Khi hỏi mức lương mầm non có đủ trang trải cuộc sống, cô Uyên trả lời do chưa lập gia đình, mức chi tiêu không nhiều nên không gặp khó khăn về tài chính. Nhưng nhìn chung, mức lương này so với các ngành nghề khác là thấp, không đáp ứng được cuộc sống của giáo viên khi họ phải làm việc từ 6h30 đến 17h mỗi ngày.
Cô giáo này nhớ lại suốt năm đầu tiên hành nghề, Uyên luôn ngủ mê mỗi khi về nhà, khiến bố mẹ lo lắng. Cô bị ám ảnh tiếng khóc của trẻ em và gặp áp lực khi giao tiếp với phụ huynh, những khó xử trong các tình huống với con trẻ.
Hai năm đầu, nhiều lúc, Uyên sợ chính nghề nghiệp của mình, vì quá đỗi vất vả. Đôi khi, cô muốn bỏ nghề. Một phần do cô chưa có kinh nghiệm, phần khác là khoảng cách giữa lý thuyết được học trong trường và thực tế xa nhau nên nhiều bỡ ngỡ.
Nhưng tiếp xúc với trẻ mỗi ngày, coi các em như chính con mình, tình yêu với trẻ và nghề ngày một lớn lên. Thứ tình cảm ấy dần thành sâu đậm, như một phần không thể tách rời. Mỗi ngày, điều ước mong giản dị của Uyên chỉ là học sinh mỉm cười tươi khi đến lớp.
Cô giáo 9X tâm sự: “Nhiều khi tình yêu với con trẻ quá lớn lao khiến tôi không để ý những thứ xung quanh, chỉ dồn hết tâm huyết của mình với nghề. Vì vậy, dù tiền lương không cao, tôi vẫn luôn cố gắng hết sức. Tôi tâm niệm, một giáo viên tốt sẽ tạo ra nhiều thế hệ học trò tốt. Ở bậc mầm non, người lớn góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em”.
Áp lực từ xã hội
Dù có 7 năm kinh nghiệm trong nghề, không còn bỡ ngỡ như ngày đầu, cô Uyên vẫn trăn trở nghề cô giáo mầm non có những khó khăn riêng.
“Nhiều phụ huynh hỏi tôi, ở nhà, họ chỉ có hai con đã rất vất vả, tại sao cô trông được 60 em một lớp?”, cô Uyên kể.
Nữ giáo viên bật mí trẻ mầm non được rèn luyện nề nếp và có tinh thần thi đua nhau. Ví dụ, khi cô giáo nói: “Nếu bạn nào ngoan, cô sẽ yêu bạn đó nhất, các con sẽ cùng nhau chăm ngoan”.
|
Cô giáo mầm non chia sẻ càng sống trong nghề, tình yêu con trẻ càng lớn lao. Ảnh: NVCC. |
Với những học sinh chưa ngoan, phụ huynh cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Trong cách giáo dục con, phụ huynh cần có hành động, câu nói thể hiện rõ quan điểm: “Bố mẹ thích hay không thích những điều con đang làm?”; hoặc: “Nếu con lựa chọn hoặc không lựa chọn làm những điều này, bố mẹ sẽ như thế nào?”.
Theo cô Uyên, nghề giáo viên mầm non hiện tại gặp áp lực lớn khi trên mạng xã hội, báo chí có nhiều tin tức tiêu cực, tạo nên bức tranh u ám.
“Khi đọc những thông tin đó, tôi và bất cứ giáo viên mầm non nào cũng cảm thấy buồn, vì đó chỉ là 'con sâu làm rầu nồi canh'. Những sự việc như vậy, vô tình gây cho phụ huynh cái nhìn không thiện cảm với giáo viên. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để các cô giáo tự hoàn thiện bản thân”, cô Uyên bày tỏ.
Cô giáo tâm huyết, sáng tạo
Vượt qua những khó khăn ban đầu khi mới vào nghề, cùng lòng yêu trẻ, sự thôi thúc tìm ra những đổi mới trong cách giáo dục, năm 2016-2017, cô Uyên thiết kế sản phẩm công nghệ thông tin Thiết lập một số trò chơi khám phá khoa học dành trên máy tính cho trẻ mẫu giáo.
Sản phẩm được ghi ra đĩa tạo thành chương trình vừa chơi vừa học với tên gọi Chương trình khoa học nhí, phổ biến đến giáo viên, cũng như phụ huynh của trường, được sử dụng trong lớp và ở nhà.
Chương trình là cả một thế giới trẻ thơ với nhiều màu sắc, thú vị, đòi hỏi sự tư duy, tính kiên trì cao, tổng hợp 500 hình ảnh ngộ nghĩnh, 1.000 file âm thanh sống động, từ tiếng âm nhạc, tiếng cô giáo, tiếng nói bạn thơ.
Cô Uyên cho biết niềm say mê công nghệ thông tin đến khi bản thân nhận được sự dìu dắt từ tổ trưởng tổ chuyên môn của trường. Cô giáo 9X mong muốn các chương trình ứng dụng từ công nghệ phần nào giúp giáo viên mầm non giảm tải việc làm dùng đồ chơi quá nhiều mà không đạt hiệu quả cao. Đồng thời, nó tạo tài nguyên cho giáo viên, phụ huynh thỏa sức sáng tạo trong học tập, vui chơi trong lớp cũng như ngoài trời.
Năm học 2013-2014, khi thiết lập trò chơi Hải đảo trên máy tính, cô Uyên bảo mỗi ngày chỉ ngủ một đến 2 tiếng, kéo dài khoảng một tháng. Thấy con tâm huyết, bố mẹ Uyên rất xót xa nhưng vẫn động viên cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cô giáo này kể ngoài làm việc trong ngành giáo dục, ước mơ của cô là mở cửa hàng thiết kế đồ điện tử hoặc chuyên sản xuất đồ chơi hiện đại cho trẻ mầm non.
Trong lần trình bày ý tưởng tại Hội đồng khoa học TP Hà Nội về phần mềm đồ chơi cho trẻ, cô Uyên nhận được câu hỏi liệu có bỏ nghề giáo nếu được một công ty chuyên thiết kế phần mềm trò chơi mời làm việc với mức lương rất cao. Nữ giáo viên trả lời cô sẽ tiếp tục cống hiến cho ngành mầm non.
Giáo dục mầm non không chỉ có ứng dụng về công nghệ thông tin mà còn nhiều sáng tạo khác ở những đồ dùng vừa thực tế, vừa đơn giản, dễ làm, lại giúp trẻ phát triển tích cực.
Vì vậy, trong tâm trí cô Uyên, nghề giáo là duyên may của cuộc đời. Cô mong muốn thay đổi một phần nhỏ của xã hội, cùng với sự tâm huyết của nhiều giáo viên khác tạo sự lan tỏa rộng lớn trong ngành giáo dục.
Theo Quên Quyên/Zing News