Văn hóa xếp hàng không phải vấn đề cũ nhưng chưa bao giờ hết gây tranh cãi, nhất là liên quan người trẻ.
Câu chuyện chàng trai gặp cô gái chen ngang những người đang xếp hàng để thanh toán tại một siêu thị ở Hà Nội một lần nữa khiến nhiều người bức xúc.
|
Cô gái chen ngang thanh toán tại siêu thị khiến nhiều người bức xúc. Ảnh chụp màn hình. |
'Đi ăn cỗ về mất chỗ?'
Trên Facebook cá nhân, chàng trai tên Đông Vũ kể lại anh gặp người đàn ông khoảng 60 tuổi đứng xếp hàng ngay sau mình để thanh toán. Chàng trai định nhường cho ông thanh toán trước nhưng đồ đã để lên quầy. Hơn nữa, người đàn ông lớn tuổi nói cảm ơn và bảo xếp hàng được. Bỗng nhiên, hai bạn nữ chen ngang, nói chuyện.
Người đàn ông đứng tuổi bảo rất nhẹ nhàng rằng mình đã xếp hàng, bạn nữ tỉnh bơ nói "có xếp hàng nhưng ông đi đâu nãy giờ". Người đáng tuổi cha, chú cô gái trình bày với giọng từ tốn thì bạn nữ vênh mặt lên bảo: "Loại người kiểu gì, đi rồi quay lại đòi lên luôn mà nghe được à".
Câu chuyện này thu hút sự chú ý của nhiều cư dân mạng. Đa số lên án hành động của cô gái này. Nhiều ý kiến cho rằng dù cô gái có xếp hàng trước, việc nhường chỗ cho người cao tuổi cũng là cách thể hiện văn hóa của người trẻ nơi đám đông.
|
Hành động của cô gái vấp phải sự phản đối của nhiều người. Ảnh: Đông Vũ. |
Đông Vũ cũng cho hay anh không muốn chê bai cô gái, quyền lợi của anh cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cô đã vô tình khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu.
"Hy vọng rằng bạn ấy có thể đọc những dòng này, nhìn thấy những hình ảnh xấu xí của mình trong mắt mọi người xung quanh để thay đổi tâm tính, nhớ lại văn hóa xếp hàng trong môn đạo đức chúng mình từng được học hồi tiểu học và kính trên nhường dưới một chút", Đông Vũ viết.
Nhanh một phút, bị chê cả đời
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng bàn đến vấn đề văn hóa xếp hàng, ứng xử nơi công cộng của người trẻ. Cộng đồng mạng từng chia sẻ hình ảnh cả người lớn và trẻ em sẵn sàng vượt rào vào công viên nước Hồ Tây, Hà Nội, chỉ để được tắm miễn phí vào năm 2015. Trong đó, có những người rất trẻ.
Những cảnh tượng như chen chân vào thang máy khi người bên trong còn chưa kịp bước ra, chen lấn mua hàng trong siêu thị, rạp chiếu phim… không phải hiếm gặp.
Với không ít bạn trẻ, hình ảnh này quen thuộc đến nỗi họ sẵn sàng dè bỉu người đứng xếp hàng ngay ngắn giữa đám đông đang chen lấn xô đẩy.
Chia sẻ quan điểm về ý thức nơi công cộng, tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng nhiều bạn trẻ hay chê bai hành động của người khác, nhưng lại không ý thức được việc mình làm gây khó chịu cho người xung quanh.
Nữ tiến sĩ nêu thực tế không ít 9X nói tục, chửi bậy nơi công cộng nhưng vẫn cho mình quyền "ném đá" người khác. Đó là hành vi thiếu văn hóa. Vấn đề mấu chốt chính là nhận thức. Các bạn trẻ ngày càng "tây hóa" nhưng lại chưa có nền tảng để hiểu được khái niệm đúng đắn về việc này.
"Học sinh được nhà trường giáo dục chủ yếu về kiến thức văn hóa, không được chỉ bảo đầy đủ cách hành xử văn minh. Đôi khi, các bạn có hành động như vậy không phải vì muốn thể hiện, mà do không nhận thức đầy đủ", bà Hương nói.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Hương, nhà báo Hoàng Minh Trí cho rằng một số bạn trẻ có hành động chưa thật sự văn minh nơi công cộng là do thiếu sót về nhận thức.
Theo anh, chúng ta có thể lên án nhưng nên mềm mại. Phương pháp tuyên truyền để một số bạn trẻ nhận thức được vấn đề là điều kiện tiên quyết giúp hình thành văn hóa nơi công cộng của mỗi cá nhân.
Theo Hàn Triệt/Zing News