Trong xã hội Trung Quốc hiện nay, hiện tượng nhà gái "hét giá" sính lễ đã trở thành áp lực đè nặng lên vai của những chàng trai. Nhiều người đã chấp nhận chia tay vì bản thân và gia đình không thể đáp ứng được điều kiện bên nhà gái đưa ra. Từ đó, biết bao cuộc tình tan vỡ chỉ vì cái gọi tiền sính lễ này.
Mới đây, một chàng trai đến từ Quý Châu (Trung Quốc) đã bị nhà gái từ chối cho rước dâu vì số tiền sính lễ 28.000 NDT (hơn 100 triệu VND).
Được biết, cặp đôi đã có thời gian 3 năm yêu nhau trước khi quyết định tiến tới hôn nhân. Trước đó, nhà gái đã "thách cưới" chú rể 58.000 NDT (hơn 207 triệu VND).
Đến ngày rước dâu, chú rể chỉ mặc bộ đồ thể thao đơn giản, quấn thêm tấm khăn hỷ màu đỏ để người ta biết mình đang kết hôn. Bên cạnh đó, vì một số nguyên nhân mà nhà trai chưa thể chuẩn bị tiền. Điều này khiến bố mẹ cô dâu vô cùng tức giận, lập tức tuyến bố hủy bỏ đám cưới: "Không đủ 58.000 NDT thì đừng có mơ lấy được con gái tôi. Một đồng cũng không được thiếu".
Lúc này, chú rể không biết phải hành xử thế nào cho phải. Vì quá đau đớn, chàng trai bắt đầu khóc nức nở. Anh cố gắng lấy tay che mặt để che giấu sự nhục nhã của mình, sau đó lại lập tức lau đi hai hàng nước mắt. Dù chứng kiến đáng vẻ tội nghiệp của chú rể nhưng không một ai chạy đến an ủi, để mặc chàng trai đứng chơ vơ một mình.
Sự việc sau khi được chia sẻ đã thu hút vô số sự chú ý của cộng đồng mạng. Đa số đều bày tỏ sự đồng cảm với chú rể và cho rằng dù chàng trai có mang đến đủ tiền sính lễ thì cuộc hôn nhân này chưa chắc sẽ lâu bền.
Một số bình luận đáng chú ý:
"Mối tình này dù có thành thì cũng không được bao lâu, vì chú rể đã gặp phải gia đình vợ không biết điều. Đối với họ, con gái là vật trao đổi để kiếm tiền"; "Chàng trai khóc là điều không thể tránh khỏi, nhưng anh phải kiên cường lên để không bị những loại người như họ xem thường"; "Cô dâu có lẽ cũng có mặt nhưng cũng không lên tiếng can thiệp, phải chăng tình cảm 3 năm không quan trọng bằng tiền bạc"; "Hôn nhân kiểu này chỉ là một cuộc giao dịch. Đôi bên không thể đáp ứng yêu cầu của nhau thì coi như thất bại".
Theo Linh Chi / Đời sống & Pháp luật