"Tao nói cho mày biết. Tao nhịn mày nhiều rồi đấy".
"Láo toét, cút ra khỏi nhà".
Những lời lẽ gay gắt trên trích từ clip ghi lại cảnh ông Nguyễn Việt Lượng (sinh năm 1984, trú tại phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn, công tác tại Kho bạc Nhà nước Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đánh vợ.
Dù người phụ nữ đang ôm một đứa trẻ, có một đứa trẻ khác đang chứng kiến sự việc, người này vẫn liên tục thẳng tay dùng nhiều cú tát, đấm, đá liên tục… vào người phụ nữ.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Lượng nói rằng hành động đánh vợ là không đúng, song mọi việc đều có nguyên nhân của nó.
"Tôi đánh vợ nhưng gia đình nào cũng có những lúc mâu thuẫn, xảy ra xô xát".
Ông thông tin hiện tại vợ chồng đã bình thường, hạnh phúc trở lại và mong muốn mọi người ngừng bình luận hay bàn tán về chuyện riêng của gia đình mình.
Nhiều người cũng đồng tình nên xem xét nguyên nhân sự việc là gì rồi mới phân định ai đúng, ai sai.
Tuy nhiên, những nhận định của cộng đồng mạng xung quanh sự việc cho thấy phản ứng chỉ trích, đổ lỗi vẫn là định kiến khó thay đổi và gây ảnh hưởng tới nạn nhân của bạo lực gia đình, trong trường hợp kể trên, là người phụ nữ.
"Chắc chị vợ làm gì"
Ngay sau khi clip gây xôn xao trên mạng, giữa hàng nghìn comment, dòng tiết lộ “sự thật đằng sau đoạn video" của tài khoản Nguyễn Thu Quỳnh thu hút sự chú ý hơn cả.
Theo đó, Nguyễn Thu Quỳnh tự nhận sống gần nhà hai nhân vật chính nên “biết rõ về anh chồng”, còn “bà vợ thì đanh đá chua ngoa lắm” với dẫn chứng là “chửi bới, xúc phạm bố mẹ chồng” hay “vu oan cho mẹ chồng lấy cắp tiền”.
"Anh nhiều lần nhắc nhở mà chị này vẫn láo toét nên mới tát cho vài cái. Em cũng là phụ nữ nhưng láo toét thì cứ phải tương cho vài phát. Láo toét không dạy thì bỏ lên bàn thờ mà thờ nha", tài khoản này viết.
Chưa cần phân định đúng - sai, nhiều dân mạng nhanh chóng share ảnh chụp màn hình "sự thật" này vào các hội nhóm với chú thích “ở một diễn biến khác của câu chuyện chồng đánh vợ".
Không ít bình luận trên mạng, đến từ cả nam và nữ giới, cũng tin rằng “chắc chị vợ làm gì” khiến chồng tức giận và đánh.
Tất cả đều đổ lỗi cho người phụ nữ dù chẳng biết chuyện gì đã thật sự xảy ra.
"Tính bạo lực đã đành, nhưng bà vợ cũng phải đụng chạm lắm mới thành như vậy chứ bình thường không có lửa lấy đâu ra khói", Phuong Anh Tran viết.
Đức Le đồng tình sự việc gì xảy ra cũng có nguyên nhân và "không ai tự nhiên đang yên đang lành mà đánh vợ mình đâu".
Trong khi đó, Nguyễn Viết Huân lại thắc mắc clip quay đến đoạn người chồng giải thích nguyên do thì bị cắt. Trong khi, vợ là người tung đoạn video lên mạng.
"Thằng con lớn không tự dưng ngồi xem tivi để bố đánh mẹ nó đâu. Chẳng qua nó cũng thấy cảnh này quá bình thường và mẹ nó phải như thế nào nên vậy thôi. Chứ như những đứa khác có mà khóc rồi bênh mẹ các kiểu", tài khoản này nhận định.
Phong cho rằng "đàn ông nhu nhược để vợ ngồi lên đầu mình à?". Nếu đúng như thái độ của chị này “kễnh” như vậy thì nên đánh.
"Có gì sao không báo cảnh sát đi, làm gì khuất tất chồng đánh cho nên không dám lên tiếng à?", một dân mạng viết.
“Thỉnh thoảng to tiếng nhưng vẫn sống vui” - bản chất vẫn là bạo lực gia đình
Theo dõi sự việc chồng đánh vợ ở Bắc Kạn vài hôm nay, chị Huyền (30 tuổi, giáo viên ở Yên Bái) bức xúc trước những lời đổ lỗi cho người vợ.
"Làm gì thì cũng không ai có quyền đánh đập người khác, hơn nữa lại là chồng đi hành hung người vợ đầu ấp tay gối với mình. Thật khó chấp nhận", chị bày tỏ.
Chị Huyền nói thêm khi đọc tin tức, chuyện hàng xóm nói về đời sống của hai vợ chồng ở Bắc Kạn rằng "thỉnh thoảng to tiếng, xích mích, nhưng sau đó vẫn sống vui vẻ" về bản chất vẫn là bạo lực gia đình. Bởi vậy, không thể coi đó là chuyện bình thường và dễ dàng cho qua.
"Đánh đập vợ lần một rồi bản thân không bị gì thì sẽ có lần hai, lần ba, thậm chí rất nhiều lần. Nhiều bạn nói rằng chồng đánh vợ trước mặt con cái là sai, nhưng kể cả khi không có con ở đó, đàn ông cũng không được phép 'động tay động chân' với vợ dù với lý do gì", nữ giáo viên nói.
Lập gia đình được gần nửa năm, Nguyễn Phương (27 tuổi, nhân viên phát triển nội dung ở Hà Nội) rùng mình khi xem clip chồng đánh vợ ở Bắc Kạn.
Cô cho rằng ở thời hiện đại như bây giờ, nhiều người vẫn có tư tưởng lỗi thời như "dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về" hay "chiều người lấy việc, chiều chồng lấy con", và coi đó là "tôn chỉ" trong đời sống vợ chồng.
"Đàn ông vin vào những tư tưởng như thế để giở thói gia trưởng, sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với người đầu ấp tay gối với mình. Về phía những người vợ, họ không chỉ bị tổn hại về thể chất mà còn có thể hoảng loạn về tinh thần, nhiều khi không dám nói những vết thương trên cơ thể mình là hậu quả của bạo hành gia đình", Phương nói.
Dù yêu và tin tưởng nửa kia, Phương nói cô vẫn trang bị cho mình hiểu biết nhất định cũng như lưu lại địa chỉ tư vấn về bạo lực gia đình như một cách bảo vệ bản thân.
Sau hơn một năm kể từ khi chị gái lớn về nhà với nhiều vết bầm tím trên người và nói với bố mẹ về chuyện ly hôn, Phạm Ngọc (26 tuổi, nhân viên ngân hàng) vẫn chưa hết ám ảnh.
“Chị mình và anh yêu nhau 4 năm, sống chung được 3 năm và có với nhau một mặt con. Nhiều lần chị bị anh ta đánh đến nỗi chảy cả máu miệng nhưng không dám hé răng nói với ai vì bố mình rất nóng tính. Mãi sau này quyết định ly hôn, mọi người mới biết chị phải chịu đựng như thế nào. Đến bố mình cũng rơm rớm nước mắt vì thương con gái đã đi lấy chồng xa còn không hạnh phúc", Ngọc kể lại.
Với cô gái 26 tuổi, một cái tát, một cú đấm, một cái đá… mà chồng làm với vợ, hay ở chiều ngược lại, về bản chất cũng là bạo lực gia đình.
"Người khôn ngoan không cần đánh vẫn dạy bảo được nhau", Ngọc khẳng định.
Nạn nhân bạo lực gia đình im lặng vì xấu hổ, sợ bị đổ lỗi
Trong bài viết “Tại sao chúng ta đổ lỗi cho nạn nhân của bạo lực gia đình” đăng trên Domestic Shelters, Elise Lopez - nhà nghiên cứu về phòng chống và phản ứng bạo lực tình dục, bạo lực gia đình tại Đại học Arizona, Mỹ - cho biết đổ lỗi cho nạn nhân là hành động "tự vệ".
Lopez so sánh thái độ này với cách một số người phản ứng khi xem ảnh của một người thừa cân. Bà lý giải: "Mọi người nghĩ: 'Nếu thừa cân, tôi sẽ đến phòng gym hàng ngày và tôi sẽ giảm cân'. Họ không hề nghĩ quá trình đó sẽ khó khăn đến thế nào”.
Những suy nghĩ tương tự thường xuất hiện khi mọi người đọc tin tức về các vụ bạo lực gia đình. Nhiều người có cái nhìn hẹp hòi với bạo lực gia đình. Đó là sự buộc tội chủ quan.
"Họ nghĩ rằng nếu ai đó bị bạo hành, có lẽ người này đã làm gì không đúng nên mới xảy ra chuyện như thế. Thực chất, nếu mọi người có thể tìm ra lý do tại sao bị bạo hành là lỗi của nạn nhân, họ lập tức nghĩ bạo lực gia đình là điều không chỉ có thể kiểm soát mà còn ngăn chặn được. Bởi vậy, điều này sẽ không xảy đến với họ”, Lopez nói.
Donna Kaz mất tới 12 năm để thoát khỏi người chồng vũ phu, hành hạ bà về thể xác lẫn tinh thần. Phải đến 35 năm sau đó, Kaz mới công khai tất cả trong cuốn hồi ký UN/MASKED, Memoirs of a Guerrilla Girl On Tour được xuất bản vào năm 2016.
"Dám nói ra sự thật là một quá trình cần rất nhiều thời gian. Tôi xấu hổ và sợ bị phán xét. Vẫn có những cái nhìn kỳ thị khi nhiều người miễn cưỡng tin vào câu chuyện được phụ nữ chia sẻ. Và tôi nghĩ điều đó đã không thay đổi. Chúng ta cần tin tưởng khi phụ nữ kể chuyện của họ”, Kaz nói.
Nhà nghiên cứu Elise Lopez khẳng định cho dù sự đổ lỗi đến từ bạn bè, người nhà hay những cá nhân hoàn toàn xa lạ, nạn nhân có thể bị sốc và mất tinh thần.
Bởi vậy, bà cho rằng xã hội cần có “trách nhiệm về mặt đạo đức để sửa chữa những phán xét sai lầm về bạo lực gia đình”. Theo đó, bà đề xuất những phản ứng nạn nhân có thể áp dụng trước 3 lời đổ lỗi phổ biến nhất.
Đầu tiên, “Tại sao người vợ không chạy trốn nếu thực sự bị bạo hành?”.
Thực tế, rất khó để nạn nhân rời đi nếu kẻ bạo hành họ là là trụ cột về mặt tài chính. Nhiều kẻ bạo hành đe dọa sẽ làm hại trẻ em hoặc vật nuôi nếu nạn nhân bỏ đi. Bởi vậy, nạn nhân cần thời gian và sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè để xây dựng kế hoạch an toàn khi rời đi.
Thứ hai, "Tại sao người vợ không báo cảnh sát?".
Nhiều nạn nhân im lặng vì sợ bị trả thù. Họ cũng có thể cảm thấy xấu hổ hoặc miễn cưỡng cho người khác biết chuyện gì đang xảy ra. Ngoài ra, nhiều hành vi bạo lực không nhằm vào thể xác mà là tâm lý, tình cảm, có thể bằng lời nói hoặc đánh vào mặt tài chính - những kiểu bạo hành không nhìn thấy và không bị coi là “bất hợp pháp”.
Nạn nhân cũng có thể tự đổ lỗi cho bản thân và nghĩ nếu phản kháng, bản thân họ cũng bị đổ lỗi.
Cuối cùng, "Người vợ rõ ràng cố tình gây chú ý/vòi tiền/phải nhận quả báo".
Nạn nhân thường lo sợ không ai tin mình nếu lên tiếng rằng họ bị bạo hành. Hơn nữa, kẻ bạo hành cũng cố tìm cách khống chế và kiểm soát nạn nhân ngay cả khi họ đã nhờ đến sự giúp đỡ từ bên ngoài.Theo BBC, không riêng phụ nữ, đàn ông cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
"Có rất nhiều người tin rằng bạo lực gia đình chỉ xảy đến với phụ nữ. Chính định kiến này ngăn cản những người đàn ông bị vợ bạo hành lên tiếng. Nó ăn sâu vào nỗi sợ của họ rằng có nói ra cũng không ai tin", Michael Dix-Williams - quản lý dự án hỗ trợ nam giới bị bạo hành do tổ chức từ thiện Calan kết hợp với các học giả tại Đại học South Wales (Vương quốc Anh) phát triển - nhận định.
Cuộc điều tra tội phạm gần đây nhất ở Anh và xứ Wales ước tính có 1,3 triệu phụ nữ và 695.000 đàn ông bị bạo hành gia đình trong năm 2018.
Theo Thiên Nhi/ Zing