"Tại sao tìm người để kết hôn lại khó đến vậy?" là câu hỏi dày vò Kim Jeong-sik, 28 tuổi (không phải tên thật), người đã đầu tư đáng kể thời gian và tiền bạc để tìm kiếm bạn đời phù hợp.
Đối với Kim, hôn nhân không chỉ là về tình yêu hay duyên số, mà còn để xây dựng một "gia đình tử tế", lý tưởng nhất là với một người có địa vị kinh tế - xã hội tương tự hoặc cao hơn mình.
"Trước đây, tôi thường bị thu hút bởi sự lãng mạn và hấp dẫn theo bản năng, nhưng bây giờ tôi nghĩ xem liệu người đó có đủ năng lực, tài chính ổn định và có phù hợp để phát triển tương lai hay không. Tôi không hẹn hò với những người không tương xứng, dù bị thu hút bởi họ. Hiện tại tôi có một người bạn gái hoàn hảo, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi bị cô ấy thu hút".
Mặc dù có một "bạn gái hoàn hảo", Kim cho biết anh vẫn đang cân nhắc về người bạn đời phù hợp nhất để có một cuộc hôn nhân thành công.
Kết hôn để thăng tiến
Kang, nhân viên văn phòng 28 tuổi ở Seoul, cũng đang tích cực tìm kiếm bạn trai với ý định kết hôn, luôn nhận được những lời giới thiệu ngắn gọn về chiều cao, nơi ở, tên công ty, trường cũ, thậm chí cả MBTI (bài kiểm tra tính cách phổ biến ở Hàn Quốc) của các chàng trai.
Theo cô, một quy tắc bất thành văn đối với thanh niên Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 là chuẩn bị những mô tả như vậy, thường kèm theo 2-3 bức ảnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc xem mặt do người quen sắp xếp.
Thay vì gặp gỡ những người ngẫu nhiên từ các ứng dụng hẹn hò hoặc những cuộc tụ tập không mục đích, họ thích những người lạ do bạn bè giới thiệu, vì "người đó được xem xét kỹ hơn và có ít khả năng gặp những kẻ lừa đảo hoặc ai đó kỳ lạ".
Những hồ sơ dạng này đôi khi được trao đổi như những tấm danh thiếp. "Nếu tôi được mai mối cho một người không thích hợp hoặc không phải là người tôi đang tìm kiếm, tôi sẽ chuyển sang cho bạn bè. Nếu cả hai đều thấy phù hợp, tôi sẽ giới thiệu họ với nhau", Kang nói.
Mặc dù cảm thấy mệt mỏi khi liên tục gặp gỡ người mới mỗi tuần, Kang vẫn tiếp tục quá trình này để có được một cuộc hôn nhân thành công.
"Mọi thứ giống như công việc kinh doanh, phải cân nhắc mọi điều kiện. Nếu không tìm được bạn trai để kết hôn ngay bây giờ, tôi sợ mình càng ngày càng ít lựa chọn. Tôi cảm thấy như mình đang trong một cuộc đua với những phụ nữ khác cùng độ tuổi", cô nói.
Mai mối phổ biến nhưng tỷ lệ kết hôn liên tục giảm tại Hàn Quốc.
Cả Kim và Kang, những người thế hệ MZ phóng khoáng, thích thể hiện bản thân và thiên về niềm vui cá nhân, đều cho rằng "hôn nhân thành công" không chỉ dựa trên tình yêu. Sinh ra vào những năm 1990, khi Hàn Quốc đạt được sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công nghệ, thế hệ này đối mặt với nhiều áp lực và thách thức trong một xã hội có tính cạnh tranh cao, thay đổi nhanh chóng.
Các nhà quan sát lưu ý rằng những thay đổi xã hội này đã ảnh hưởng đến cách thế hệ MZ đưa ra những lựa chọn quan trọng trong cuộc sống ở tuổi trưởng thành, bao gồm cả hôn nhân. Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, chỉ ra nhận thức phổ biến ở Hàn Quốc rằng hôn nhân là một trong những chìa khóa dẫn đến "cuộc sống thành công".
"Hàn Quốc là xã hội khuyến khích các cá nhân nỗ lực cải thiện, kiếm được nhiều tiền hơn và đạt được sự thăng tiến. Đây là lý do các đối tác tiềm năng thường được đánh giá tỉ mỉ về các yếu tố như nghề nghiệp, tiền lương, ngoại hình, tuổi tác và lối sống. Ngay cả nền tảng gia đình, bao gồm công việc của cha mẹ, trình độ học vấn và mức lương hưu, cũng được xem xét", Kwak giải thích.
Thế nào là người chồng/vợ lý tưởng
Trong cuộc đua để cưới được người lý tưởng nhất, người Hàn Quốc có xu hướng xếp hạng và liệt kê tiêu chuẩn, từ đó khái quát hóa những gì được coi là tốt hay xấu.
"Chủ nghĩa phân cấp phổ biến ở Hàn Quốc. Người ta có thể liệt kê thứ hạng trên rất nhiều thứ dựa vào sự đồng thuận của xã hội, chẳng hạn như trường học và công ty. Và vì Hàn Quốc là một xã hội có thứ bậc, mặc dù ngày nay không có giai cấp chính thức, nhiều thứ bậc vô hình vẫn tồn tại để định nghĩa các cá nhân", Kwak nói.
Kwak lưu ý thay vì tìm một đối tác tương thích, mọi người thường tìm kiếm những người có thứ hạng cao nhất về kinh tế và xã hội, chẳng hạn như tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng hoặc làm việc tại một tập đoàn tiếng tăm.
Theo Duo Information, một trong những công ty mai mối lớn ở Hàn Quốc, "người chồng lý tưởng" thường cao 178,7 cm, kiếm được 60,67 triệu won (44.450 USD) hàng năm, sở hữu tài sản 335 triệu won, hơn phụ nữ 2 tuổi, tốt nghiệp đại học và đang là nhân viên văn phòng.
Còn "người vợ lý tưởng" cao 164,2 cm, kiếm được 44 triệu won mỗi năm, có tài sản 217 triệu won, trẻ hơn chồng 2-3 tuổi, tốt nghiệp đại học và là nhân viên văn phòng.
Tiêu chí lựa chọn bạn đời của người Hàn.
Những tiêu chí này đã được nêu bật trong chương trình truyền hình thực tế Couple Palace, cung cấp những hiểu biết sâu sắc về thị trường hôn nhân năm 2024 ở Hàn Quốc. Chương trình có sự tham gia của 100 nam nữ độc thân thẳng thắn trình bày những phẩm chất và mong muốn của mình ở bạn đời, từ thu nhập, tài sản đến nghề nghiệp và các khoản vay.
Cảnh quay nổi tiếng nhất trong chương trình là một phụ nữ từ chối một người đàn ông vì "không đủ tiền mua nhà ở Gangnam". Với lý do chia tay là vấn đề nhà ở, cặp đôi này đã làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội Hàn Quốc.
Các nhà phê bình nhận thấy chương trình đã thành công trong việc tái hiện nghịch lý về sự bùng nổ của hoạt động mai mối trong bối cảnh tỷ lệ sinh và kết hôn thấp kỷ lục.
Số lượng các cuộc hôn nhân ở Hàn Quốc đã giảm đều đặn trong những thập kỷ qua từ khoảng 435.000 cuộc hôn nhân năm 1996 xuống dưới 200.000 đám cưới vào năm 2021, chứng kiến mức thấp kỷ lục là 192.000 vào năm 2022, giảm hơn 55% trong 25 năm.
Mặc dù Hàn Quốc chứng kiến mức tăng nhẹ 1% vào năm ngoái, với khoảng 194.000 cặp đôi kết hôn, các chuyên gia chỉ ra rằng các cuộc hôn nhân bị trì hoãn trong thời gian Covid-19 không phải là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng.
Một cuộc khảo sát của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc năm ngoái cũng nhấn mạnh rằng chỉ một nửa dân số coi hôn nhân là cần thiết, chỉ có 15,3% dân số trên 13 tuổi trả lời rằng “hôn nhân là điều bắt buộc” vào năm 2022, giảm so với 20,3% vào năm 2012.
Quan điểm này đặc biệt mạnh mẽ ở phụ nữ và thậm chí còn mạnh hơn ở những người chưa lập gia đình, với chỉ 29% thanh thiếu niên coi hôn nhân là điều cần thiết trong cuộc sống.
Khách hàng tìm kiếm dịch vụ mai mối ở Hàn Quốc ngày càng mở rộng. Duo Information báo cáo doanh thu cao kỷ lục 38,2 tỷ won (29,2 triệu USD) vào năm ngoái, tăng 5,2% so với năm trước.
Doanh thu của công ty dao động quanh mức 28 tỷ won cho đến năm 2020, nhưng đã tăng 35,9% khi nhu cầu lớn hơn.
"Thay vì dành thời gian và sự kiên nhẫn cho những cuộc hẹn hò thông thường, khách hàng của chúng tôi mong muốn nhanh chóng tìm được người có điều kiện phù hợp. Công việc của chúng tôi là rút ngắn quy trình, tiết lộ sớm những chi tiết quan trọng như hoàn cảnh gia đình và thu nhập, những điều thường được coi là thô lỗ nếu hỏi trực tiếp ngay từ đầu", một nhân viên tại công ty mai mối nói với The Korea Herald.
Một người đàn ông họ Jang, 29 tuổi, đang sử dụng công ty mai mối để tìm vợ, cho biết anh ưu tiên địa vị của một người bạn đời tiềm năng. Jang tin rằng hôn nhân có thể là "nấc thang xã hội" để leo lên các tầng lớp cao hơn.
"Hãy thành thật với nhau! Mặc dù điều này có vẻ hợm hĩnh, thực tế là mọi người muốn kết hôn với một người tốt hơn mình để có thể nâng cao địa vị thông qua bạn đời", anh nói.
Kwak cũng lưu ý rằng nỗi sợ thất bại là một yếu tố khác dẫn đến hiện tượng này. "Hôn nhân bây giờ là sự lựa chọn chứ không phải là điều cần thiết ở Hàn Quốc. Người trẻ thận trọng, tính toán, cố gắng tránh thiệt thòi khi kết hôn với ai đó", bà nói.
Theo Lê Vy/ZNews