Ngôi nhà gạch “Vip” nhất làng
Đi lên từ khốn khó, sống xa quê hương, xa gia đình để lập nghiệp, mưu sinh, chàng trai 9X xứ Nghệ đã chọn cách san sẻ đến những mảnh đời khó khăn ở Angola. Nhận thấy ngôi nhà đất của hai cụ bà Lusia (95 tuổi) và bà Mario (80 tuổi) sinh sống tại huyện Bailundo, tỉnh Huambo, Angola xây dựng từ rất lâu, xuống cấp sau nhiều trận gió lớn, gần như sắp sập, nguy hiểm đến tính mạng, Linh cùng team châu Phi đã quyết định xây dựng một ngôi nhà mới bằng gạch cho hai cụ. Đây cũng là ngôi nhà gạch đầu tiên ở bản làng xa xôi, hẻo lánh này.
|
Chàng trai Việt cùng các em nhỏ ở xứ sở Angola.
|
Sau khi lên kế hoạch, Linh và nhóm bạn bắt tay thực hiện. Quá trình xây dựng cả nhóm gặp nhiều khó khăn do bản làng ở trên núi nên quá trình vận chuyển vật liệu xây nhà cho hai cụ già mất nhiều thời gian, đi lại khá vất vả. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và cố gắng, ngôi nhà cũng đã được hoàn thiện sau 25 ngày khởi công xây dựng trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Linh tiết lộ, kinh phí xây dựng ngôi nhà hết khoảng 50 triệu đồng. Tất cả số tiền này đều từ doanh thu kênh Youtube của Quang Linh. Các đồ dùng thiết yếu như giường, nệm… do một người Việt Nam sống tại Angola trao tặng.
“Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Khoe nhau nhiều tiền hơn để làm gì? Bây giờ phải khoe tôi cứu được bao nhiêu người”. Tôi hướng tới mục đích cứu giúp nhiều người hơn nữa trong hoàn cảnh cho phép. Mỗi người có một niềm vui và hạnh phúc khi đạt được ước muốn gì đấy, với mình đó là những nụ cười của những người nghèo”. Quang Linh chia sẻ
Nhớ về ngày bàn giao căn nhà mới khang trang cho hai cụ, Linh xúc động: “Khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, vui mừng của hai cụ khi ngồi trong căn nhà mới sạch đẹp, lòng mình cũng thấy ấm áp hơn. Ở Angola còn rất nhiều mảnh đời khốn khó, tôi mong sẽ tiếp tục có thêm nhiều công trình ý nghĩa như thế này”, Linh nói và gửi lời cảm ơn đến chính quyền nơi đây đã rất nhiệt tình trong việc giúp các thủ tục pháp lý xây dựng, giấy tờ để sử dụng đất hợp pháp. Cả nhóm sẽ không thể hoàn thành công trình ý nghĩa này nếu không có sự cho phép, giúp đỡ của các cơ quan chức năng sở tại.
|
Hình ảnh phía trong ngôi nhà của 2 bà cụ già châu Phi được nhóm Linh xây tặng
|
Thêm nhiều điều kỳ diệu
Không chỉ xây nhà cho hai bà cụ, Quang Linh cùng team châu Phi đã nung nấu nhiều dự định mang đến những điều tốt đẹp cho người dân “lục địa đen”. Chứng kiến những em nhỏ nghèo khổ không có điều kiện đi học, Linh cùng nhóm bàn bạc và đi đến quyết định thực hiện dự án “5.000 em được tới trường”. Nhóm mời giáo viên đến dạy học cho học sinh và trả lương đầy đủ theo mức quy định của chính phủ nước này. Hiện đã có 4/7 lớp học được hoàn thành và đưa học sinh vào học.
“Dự án này là tâm huyết lớn nhất đối với nhóm. Bên cạnh mong muốn giúp đưa 5.000 em nhỏ đến trường, nhóm cũng đang triển khai sửa sang lại nơi học cho các em gồm sơn sửa phòng học và mua sắm đồ đạc, bàn ghế. Nhà nước Angola miễn phí tiền học cho trẻ em nhưng đồng phục, sách vở, tiền ăn thì gia đình phải tự lo. Đối với họ, tiền ăn hằng ngày còn gặp khó, đâu dư dả để cho con đi học. Thậm chí, trường học ở vùng này xây dựng từ lâu, xuống cấp, hư hỏng nặng. Nếu đủ kinh phí, nhóm sẽ giúp đỡ các em trong khoảng từ 3 đến 5 năm, thậm chí lâu hơn nếu có thể”, Linh nói về dự định của mình.
Dự án tâm đắc nhất trong năm 2021 của Quang Linh và đồng đội là sửa chữa lại trường học, cơ sở vật chất và vận động hơn 800 em được tới trường. “Trước đây các em học phải ngồi đất và không có dụng cụ học tập. Chúng tôi đã tu sửa toàn bộ trường học từ bên ngoài và bên trong để các em có không gian học tập. Đường sá bên này rất bé và khó đi nên việc vận chuyển nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, chúng tôi cũng đã hoàn thành”, Linh nói và cho biết, động lực giúp team Châu Phi duy trì được nhiều việc làm ý nghĩa là sự ủng hộ của các bạn khán giả và các nhà hảo tâm giúp sức lan tỏa các việc nhóm đang làm.
Chàng trai xứ Nghệ tâm sự, hành trình thiện nguyện đến với người dân Angola xuất phát từ một chữ “Tâm”. Anh đã được giúp đỡ nhiệt tình khi mới sang đây từ những người xa lạ. Đây là thời gian mà anh muốn mang lại một điều tốt đẹp gì đó đến với họ. “Ở Angola cũng có những nơi mà người dân không đủ tiền để ăn 3 bữa mỗi ngày, hay mua nước uống, trẻ con không có đủ quần áo để mặc, phải ngồi bệt trên nền đất học chữ. Tôi từng chứng kiến cảnh tượng đó và mình nghĩ rằng mình chưa đủ giàu để cho họ được nhiều thứ thì chí ít cũng có thể giúp được bữa ăn hoặc cái quần, cái áo. Tôi cảm nhận được họ sống tốt lên mỗi ngày và hạnh phúc dù thiếu thốn nhiều thứ. Chính vì những niềm vui cứ nhân lên như vậy, tôi muốn giúp đỡ nhiều người hơn nữa”, Linh xúc động.
Nhìn lại chặng đường đã qua, từ một chàng trai Nghệ An đến đất nước Angola ở trời Phi mưu sinh và giờ trở thành người có sức lan toả và truyền cảm hứng rất lớn cho cộng đồng, Linh tự thấy bản thân đã trưởng thành hơn rất nhiều trong suy nghĩ và hành động. Từng chặng đường đi qua, anh đều nỗ lực hết mình và trân quý. Chặng đường càng lên cao thì càng khó khăn. Khó khăn không phải chỉ những ý tưởng làm video mà là làm sao để giúp nhiều người dân hơn nữa có công ăn việc làm, không bị đói, bị rét; làm sao để có thêm nhiều em học sinh được đến trường?
Những câu hỏi đó cứ thôi thúc Linh và các thành viên trong team châu Phi vượt qua nhiều khó khăn, khác biệt từ văn hoá đến lối sống, thậm chí có những lúc ốm đau, bệnh tật để tiếp tục hành trình sẻ chia, giúp đỡ người dân các bản làng vùng cao còn nhiều thiếu thốn. “Thú thực, mỗi video clip đăng lên, người ủng hộ có, người ý kiến trái chiều cũng có. Nhiều lúc chúng mình cũng bị áp lực bởi những bình luận tiêu cực của khán giả lắm chứ. Nhưng không sao, chúng mình vẫn sẽ cố gắng, nỗ lực vì những điều đã, đang và sẽ làm”, Linh nói.
(Còn nữa)
Theo Thu Hiền/Tiền Phong