Đây là khu vực núi tuyết cực kì ấn tượng và để chiêm ngưỡng trọn vẹn nhất, Quốc quyết định chọn bay trực thăng.
Giữa tháng 12/2021, blogger du lịch Phan Quốc (Kẻ du mục) bay từ TP HCM, nối chuyến 3 lần để đến Nepal, tiếp tục những chuyến hành trình khám phá thế giới sau thời gian dài “mắc kẹt” vì Covid-19.
Từ năm 2016 tới nay, Phan Quốc lần lượt đặt chân tới 30 quốc gia trên thế giới, ghi lại những trải nghiệm đáng giá để chia sẻ cho mọi người. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, anh từng có chuyến đi tới Đài Loan vào đầu năm 2020.
“Rất nhiều dự định của mình phải hoãn lại do dịch Covid-19. Ngay khi có thể xuất ngoại, mình chọn tới Nepal, quốc gia đang mở cửa đón du khách quốc tế và cũng là nơi thuận tiện để đi tiếp tới Ấn Độ hay Pakistan”, Phan Quốc chia sẻ.
Sau gần 2 năm Phan Quốc mới có thể tiếp tục ra nước ngoài du lịch
Ngày 9/1/2022, Quốc di chuyển tới phi trường Pokhara, Nepal. Phi trường không quá rộng nhưng dịch vụ bay khá tiện lợi, hoạt động chuyên nghiệp, việc đặt chuyến cũng dễ dàng. Trước giờ bay, các hành khách được hướng dẫn rất kĩ để đảm bảo an toàn chuyến đi.
“Mình di chuyển từ phi trường lên đỉnh núi tuyết trong khoảng 30 - 50 phút/chiều, tùy thời tiết. Chuyến này cả đi cả về là khoảng 3 giờ”, Phan Quốc chia sẻ.
Được biết, chi phí để đi trực thăng ngắm núi tuyết Mardi Himal trong 3 giờ đồng hồ là 5 triệu đồng. Mức phí này dao động dựa theo số lượng khách/chuyến (tối đa 4 khách/chuyến). “Du khách có thể tìm hiểu giá tại các công ty tour khác nhau để lựa chọn mức giá tốt nhất”, Quốc cho biết.
Đây là lần đầu tiên blogger Phan Quốc đi trực thăng và cũng là lần đầu tiên anh chinh phục một ngọn núi bằng phương tiện này. “Mình từng trekking nhiều ngọn núi, từng leo lên Annapurna Base Camp (Annapurna Base Camp (Nepal) - một trong những cung đường trekking đẹp nhất thế giới) hay đi xe địa hình lên đỉnh núi.
Mỗi trải nghiệm mang tới những cảm nhận khác nhau. Chuyến đi trực thăng này cho mình một góc nhìn bao quát cảnh quan rộng lớn”, Quốc chia sẻ.
Mardi Himal cao khoảng 5600m so với mặt nước biển. Sau khi trực thăng đáp xuống đỉnh núi, Quốc và các du khách khác chỉ có chừng 30 phút để ngắm cảnh, trải nghiệm chụp hình.
“Đỉnh núi nằm ở độ cao rất cao nên du khách dễ bị sốc độ cao. Do đó đơn vị trực thăng khuyên du khách không nên ở quá lâu. Nếu leo núi, độ cao tăng từ từ thì cơ thể dễ thích nghi hơn”, Phan Quốc cho biết.
Quốc cho biết tại đỉnh Mardi, ngoài đi trực thăng ngắm tuyết, du khách cũng rất thích chơi dù lượn.
Cách đó khoảng 1 tuần, Phan Quốc chinh phục một ngọn núi khác ở Nepal bằng xe máy địa hình hay thường được gọi là xe cào cào - chuyên để vượt các địa hình trắc trở.
Anh và người bạn đồng hành - một YouTuber người Nepal đã thực hiện chuyến đi trong khoảng 10 giờ đồng hồ. Hai người phải vượt qua những con đường gập ghềnh sỏi đá rồi qua suối, bùn lầy…
“Tụi mình cũng ngã 1,2 lần vì đường quá khó đi. Tuy nhiên khi lên đỉnh núi, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, bao mệt mỏi qua đi hết”, Quốc chia sẻ.
Phan Quốc chinh phục một ngọn núi bằng xe cào cào
Hai youtuber này sử dụng camera gắn trên mũ bảo hiểm để lần lượt ghi hình cho nhau
Phan Quốc chia sẻ, bản thân anh rất thích trải nghiệm những chuyến đi nhiều thử thách, tới các vùng miền hoang sơ thay vì đi du lịch nghỉ dưỡng, đến các thành phố hiện đại.
Khi mới tới Nepal, Quốc từng vượt hàng trăm km đường gập ghềnh, khó đi để tới với làng Kagbeni ở độ cao hơn 2.800 m trên dãy Himalaya. Nhiệt độ tại đây có thể xuống âm 7 độ C, tuyết rơi dày, anh bị bỏng lạnh tai và khuôn mặt; các thiết bị ghi hình cũng bị ướt và không thể hoạt động.
“Những chuyến đi thế này rất vất vả, tốn nhiều công sức, thời gian. Nhưng sau đó, mình nhận lại những trải nghiệm vô giá và có những hình ảnh/ thước phim ấn tượng chia sẻ với mọi người”, chàng trai sinh năm 1992 chia sẻ.
Trong mỗi chuyến đi của mình, chàng trai Việt rất chịu khó tìm hiểu văn hóa vùng miền, đất nước
Lưu ý khi xê dịch trong thời dịch
Theo Phan Quốc, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu muốn xê dịch, du khách nên chọn đất nước có tình hình ổn và mở cửa chào đón khách du lịch. Kế hoạch cũng cần lên rõ ràng và chuẩn bị kỹ giấy tờ, thủ tục bay vì có thể được kiểm soát rất chặt chẽ.
Ngày 18/12, Quốc từ sân bay Tân Sơn Nhất tới Singapore trên chuyến bay của Singapore Airlines, tiếp tục nối chuyến của Himalaya Airlines tới Malaysia và Nepal.
Trước chuyến bay, hành khách được thông báo cần chuẩn bị giấy xác nhận tiêm đủ vaccine Covid-19 và xét nghiệm âm tính nCoV theo phương pháp RT-PCR. Tuy nhiên, chặng đường khó khăn hơn Quốc nghĩ, vì mỗi quốc gia, mỗi hãng hàng không lại có quy định nghiêm ngặt khác nhau trong dịch.
Hầu như ở tất cả các chặng, câu trả lời anh nhận được là "không được phép bay", "người Việt Nam chưa được nhập cảnh" hay "chưa cho phép bay theo diện du lịch". May mắn, sau mỗi lần kiểm tra giấy tờ khoảng 30 phút, anh được thông qua.
Những thủ tục này khiến tổng thời gian di chuyển tới Nepal của Quốc là 30 tiếng, gấp khoảng 2,5 lần so với chuyến đi của anh năm 2017. Tổng chi phí vé hơn 10 triệu đồng.
Sau thời gian ở Nepal, Quốc dự định sẽ sang Ấn Độ nhưng tình hình dịch bệnh khiến quy định nhập cảnh của quốc gia này thay đổi. Quốc quyết định ở lại và tiếp tục khám phá Nepal.
Quốc cho biết sẽ về Việt Nam sau khi đường bay quốc tế thông lệ được khôi phục trở lại và người nhập cảnh không cần cách ly. Anh cũng muốn về nước để tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 và đón mùa lúa chín ở vùng cao Tây Bắc trong tháng 5.
Theo VietNamNet