Hai năm trước, chàng trai 21 tuổi Trịnh Quang Nhã ở TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) tình cờ biết đến nghệ thuật làm tiêu bản xương qua một hội nhóm trên mạng xã hội.
Ban đầu, Nhã tham gia nhóm vì thấy hay hay, nhưng ngày càng thích thú và bắt tay vào làm thử. Tất cả kỹ thuật làm tiêu bản xương đều do Nhã tự học và tham khảo thêm một số người đi trước. Khoảng 2 tháng đầu, do không có kiến thức, nên phần lớn sản phẩm em làm ra không đạt, phải bỏ đi.
|
Trịnh Quang Nhã được biết đến là một trong những người hiếm hoi ở Việt Nam làm trang sức từ xương rắn.
|
Bằng niềm đam mê và sự kiên trì, Nhã không từ bỏ mà dần rút kinh nghiệm nên dần dần các tiêu bản xương ngày càng hoàn thiện và đẹp mắt. Đúng như câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, đến khoảng năm 2020, Nhã đã làm thành công sản phẩm đầu tiên là tiêu bản xương hoàn chỉnh của con rắn dài 40cm.
Chia sẻ với chúng tôi, Nhã cho biết em chỉ học đến lớp 9, sau đó dành 1 năm bươn chải bên ngoài bằng các công việc làm thuê, làm thợ sắt. Sau đó, Nhã tự học thiết kế đồ họa trên mạng và đã kiếm được tiền từ công việc này.
Để có được một bộ tiêu bản xương hoàn chỉnh, xác rắn mua về được Nhã mổ, lọc bỏ thịt, nội tạng. Sau đó, Nhã tiếp tục sử dụng những con bọ để “xử lý” phần thịt còn sót lại.
|
Quang Nhã làm nhẫn, vòng tay từ xương của rắn.
|
Do không có điều kiện nuôi bọ Dermestid chuyên dụng, Nhã đã sử dụng bọ phát triển từ loài sâu gạo thay thế. Sau đó, Nhã tẩy xương bằng oxy già rồi ráp lại thành bộ hoàn chỉnh.
Đến nay, Nhã đã làm hoàn thành 4 bộ tiêu bản xương rắn, con dài nhất lên đến 2m.
Chiếc vòng, nhẫn “độc nhất, vô nhị”
Sống trong căn nhà nhỏ cùng cha mẹ ở phường 1, TP. Cà Mau, Nhã vẫn dành nhiều tâm huyết cho loại hình nghệ thuật mà em yêu thích nhất. Từ bộ tiêu bản xương rắn, Nhã bắt đầu mày mò làm vòng tay, rồi đến nhẫn bằng xương rắn.
|
Chàng trai 21 tuổi dành một góc để nuôi những con bọ dùng để xử lý thịt rắn – một công đoạn quan trọng để lấy được tiêu bản xương rắn.
|
Theo Nhã, ở những ngày đầu cha mẹ khá hoang mang khi thấy con trai thường xuyên đem về xác những con rắn, ếch, nhưng thấy con đam mê gia đình cũng chấp nhận và quen dần.
Nói về việc làm trang sức từ xương rắn, Nhã cho biết phải xử lý thêm nhiều công đoạn công phu. So với vòng tay từ xương rắn, nhẫn khó làm hơn rất nhiều, do những đốt xương có kích thước nhỏ rất khó ráp với nhau.
Để làm nhẫn, vòng tay từ xương rắn, Nhã mua khuôn đúc trên mạng và sử dụng nhựa Resin để làm. Sau khi tạo hình bằng khuôn, Nhã phải mài giũa để đem lại độ mượt mà, vừa vặn cho khách hàng. Cách làm này vừa lưu giữ các đốt xương trong tình trạng nguyên gốc, không gãy và cũng không làm đau tay người đeo.
Nhã cho biết thêm, do tất cả đều tự học nên một số món trang sức vẫn còn bọt khí, gây mất thẩm mỹ. Thông thường, Nhã phải kiên nhẫn ngồi phá từng bọt khí nhỏ, nếu chiếc nào không kịp phá hết, đọng lại quá nhiều sẽ phải bỏ đi.
Để làm ra một chiếc nhẫn từ xương rắn hoàn thiện, Nhã phải mất thời gian 2- 3 ngày, có khi lên đến cả tuần. Những vòng tay kết từ đốt xương sẽ nhanh hơn, khoảng 30 phút/vòng.
Chia sẻ về công việc của mình, Nhã tâm sự: “Em mong muốn công việc của mình sẽ góp phần lưu giữ vẻ đẹp độc đáo của loài rắn. Những tiêu bản xương rắn mang một sức hấp dẫn kỳ lạ với em”.
Theo Tân Lộc - Nhật Huy/Tiền Phong