Trời xanh sao nỡ đọa đày nhân gian
Trần Văn Hà (SN 1990) hiện đang sinh sống ở khối 1, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An từng khiến dư luận xôn xao trước quyết định vượt hơn 300km từ Nghệ An ra Hà Nội đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, anh Trần Văn Hà bắt đầu chia sẻ về cuộc đời đầy khó khăn, nghiệt ngã của mình. Theo đó, anh sinh ra không được may mắn như bao người vì mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Căn bệnh này khiến chân tay anh teo tóp lại, không thể di chuyển và hiện giờ cân nặng chỉ vỏn vẹn 21kg.
|
Anh Hà mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh khiến chân tay teo lại. |
Trải lòng về tuổi thơ của mình, Trần Văn Hà ngậm ngùi: “Tôi sinh ra không giống như bao người, trước kia cũng có một mái ấm gia đình hạnh phúc khi có đủ đầy cả cha mẹ cùng em gái. Thế nhưng, năm lên 9 tuổi bố mẹ tôi ly hôn, theo phán quyết của tòa, tôi về ở cùng bố. Sống cùng bố, tôi thường xuyên phải chịu đòn roi và bị hắt hủi bởi ông coi tôi là người thừa”.
Biết anh Hà thường xuyên bị cha hành hạ, thương con, mẹ đã đón anh về nhà để tiện chăm sóc. Dù thương mẹ sớm hôm lo cho mình, nhưng căn bệnh ấy đã vắt kiệt sức khiến anh không thể ngồi dậy lâu. “Tôi không thể ngồi lâu một lúc, vì việc này giống như phải chịu cực hình bởi xương rất đau nhức”, anh Hà chia sẻ.
Theo lời của anh Hà, anh có một người em gái nhưng vì mưu sinh nên không lo nổi cho anh và mẹ. Hàng ngày hai mẹ con anh bám víu, nương tựa vào nhau để sống, những lúc khỏe mạnh anh lại ngồi trên chiếc xe lăn điện đi bán tăm dạo mong kiếm từng đồng. Hình ảnh đó đã quá quen thuộc với người dân Quỳ Hợp nơi chàng trai xương thủy tinh sinh sống.
Hai trái tim cùng chung nhịp đập
Mặc dù mắc căn bệnh bẩm sinh, không thể di chuyển được như bao người, nhưng có được trò chuyện, tiếp xúc với Trần Văn Hà mới thấy trong con người tật nguyền ấy luôn có tinh thần lạc quan. Những tưởng anh sẽ chỉ sống cùng mẹ trong suốt quãng đời còn lại, nhưng mới đây, gia đình hai bên và bà con lối xóm đã vô cùng ngỡ ngàng trước quyết định của Trần Văn Hà, anh đã quyết định rước người bạn tâm giao, tri kỷ của mình về sống chung một nhà vào ngày 15/4 (âm lịch) tới.
|
Câu chuyện tình yêu của cặp đôi được ví như chuyện tình cổ tích. |
Chia sẻ về câu chuyện tình yêu mà mọi người vẫn thường truyền tai nhau là mối tình cổ tích của “Chàng sọ dừa và nàng lọ lem” thời hiện đại, Trần Văn Hà không giấu nổi sự xúc động.
“Tình cờ tôi và Lô Thị Giang (ở thôn Khe Mèn, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) quen biết nhau trên mạng xã hội facebook. Sau đó cô ấy có xem qua trang cá nhân của tôi, trong một lần cô ấy bị hacknick (đánh cắp tài khoản) không vào được, tôi đã tìm cách lấy lại và kể từ đó, chúng tôi trò chuyện với nhau nhiều hơn”, Trần Văn Hà cho hay.
Càng trò chuyện với Giang, tôi càng hiểu thêm về hoàn cảnh của gia đình cô ấy, cũng khó khăn, là chị cả nên phải lo lắng cho hai em nhỏ, một em mắc căn bệnh hiểm nghèo. Trong những lần trò chuyện ấy, Giang đã giãi bày hết những nỗi vất vả, khó khăn mà mình đang gánh chịu cho Hà nghe, họ cùng nghe, cùng an ủi động viên nhau, để rồi không biết tự bao giờ hai trái tim ấy đã cùng hòa chung một nhịp.
Anh Hà chia sẻ: “Chúng tôi đã cảm mến nhau nhưng phải đến tháng 11/2016 Giang mới đồng ý làm bạn gái của tôi. Nhà của Giang cách nhà tôi hơn 20km, nhưng cứ có sức khỏe là tôi lại xuống nhà cô ấy chơi, bố mẹ của Giang cũng rất quý mến tôi”.
Để đến được với Hà là cả một hành trình từ đấu tranh tư tưởng, cho đến vượt qua mọi ánh mắt dị nghị của người đời mà cô gái trẻ Lô Thị Giang phải trải qua. Giang bày tỏ: “Khi biết tôi yêu anh Hà, tất cả bạn bè của tôi đều bất ngờ, họ nói những lời lẽ không hay như: “Trên đời này thiếu đàn ông hay sao, lại phải lấy người đó”, rồi họ nói tôi không bình thường khi quyết định như vậy. Đây cũng là một rào cản lớn nhưng đối với tôi, anh Hà là người đàn ông tuyệt vời nhất trong cuộc đời”.
Nhìn thấy Giang thường xuyên khóc, Hà không đành lòng: “Tôi hiểu cảm giác của Giang, cũng biết những rào cản mà hai đứa gặp phải. Cảm giác của bạn thế nào khi người yêu không thể cõng bạn đi chơi? Tôi đã rơi vào trạng thái bất lực, có đôi khi muốn buông để cô ấy không phải suy nghĩ gì nhiều, nhưng tôi và cô ấy đều không làm được”.
Trải qua những thử thách đó, cuối cùng cả hai đã quyết định về chung một nhà vào thời gian tới. Tuy nhiên, có một nỗi lo canh cánh đối với cặp đôi này đó là hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến họ đang phải vay mượn để lo đám cưới.
Nói về những nỗi lo của mình, anh Hà trải lòng: “Nhà Giang khó khăn, trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy trị giá 2 triệu đồng, khi quyết định tổ chức hôn lễ, mọi chi phí đều do một mình tôi đứng ra vay mượn vì nhà cô ấy đã vay hết khả năng để lo thuốc thang cho em đang bệnh. Bộ ảnh cưới của chúng tôi được một người anh đồng cảm tặng”.
Điều mà anh Hà lo nhất là làm sao có thể lo được đám cưới, dù không bằng người ta, nhưng cũng không khiến vợ phải tủi hổ, ngậm ngùi, nhưng dường như mơ ước đó đang quá xa vời, thậm chí anh nói sẽ không thuê phông rạp mà căng tạm bạt để tổ chức khiến chúng tôi xót xa thay.
Khi chia sẻ về câu chuyện tình yêu của mình, Trần Văn Hà cho hay anh không muốn khoe khoang hay nói quá, bản thân chỉ muốn chia sẻ về câu chuyện tình mà anh và vợ coi đó là kỳ tích. Thông qua câu chuyện của mình, anh Hà bày tỏ: “Tôi chỉ muốn tình yêu của tôi sẽ phần nào giúp xóa bỏ đi rào cản giữa người khuyết tật và người lành lặn”.
Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đình Hùng (công an viên kiêm khối phó khối 1, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) xác nhận: “Gia đình của Trần Văn Hà thuộc diện khó khăn trong khối, bố bỏ mẹ từ khi Hà còn nhỏ. Bản thân Hà là người bị tàn tật, chỉ có gương mặt sáng. Khi hay tin Hà sắp lấy vợ chúng tôi cũng đều vui mừng, chúc phúc cho đôi bạn trẻ và coi đây như một câu chuyện tình yêu cổ tích”.
Theo Thanh Lam/ Người đưa tin