Jonna Nielsen, 17 tuổi sống ở Pennsylvania (Mỹ), cho biết cô bắt đầu vật lộn với chứng rối loạn ăn uống vào năm 15 tuổi, theo The Guardian.
Các triệu chứng trầm trọng hơn khi cô xem nhiều nội dung về chế độ ăn uống và tập thể dục trên Instagram.
Thuật toán sau đó đưa cô đến nhiều bài đăng hơn về việc hạn chế thức ăn, nhịn ăn không liên tục và cuối cùng là nội dung cực đoan về chứng biếng ăn như hướng dẫn cách che giấu rối loạn ăn uống với cha mẹ.
Sau vài tháng ở trung tâm phục hồi, Nielsen cho biết bệnh tình đã thuyên giảm.
Nhưng khi trở lại "cuộc sống bình thường", cô tải TikTok để kết nối với bạn bè và nhanh chóng bị đẩy vào tình cảnh như trước.
"Mọi người đều chia sẻ về việc họ gầy như thế nào, nhịn ăn ra làm sao và tôi cảm thấy bị bỏ lại. Tôi muốn tiếp tục hồi phục, nhưng bắt đầu có suy nghĩ rằng mình không đủ tốt nếu không trông giống như vậy".
|
Các hình ảnh ăn kiêng, giảm cân trên phương tiện truyền thông gây hại đối với giới trẻ. Ảnh: AFP.
|
Nielsen đề cập đến một trong những xu hướng phổ biến nhất của TikTok, #WhatIEatInADay. Hashtag có hàng nghìn video với tổng lượt xem 8,9 tỷ, trong đó có một video nổi tiếng của Kylie Jenner thu hút 14,7 triệu lượt thích.
"Mọi người sử dụng #WhatIEatInADay để khoe khoang về chế độ ăn uống. Họ ăn còn ít hơn trẻ mới biết đi. Nó đang phá hỏng khái niệm khỏe mạnh đối với những người ở độ tuổi của tôi".
Nielsen cho biết cô cảm thấy bệnh tình của mình không chỉ bị kích hoạt bởi các xu hướng ủng hộ chứng rối loạn ăn uống, mà còn bởi các tiêu chuẩn phi thực tế về vẻ đẹp do TikTok tạo ra.
Trong quá khứ, thuật toán cũng như người kiểm duyệt của TikTok đã được chứng minh là ưu tiên cho nội dung của người dùng da trắng và gầy.
TikTok không ngoài cuộc
Instagram hứng chịu chỉ trích sau khi Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, tiết lộ nghiên cứu nội bộ cho thấy nền tảng này gây hại, bao gồm cả sự gia tăng chứng rối loạn ăn uống, đối với giới trẻ.
Nhưng những vấn đề này không chỉ giới hạn ở công ty truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Facebook. Theo The Guardian, nhiều hashtag có hại cho người biếng ăn có thể dễ dàng tìm thấy trên ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, nơi các clip ăn kiêng, giảm cân có hàng tỷ lượt xem.
TikTok có quy định cấm nội dung quảng bá hoặc tôn vinh chứng rối loạn ăn uống thông qua sự kiểm duyệt của con người lẫn AI. Năm 2020, nền tảng này đã áp đặt các hạn chế bổ sung đối với clip giảm cân sau khi vấp phải những lời chỉ trích vì quảng cáo chế độ ăn kiêng nguy hại.
|
Thử thách #skinnycheck, nơi các cô gái cho thấy thân hình gầy gò của mình, thu hút 1 triệu lượt xem trên TikTok. Ảnh: Her Love.
|
Tuy nhiên đến nay, ít nhất 20 hashtag có vấn đề vẫn tồn tại. 14 trong số này từng được cảnh báo trên các nền tảng khác là gây ra chứng rối loạn ăn uống.
Nhiều trào lưu nguy hiểm như #skinnycheck với 1 triệu lượt xem, #size0 có 1,4 triệu lượt xem và #thighgapworkout với 2,6 triệu lượt xem. Một số hashtag có vẻ vô hại như #caloriedefecitsnacks và #weightlossprogress cũng chứa đầy nội dung có vấn đề.
Bridget Todd, người phát ngôn của UltraViolet, nhóm vận động cho phụ nữ, cho biết: "TikTok đang đứng ngoài tầm ngắm ngay bây giờ. Mọi người đều biết rằng Facebook và Instagram có nguy cơ gây hại rất lớn khi nói đến người dùng trẻ tuổi, nhưng chúng ta chưa nói đủ về sự nguy hiểm của những nền tảng mới như TikTok".
"Nguy hiểm hơn Instagram"
Bà Todd nói rằng TikTok, so với Instagram, thực sự có thể "nguy hiểm hơn" vì có người dùng rất trẻ. Tháng 9 vừa qua, ứng dụng chia sẻ video này đã vượt mốc 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, 60% trong số đó ở độ tuổi 16-24.
Nghiên cứu từ UltraViolet cho thấy các tính năng cụ thể của TikTok cũng gây ra nhiều vấn đề.
Trang "For You" (dành cho bạn) của TikTok, trang đề xuất video cho từng người dùng dựa trên thuật toán và lịch sử xem, khiến nội dung độc hại có thể trở nên "thịnh hành" mà không gặp chút khó khăn nào.
Ví dụ, nếu tìm kiếm hoặc từng xem clip ăn kiêng, người dùng sẽ dễ dàng thấy nội dung này tràn ngập trên trang "For You" của mình trong vòng 24h tiếp theo.
Ban đầu, trang sẽ đề xuất các hashtag, video thịnh hành cùng chủ đề như #WhatIEatInADay, #ketodiet, sau đó là các chế độ ăn kiêng hạn chế hơn và cuối cùng là các hashtag không lành mạnh công khai như #Iwillbeskinny và #thinspoa.
|
Hàng chục trào lưu nguy hại, khuyến khích chứng rối loạn ăn uống vẫn tồn tại trên TikTok. Ảnh: Dazed.
|
Bà Todd còn cho rằng các filter (bộ lọc) phi thực tế của TikTok cũng có thể góp phần tạo ra hình ảnh cơ thể tiêu cực, đặc biệt là đối với những cô gái trẻ.
Trong khi Snapchat và Instagram đều cho biết họ sẽ không cho phép sử dụng filter để quảng cáo hoặc bắt chước phẫu thuật thẩm mỹ, TikTok có hàng chục bộ lọc làm đẹp để các cô gái trẻ thay đổi làn da, khuôn mặt, hình dáng cơ thể.
"Điều này góp phần tạo ra những tiêu chuẩn không thể tồn tại về vẻ đẹp", bà Todd nói.
UltraViolet đã đưa ra một bản kiến nghị thu hút được hơn 2.000 chữ ký, kêu gọi TikTok vô hiệu hóa các filter trên tài khoản của thanh thiếu niên.
Tổ chức này cũng kêu gọi TikTok xóa tất cả quảng cáo về sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống và giảm cân, đồng thời yêu cầu ngăn chặn kẽ hở khiến các hashtag gây ra chứng rối loạn ăn uống lan truyền.
"Khi người dùng của nền tảng đều rất trẻ và dễ bị ảnh hưởng, không có chỗ cho những giải pháp nửa vời. Chúng ta cần đảm bảo rằng điều này được xử lý một cách có ý nghĩa và không chấp nhận nội dung như vậy tồn tại trên nền tảng", bà Todd nói.
Người phát ngôn của TikTok cho biết nền tảng này hoạt động để cân bằng giữa việc kiểm duyệt nội dung có vấn đề và nỗ lực khuyến khích nội dung liên quan đến phòng chống rối loạn ăn uống. Họ không muốn xóa tất cả vì một số hashtag bắt đầu bằng rối loạn ăn uống nhưng có thể được sử dụng cho mục đích giáo dục.
Lây lan như dịch bệnh
Điều nghịch lý là TikTok lại chính là nơi có nhiều cộng đồng phục hồi chứng rối loạn ăn uống. Nền tảng này cho biết họ quảng bá nội dung tích cực với hashtag như #bodypositive có 15,3 tỷ lượt xem và #bodyacceptance có 214 triệu lượt xem.
Một người sáng tạo trên nền tảng nổi tiếng vào năm ngoái với loạt video “eat with me”, khuyến khích người đang hồi phục sau chứng rối loạn ăn uống đưa ra các lựa chọn dinh dưỡng lành mạnh.
Các hashtag như #edrecovery ghi lại cuộc đấu tranh của người dùng với chứng rối loạn ăn uống cũng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng nội dung như vậy có thể phản tác dụng. Một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ được công bố vào tháng 1 cho thấy rằng trong khi các video ủng hộ chứng biếng ăn có tác động tiêu cực rõ ràng đến người dùng, clip “chống biếng ăn” dù với mục tiêu nâng cao nhận thức về hậu quả của chứng biếng ăn, vẫn có thể gây rối loạn ăn uống cho người xem.
|
Nội dung "chống biếng ăn" trên mạng xã hội có thể phản tác dụng. Ảnh: Self.
|
Nielsen cho biết cô đã xem rất nhiều người dùng chia sẻ về quá trình hồi phục khi bị rối loạn ăn uống nhưng đồng thời vô tình hoặc cố ý, họ cũng thúc đẩy một số hành vi đáng lo ngại.
“Thật tệ khi bạn nhìn thấy những tài khoản phục hồi này thực sự chỉ tìm kiếm sự chú ý bằng cách nói về việc họ nặng bao nhiêu, hoặc tình trạng rối loạn ăn uống của họ tồi tệ như thế nào. Điều đó không thực sự giúp mọi người phục hồi”, cô nói.
Cuối cùng, Nielsen đã xóa TikTok, Instagram và tất cả phương tiện truyền thông xã hội khác vì cô cảm thấy không thể sử dụng chúng một cách lành mạnh.
“Nó lây lan như một dịch bệnh”, cô nói về chứng rối loạn ăn uống. “Một người nói về nó, sau đó một người khác có ý tưởng để làm điều tương tự. Những nền tảng này cần phải mạnh tay hơn vì chúng đang hủy hoại cuộc sống của mọi người ”.
Theo Lê Vy/ Zing