Cách TP Quy Nhơn về hướng bắc khoảng 15km, Cồn Chim trải rộng gần 500ha nằm giữa rừng ngập mặn đầm Thị Nại thuộc địa phận các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)
Du khách thường đến đây vào buổi chiều để khám phá không gian miền sông nước và chiêm ngưỡng nhiều loài chim bay về kiếm ăn, trú ngụ và ngủ qua đêm trên rừng đước. Vào buổi bình minh, các loài chim rời tổ đi kiếm ăn tạo nên bức tranh sinh động giữa ngày mới trên miền sông nước.
Ông Nguyễn Lê Đức Luân (Khu du lịch Cồn Chim xứ Nẫu, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cho hay người dân ở Cồn Chim ý thức bảo vệ rừng ngập mặn, không bao giờ săn bắt các loài chim trời. Nhờ vậy, nhiều loài chim chọn rừng ngập mặn nơi đây làm nơi trú ngụ, sinh sống.
Những năm gần đây, nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế về đây du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn không gian thiên nhiên hoang sơ ở Cồn Chim.
"Du khách đến tham quan nơi đây có thể đi ca nô hoặc chèo sup để khám phá không gian sinh thái Cồn Chim hay đón hoàng hôn, chiêm ngưỡng nhiều loài chim bay về tổ trong rừng đước cổ thụ", ông Luân nói.
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, nhìn nhận đây là điểm phát triển du lịch sinh thái rất phù hợp, phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ như du lịch sông nước ở miền Tây Nam Bộ.
Ngư dân địa phương đi ghe vào khu vực Cồn Chim đánh bắt cá. Hiện tại người dân nơi đây phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, triển khai mô hình du lịch cộng đồng, lưu trú xanh, tour tham quan, học tập, nghiên cứu... nhằm tăng thu nhập gia đình, loại bỏ các hoạt động xâm hại hệ sinh thái ở Cồn Chim.
Khám phá Cồn Chim, du khách không chỉ hòa mình giữa thiên nhiên hoang sơ mà còn có thể cùng ngư dân nơi đây giăng lưới đánh cá, soi cua đêm dưới tán rừng...và đón bình minh ngắm các loài chim rời tổ sải cảnh bay đi kiếm ăn tuyệt đẹp.
Sau khi khám phá rừng ngập mặn, du khách có thể thưởng thức món cá, tôm, cua nướng chấm với muối ớt dân dã nhưng ngọt bùi và đậm hương vị miền quê.
Theo Minh Thu/Tạp chí Du lịch TPHCM