Trước khi đại dịch bùng phát, các nhà thiết kế tạo ra các linh vật cho Olympic và Paralympic Tokyo lần này đã cho rằng chúng sẽ trở thành “bộ mặt của Thế vận hội”. Thế nhưng, thực tế không như mong đợi. Mặc dù 2 linh vật mang tên Miraitowa và Someity vẫn xuất hiện ở khắp nơi, trên các biển quảng cáo hay các món đồ lưu niệm, nhưng ngay cả người Nhật cũng không thật hào hứng với chúng.
Miraitowa là linh vật của Olympic và Someity đại diện cho Paralympic. Hai linh vật này lần đầu tiên ra mắt công chúng vào mùa hè năm 2018 với rất nhiều kỳ vọng. Ý nghĩa cái tên Miraitowa là sự kết hợp các từ “tương lai” và “vĩnh cửu.” Trong khi đó, Someity là một biến thể từ tên một loại cây anh đào Nhật Bản nổi tiếng và là cách chơi chữ của cụm từ tiếng Anh “thật hùng vĩ” (so mighty).
“Chúng có thể rất nổi tiếng với trẻ em nhờ vào ấn tượng bề ngoài tương tự các nhân vật Pokémon. Ngoài ra, họa tiết ca rô của các linh vật khiến chúng trông giống như những chiếc cờ đua xe di động” - Ryo Taniguchi, đại diện nhóm thiết kế từng chia sẻ và giải thích thêm rằng các họa tiết là sự kết hợp với một kiểu trang phục phổ biến trong thời kỳ Edo của Nhật Bản, kéo dài từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.
Sự mờ nhạt của Miraitowa và Someity khiến người ta càng nuối tiếc Kumamon - chú gấu dễ thương đến từ tỉnh Kumamoto. Đây là một trong những “nhân vật PR” nổi tiếng nhất tại Nhật, cách đây 10 năm. Cùng đó là Chiitan, một linh vật phỏng theo hình ảnh của một chú rái cá, được cho là “kẻ quấy phá tinh nghịch”.
Nhiều người cho rằng Miraitowa và Someity “quá gầy” so với các linh vật khác mà người Nhật Bản từng đã quá quen thuộc. Nói tóm lại, Miraitowa và Someity đã phần nào bị bỏ quên trong “rừng” linh vật mà người Nhật đã từng xây dựng.
Nói như giáo sư tin học tại Đại học Shizuoka, Jillian Rae Suter, đồng thời là nhà nghiên cứu linh vật Nhật Bản, thì Miraitowa và Someity không thực sự bị ghét, chúng đang làm rất tốt công việc của mình, “nhưng chỉ là không được công chúng để mắt tới”.
Một nguyên nhân khác là hai linh vật này không được xuất nhiều trên truyền hình khiến chúng bị lu mờ trên một sân khấu khổng lồ như Olympic. Và vì thế Miraitowa và Someity không tạo được điểm nhấn trong lễ khai mạc và cả những ngày sau đó.
Ở một khía cạnh khác, Miraitowa và Someity đã không “làm tròn nhiệm vụ” của mình, có nghĩa là lợi nhuận thương mại hình ảnh do chúng mang lại không cao, đặc biệt là khi khán giả không được tới sân chứng kiến các màn thi đấu.
Việc Nhật Bản đăng cai tổ chức Olympic Tokyo 2020 được xác định từ năm 2013, với chi phí được Tokyo quyết là 7,5 tỷ USD. Nhưng kể từ đó, chi phí thực mà Nhật Bản đã bỏ ra ước tính có thể lên tới khoảng 15,4 tỷ USD.