Nhắc đến Bà Rịa - Vũng Tàu, điều đầu tiên khiến du khách nhớ tới chính là những bãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng hay món đặc sản bánh khọt nức tiếng. Tuy nhiên, nơi đây còn có nhiều thứ để khám phá hơn thế.
Mới đây trên các diễn đàn, hội nhóm du lịch, nhiều du khách chia sẻ hình ảnh của một vùng sơn thủy hữu tình, ngập tràn màu xanh mát ngay ở thành phố Bà Rịa. Bên dưới bình luận của bài viết, chính những người bản địa cũng phải bất ngờ, bởi chính họ cũng không hề biết đường đến địa điểm này. Nó mang tên, suối Tiên - núi Dinh.
Suối Tiên - núi Dinh, nơi được mệnh danh là "thiên đường xanh trên núi" ở Bà Rịa. (Ảnh: Twinspiration)
Suối Tiên - Núi Dinh nằm ở đâu?
Trên thực tế, suối Tiên nằm trên khu vực núi Dinh, thuộc địa phận huyện Tân Thành, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách trung tâm thành phố khoảng 13km và thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80km. Chính vì vậy, phương thức di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy hay phương tiện công cộng là xe khách, đều được. Đường đi men theo con đường nhựa uốn lượn, phong cảnh 2 bên đường thì hoang sơ, núi rừng trùng điệp cùng những cánh đồng lúa tạo nên một khung cảnh vô cùng hữu tình.
Tuy nhiên, theo nhiều du khách đã từng có kinh nghiệm trước đó, đi bằng xe máy là tiện nhất, bởi sẽ có những đoạn đường nhỏ, đất đá gồ ghề, nếu là ô tô bán tải hay ô tô có kích thước lớn thì đi sẽ không vừa.
Với những du khách chưa thạo đường, có thể tìm trên bản đồ địa điểm Thiền Tôn Phật Quang, bản đồ sẽ chỉ dẫn lối đi dễ hiểu hơn. Đến nơi, thay vì vào bãi xe của Thiền Tôn thì du khách đi thẳng lên hướng đỉnh núi, nhìn sang bên tay trái thì sẽ thấy suối Tiên.
Sự nhầm lẫn giữa suối Tiên và suối Đá
Nhiều du khách thường nhầm lẫn suối Tiên với suối Đá là 1, bởi chúng đều nằm ở khu vực núi Dinh. Tuy nhiên, điều này là một sự nhầm lẫn. Những người dân địa phương sống gần khu vực này cho biết, dù cùng là một dòng suối, chảy từ trên đỉnh núi xuống chân núi, song suối Tiên là tầng bên trên, cao hơn, còn suối Đá ở ngay khu vực chân núi.
Chính vì vậy, du khách khi đến đây cần xác định rõ địa điểm, bởi đường lên suối Tiên sẽ khác hoàn toàn với đường đi suối Đá. Đường lên núi Dinh chính là đường lên được suối Tiên.
Suối Tiên nằm ở tầng cao hơn so với suối Đá ở chân núi. (Ảnh: Twinspiration)
Suối Tiên có gì?
Như đã nói ở trên, suối Tiên nằm phía bên trên gần đỉnh núi Dinh, hay còn gọi là đỉnh thượng nguồn. Chính vì vậy, để lên tới đây, du khách sẽ cần trải qua quãng đường trekking trên con đường uốn lượn, ôm sát triền núi với những tảng đá lớn nhỏ trước.
Khi đến nơi, vẻ đẹp xanh mát, hoang sơ của núi rừng, cùng dòng nước chảy róc rách từ các khe đá sẽ khiến du khách cảm thấy sảng khoái và thư thái hơn bao giờ hết. Chính điều này đã khiến nhiều du khách sau khi tới suối Tiên, đặt cho nơi này biệt danh là "Thiên đường xanh trên núi".
Là địa điểm chưa thực sự được nhiều người biết tới, khi đến suối Tiên, du khách sẽ không bị "ngợp" bởi khung cảnh đông đúc, chật chội. Lượng du khách đến đây còn khá thưa thớt, thường là các nhóm gia đình hoặc nhóm bạn, đến cắm trại hoặc tắm suối, hoặc chỉ đơn giản là ngồi bên bờ hít thở bầu không khí trong lành.
Huỳnh Thị Bích Liên, một du khách từng có chuyến đi tới núi Dinh, tiện ghé ngang qua suối Tiên vào năm 2020 chia sẻ trong bài viết trên Group Check in Vietnam: "Đoạn giữa đường lên núi bên tay trái có một rừng thông, cạnh con suối, cảnh cũng đẹp, sạch sẽ để cắm trại và tắm suối. Mùa nước nhiều đây cũng là một điểm dừng chân lý tưởng để tắm suối mát rượi."
Một du khách khác với tài khoản tên Hnadov cũng kể lại chuyến cắm trại qua đêm của mình và con gái ở suối Tiên: "Một đêm trong rừng vắng chỉ có 2 cha con, không có tiềng ồn ào phố thị, không có sóng điện thoại, chỉ có âm thanh tiếng suối chảy. Ngủ ngon lắm các bạn ạ."
Cắm trại bên bờ suối là một trải nghiệm nhiều du khách yêu thích. (Ảnh Hnadov)
Không thể thiếu đỉnh La Bàn trong chuyến hành trình
Cũng theo kinh nghiệm của nhiều du khách, nếu đã đến suối Tiên thì chắc chắn không nên bỏ lỡ trải nghiệm chinh phục đỉnh La Bàn. Đỉnh La Bàn thực chất là một tảng đá rất lớn, nằm nhô ra trên núi ở độ cao 500m, xung quanh thoáng đãng nên từng được sử dụng làm sân đáp trực thăng của Mỹ thời xưa.
Để lên được đỉnh, du khách cần đi theo lối mòn nhỏ, nằm bên tay phải đường dẫn lên chùa Hang Mai - một ngôi chùa nằm trên đỉnh núi Dinh. Lối mòn dài khoảng vài trăm mét, đi hết thì sẽ tới đỉnh La Bàn. Nói về đường lên đỉnh La Bàn, du khách Hnadov nói thêm: "Đường lên đỉnh khá đẹp, rất thích hợp cho trekking. Nó có hàng cây phủ rêu vàng với nền rừng đầy lá khô, tạo nên một khung cảnh rất ấn tượng và tuyệt đẹp. Mình chụp bằng điện thoại nên không thấy rõ chứ khung cảnh này ngoài đời cứ như trời Âu vậy."
Nếu leo bộ, khoảng 1 giờ đồng hồ du khách sẽ lên được tới đỉnh La Bàn. Đứng từ vị trí này, nếu thời tiết đẹp, trời quang mây tạnh, có thể quan sát gần như toàn bộ bán đảo Long Sơn và một số địa điểm như cảng Cái Mép, vịnh Gành Rái, biển Vũng Tàu và thậm chí là cả Cần Giờ.
Sau khi chinh phục đỉnh La Bàn, nhiều du khách lựa chọn ngồi lại nghỉ ngơi, ăn uống tại đây, rồi xuống núi kết thúc hành trình. Số khác cũng có thể lựa chọn tiếp tục khám phá các điểm đến tâm linh khác trên đỉnh núi, như chùa Tây Phương, chùa Tùng Lâm, chùa Hang.
Theo Thu Phương/Báo Tổ quốc