Giống như bao gia đình có con, cháu nhỏ, cô Nguyễn Thị Bích Vân (Gia Lai) lúc nào cũng day dứt về chuyện trẻ con ngày nay thiếu không gian sống, thiếu những trải nghiệm thực tế, dù biết rằng có nhiều lý do khác nhau.
“Nhất là đứa trẻ sống ở thành phố như cháu gái của cô, hằng ngày chủ yếu xoay quanh 4 bức tường, bố mẹ có rảnh mới được đi công viên, thả diều, không thì cũng đi trung tâm thương mại hay theo người lớn ngồi cà phê. Vì thế cháu bé tuy đã đi học lớp 1 nhưng rất nhút nhát, thiếu tính tự lập”.
Hè này, cháu Linh Lan (6 tuổi) được bố mẹ gửi về quê ở Gia Lai chơi. Vậy là, bà ngoại đã quyết định tặng một hành trình đặc biệt khi nghe cháu gái xem hình các chuyến đi chơi của bà và bày tỏ mong muốn được đi rừng, đi thác giống như vậy.
Chuyến đi 8 ngày căng thẳng hơn cả tháng leo “ngũ đại hùng sơn”
Cô Nguyễn Thị Bích Vân là thành viên lão làng của những hội nhóm du lịch phượt hay leo núi. Cô từng cùng con trai rong ruổi xuyên ba nước Đông Dương từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2022. Trong năm 2022, cô Vân dành nhiều tháng trời, liên tục chinh phục các đỉnh núi từ Nam ra Bắc, đặc biệt phải kể đến hành trình leo “ngũ đại hùng sơn” và “tứ đại đỉnh đèo”.
Vậy nhưng, nhắc về chuyến du lịch lần này với cháu gái, cảm xúc của cô căng thẳng hơn bao giờ hết.
“Cô chỉ nghĩ cho cháu thử đi con thác ở cách nhà 35km, tốn khoảng 2km chinh phục. Thấy cháu đi phăng phăng, cô mới nghĩ à thì ra cháu nó cũng hứng thú đấy chứ. Vậy thì có thể cho cháu đi thử chặng từ Gia Lai đến Quy Nhơn xem thế nào”, cô Vân kể.
|
Bà ngoại dừng xe, dựng điện thoại, đổi chỗ cho cháu lên trước để chụp cùng biểu tượng của mỗi vùng đất đi qua. |
Không giống như những lần chỉ xách ba lô lên và đi trước đó, tuy là quyết định bất ngờ nhưng bà ngoại U60 phải chuẩn bị thêm rất nhiều thứ. Theo cô Vân, ngoài dự trù lịch trình, đặt nhà nghỉ, bảo dưỡng xe máy, cô mang thêm đai đeo, đằng sau xe cột một túi đựng đồ của hai bà cháu - cũng là để cháu ngồi dựa vào, đồ chơi cho cháu trên chặng đường dài bởi trẻ con hay chán, dễ buồn ngủ.
Chặng đường đầu tiên, gia đình chỉ biết hai bà cháu đi biển ở Quy Nhơn ít ngày rồi sẽ quay về chứ chưa nghĩ sẽ đi dọc cả cung đường biển miền Trung. Mãi đến khi đăng ảnh lên mạng xã hội, tiết lộ về kế hoạch sẽ đưa cháu “phượt” từ Gia Lai tới Sài Gòn, cả con gái và ông bà thông gia mới ngã ngửa và không giấu được sự lo lắng. “Thậm chí, ông bà nội cháu còn khuyên cô nên dừng lại ở Quy Nhơn, họ sẽ chạy xe hơi tới đón cháu về… Nhưng lúc đăng hình là hai bà cháu đã đi tới Nha Trang rồi. Tuy nhiên, khi nhận được những hình ảnh cháu vui vẻ chạy ở biển và nghe cháu bày tỏ sự thích thú, mọi người đã yên tâm phần nào. Song, cũng không quên dặn bà ngoại liên tục đăng hình để ở nhà theo dõi”.
"Sau khi đón bình minh trên đèo An Khê, cháu ngáp ngủ. Nhưng bà ngoại hỏi cháu có mệt không, cháu gái phấn khởi và nói muốn đi tiếp".
Những khoảnh khắc của hai bà cháu khiến “dân phượt” cũng phải ghen tỵ
Dù gọi là đi phượt nhưng không phải cứ rong ruổi chẳng màng thời gian, lịch trình của cô Vân vẫn chuẩn xác, phù hợp với cháu nhỏ. Cô đã căn thời gian để mỗi chặng chạy xe không quá 2 tiếng, cháu gái vẫn được ngủ đủ giấc trong suốt 8 ngày. “Hai bà cháu dậy sớm, xuất phát từ trước bình minh, đến trưa sẽ ăn và thuê nhà nghỉ cho cháu ngủ tới 2 giờ chiều, đi tiếp, nhưng trước 9 giờ tối sẽ lên giường đi ngủ.”
Cũng nhờ vậy mà hai bà cháu cô Vân vừa duy trì được sức khỏe, vừa bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày khi đi qua các địa danh, thắng cảnh. Dọc cung đường từ Gia Lai tới Bình Định - Tuy Hòa - Phú Yên - Nha Trang - Ninh Thuận, cháu đã cùng bà đón bình minh trên đèo An Khê, ghềnh Đá Đĩa, đón hoàng hôn trên biển, tận mắt ngắm nhìn rặng san hô cổ.
“Trước khi đi qua cầu Ông Cọp - cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam, bà kể cháu nghe về sự tích miếu Ông Cọp, cháu rất tò mò, hỏi đủ điều liên quan. Đến lúc chạy xe qua, cháu nhớ lại lời kể và ôm chặt bà, đòi đi vệ sinh. Nhưng khi qua cầu, bà ngoại hỏi lại cháu nói: Chắc lúc nãy cháu sợ quá! Hai bà cháu nhìn nhau cười”.
Bình thường ở nhà, cháu được mọi người cưng chiều nên ỷ lại, đi cùng bà mấy ngày, tác phong của cháu đã nhanh nhẹn hơn, tối tự nằm ngủ, sáng dậy tự mặc đồ, đeo ba lô. Cho đến bây giờ đã về nhà với bố mẹ, cháu đã tự lập hơn hẳn trước kia, không còn sợ bóng tối nữa.
Biết cháu sợ xuống biển và sợ tắm biển, bà đưa cháu tới những bãi tắm đẹp nhất, có nơi chỉ người dân bản địa mới biết, để cháu quan sát và cảm nhận. Bà giảng giải cho cháu gái nếu leo đá phải đi và bám như thế nào, chỗ nào nước sâu, chỗ nào dễ gặp khó khăn, nguy hiểm, còn chỗ nào có thể yên tâm tắm biển.
Ấn tượng và được cô Vân cho rằng quý giá nhất chuyến đi lần này là khoảnh khắc hai bà cháu ngắm sóng biển, mây trời và cầu vồng tại hòn Yến, Tuy Hòa.
Mặc dù mong muốn sẽ đi tới tận TP.HCM nhưng sau cùng, cô Vân quyết định tạm dừng hành trình của mùa hè này sau khi hai bà cháu thăm Phan Rang, Vĩnh Hy (Ninh Thuận) để cô cháu gái không bị quá sức.
“Tôi cũng không biết mình đúng hay sai khi đưa cháu ra khỏi vùng an toàn, đến với tự nhiên, làm những điều cháu thích...cả những lo lắng trách móc dỗi hờn dõi theo hai bà cháu. Một chuyến đi với bao tâm huyết và trách nhiệm nặng nề ... tôi muốn cho cháu những khoảnh khắc những kỷ niệm đẹp nhất, phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của cháu”. Đó là dòng tâm sự của cô Nguyễn Thị Bích Vân khi nhớ lại chuyến đi cùng cháu gái vào mùa hè năm nay.
Theo Hạnh Mỹ/Phụ nữ Việt Nam