Thời điểm dịch bệnh tái bùng phát, nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng việc giãn cách xã hội và cho tạm ngừng kinh doanh với một số loại hình hoạt động, kéo theo đó là cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng.
12 bạn trẻ sinh sống, làm việc tại Hà Nội và TP.HCM đã trò chuyện với Zing, chia sẻ về sự tác động của đại dịch Covid-19 lên cuộc sống và cách họ đối mặt.
Lê Tuấn Uy (sinh năm 1993) - thành viên nhóm hài độc thoại Sài Gòn Tếu
Khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở TP.HCM, tôi và các thành viên trong nhóm hài độc thoại Sài Gòn Tếu quyết định ngừng mọi hoạt động.
Các dự định chạy show, lưu diễn và workshop phải dời lịch. Việc này không chỉ tác động tới thu nhập, mà còn ảnh hưởng tới tinh thần của mọi người. Ai cũng thấy buồn, nhưng an toàn là trên hết.
Tuy không có show offline, nhóm vẫn đăng tải video và các nội dung đã quay trước lên mạng để phục vụ khán giả.
Gần như ngày nào Sài Gòn Tếu cũng gặp nhau trên Internet để luyện tập, viết kịch bản, tập diễn hài ứng tác. Có chút "thiếu hơi người", nhưng tiếng cười không hề thiếu.
Dịch thì nhiều thứ tạm ngưng, nhưng chúng tôi sẽ không ngừng đâu.
Nguyễn Thu Hà (sinh năm 1996) - mẫu ảnh
Công việc của tôi may mắn không bị ảnh hưởng quá nặng nề vì các nhãn hàng vẫn cần mẫu chụp cho bộ sưu tập mới, đẩy mạnh việc quảng cáo online do khách mua qua mạng nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc chụp hình cho các bộ sưu tập không thể thoải mái như trước. Tôi và ê-kíp chuyển hoàn toàn sang chụp trong studio thay vì outdoor (ngoài trời). Các nhân viên cũng giảm bớt hết mức có thể.
Thời gian này, tôi cố gắng tự di chuyển đến chỗ làm, vừa tự bảo vệ chính mình, vừa hạn chế việc tiếp xúc với người khác.
Nguyễn Hoàng Lê (sinh năm 1998) - freelancer
Vài tuần qua, tôi thường bắt đầu ngày mới bằng nửa giờ tập thiền và yoga. Tôi tìm hiểu bộ môn này từ 2 năm trước, nhưng gần đây mới có thời gian duy trì thói quen.
Ngoài ra, tôi cũng cố gắng nấu ăn, ca hát... để làm quen với lối sống "tĩnh" khi ở nhà.
Chuỗi quán bar nơi tôi làm phải tạm dừng hoạt động. Các công việc freelance cũng bị hủy vì không đủ kinh phí chi trả cho nhân viên.
Tôi từng 3 lần trải qua cảnh “thất nghiệp tạm thời” vì dịch bệnh nên đã có kinh nghiệm ứng phó hơn. Nhưng với một người quen lối sống về đêm, việc ở nhà phần lớn thời gian khiến tôi cảm thấy khá chán chường, bí bách.
Ứng Minh Phương (sinh năm 1997) - quản lý dancer
Vừa đi làm trở lại 1 tháng, tôi sững sờ khi nghe tin từ 0h ngày 30/4, quán bar tôi làm việc một lần nữa phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Ba lần trước, tôi phải nghỉ làm khoảng 2-2,5 tháng, hoàn toàn mất thu nhập.
May mắn là nhà mở quán bánh mì, tôi ở nhà phụ bố mẹ kinh doanh trong lúc tạm nghỉ. Gia đình rất thông cảm, hỗ trợ nên tôi không lo về kinh tế. Hơn nữa, hai người nói dịch thế này đi làm cũng nguy hiểm, ở nhà có công việc thì cứ làm đến đâu hay đến đó.
Nguyễn Phụng Trâm (sinh năm 1997) - content marketing
Gần một năm qua, tôi chưa tìm được công việc ổn định.
Thu nhập hiện giờ chủ yếu đến từ một số job thời vụ, do bạn bè giới thiệu. Số tiền kiếm được không nhiều, tôi buộc phải thắt lưng buộc bụng. Tiền nhà chiếm một khoản lớn, hầu như tháng nào cũng phải xin cô chủ khất cho 1 tuần. Trứng, mỳ gói xuất hiện nhiều thêm trong các bữa ăn.
Các chi tiêu sinh hoạt cơ bản đặt lên đầu, những nhu cầu giải trí khác phải gác lại một bên. Trước kia, tôi là đứa nhiệt tình mỗi khi bạn bè rủ đi chơi. Giờ, những lời mời cà phê, ăn hàng phải từ chối thường xuyên. Điều này không mấy dễ dàng với đứa thích ra ngoài, tụ tập như tôi.
Có khoảng thời gian kẹt tiền, tôi đành bắt xe về nhà ở Hòa Bình, nhờ bố mẹ nuôi một thời gian trước khi có việc mới. Bám trụ lại trên Hà Nội giờ thêm lắm lo toan vất vả, nhưng tôi vẫn cố gắng ở lại vì ở thành phố mới có việc làm phù hợp với mình.
Lê Ngọc Vân Anh (sinh năm 1999) - gia sư
Công việc gia sư của tôi phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Những ngày đầu, cô trò gặp khá nhiều khó khăn do thường xuyên mất kết nối, lỗi kỹ thuật. Được khoảng 3 buổi, tôi thấy việc dạy như vậy không hiệu quả nên đành thống nhất với phụ huynh cho tạm nghỉ.
Mất đi một khoản thu nhập đáng kể, song tôi may mắn cũng còn một số công việc tự do khác đang làm online.
Tôi thấy làm việc tại nhà cũng có cái hay riêng, nhất là không cần di chuyển nhiều, tiết kiệm được một khoản kha khá tiền xăng. Ngoài ra, nếu biết cách chia thời gian biểu hợp lý, mọi người sẽ không bị “chồng chéo” giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Hồ Đậu Phương Trinh (1999) - trợ lý MC
Hàng loạt show dẫn chương trình của sếp tôi bị hủy đột ngột. Vì lương được tính theo sự kiện nên khi các hoạt động “đóng băng”, tôi cũng gần như thất nghiệp.
Chỗ thực tập khó khăn lắm mới xin được trước giãn cách vừa bị báo hủy. Những dự án phi lợi nhuận khác mà tôi đang tham gia cũng đành tạm hoãn.
Bên cạnh đó, tôi lo rằng nếu dịch bệnh cứ bùng phát liên tục, tôi sẽ khó xin được việc khi ra trường.
Đỗ Hoàng Anh (sinh năm 1994) - quản lý nhà hàng
Chiều 30/5, khoảng 7 tiếng trước khi TP.HCM chính thức thực hiện quy định giãn cách xã hội, tôi nhận thông báo phải tạm dừng hoạt động nhà hàng. Tôi không bất ngờ nhưng thật sự rối ren.
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, doanh thu tại nhà hàng nơi tôi làm việc đã sụt giảm mạnh. Bây giờ thì đóng cửa trong ít nhất 2 tuần, tất cả con số sẽ về 0.
Tôi chấp nhận việc sẽ không nhận lương trong nửa tháng sắp tới. Nhưng nhiều nhân viên của tôi lại khác. Các bạn là sinh viên làm thêm, mức lương chỉ 18.000 đồng/giờ. Tôi lo các bạn sẽ khó khăn lo toan tiền thuê nhà, ăn uống và sinh hoạt.
Hiện tại, nhà hàng đã xin phép duy trì hoạt động thành công, nhưng chỉ còn bán mang đi, nhân viên cũng không thể đăng ký làm đủ số công giờ so với trước. Tuy vậy với chúng tôi, như thế đã là hạnh phúc.
Phạm Đức Huy (sinh năm 1997) - food stylist
Hai năm qua, tôi làm food stylist cho một studio. Trách nhiệm chính là “trang điểm cho món ăn”, làm sao cho mỗi món đẹp nhất khi lên hình quảng cáo. Khách hàng chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn.
May mắn, dịch bệnh không làm ảnh hưởng quá nhiều đến công việc của tôi. Nhiệm vụ của tôi vẫn diễn ra tuần tự: họp bàn với khách hàng, sắp xếp món ăn này đi với bát đĩa nào, đi chợ mua đồ chuẩn bị, hỗ trợ photographer chụp ảnh món ăn.
Làm việc trong mùa dịch, thu nhập có giảm nhưng vẫn ở mức giúp tôi đủ sống. Điều tôi nghĩ may mắn nhất là dù dịch bệnh xảy ra, mình vẫn được làm đúng thứ mình yêu thích, không phải nghĩ đến chuyện bỏ nghề, tìm việc khác để trang trải.
Trần Hương Trà (sinh năm 1995) - nhân viên bán hàng
Trước khi dịch bệnh xảy ra, tôi làm ở bộ phận visa cho một công ty du lịch lớn trong 3 năm. Lượng khách đi du lịch nước ngoài nhiều, vào mùa hè cao điểm tôi khó có ngày nghỉ ngơi.
Mọi thứ đảo ngược từ khi có dịch. Từ sau Tết năm 2020, công việc của tôi ít dần khi du lịch nước ngoài tê liệt. Kinh doanh của công ty giảm mạnh, buộc phải cắt bỏ nhân sự. Những tháng đầu mất việc, tôi vẫn ở nhà, chi tiêu bằng số tiền tiết kiệm.
Gần hết tiền, tôi bắt đầu đi tìm việc trở lại. Mọi chuyện không dễ dàng khi tôi rải CV, đi phỏng vấn nhiều nơi nhưng vẫn không có công việc ưng ý. Stress, chán nản, cuối cùng, tôi quay về công việc thời sinh viên từng làm – phục vụ bàn cho quán cafe, nhân viên bán hàng cho shop mỹ phẩm.
Mức lương ít hơn thời làm văn phòng nhiều nhưng dù sao, tôi vẫn thấy may mắn vì có đồng ra đồng vào trong lúc dịch tái bùng phát.
Phạm Ngọc Tú Quyên (sinh năm 2003) - nhân viên bán sữa
Quầy sữa của tôi luôn tập nập khách tới mua do nằm ở số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM), ngay khu trung tâm thành phố. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4, lượng khách ghé qua thưa thớt hẳn, doanh thu cũng bị giảm rõ rệt. Một số đồng nghiệp khác của tôi đã xin về quê.
Tuy vậy, tôi không có ý định tìm việc khác. Với mức lương gần 2 triệu/tháng, tôi có thể trang trải việc ăn uống và mua sắm những thứ cần thiết.
Đi làm trong mùa giãn cách cũng mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Lâu lâu có khách đến mua còn dặn tôi: “Cố lên nha, nhớ giữ sức khỏe” khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc.
Phạm Ngọc Hải (1994) - diễn viên
Công ty của tôi mới đi vào hoạt động được 3 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, khiến hàng loạt sự kiện bị hủy.
Thời gian này năm ngoái, chúng tôi tham gia chương trình bế giảng tại các trường học ở nhiều địa phương. Thời điểm đó, ngày nào tôi cũng kín lịch, kể cả cuối tuần đi diễn trên đường phố, nhà hàng. Lương thưởng vài triệu một ngày là chuyện bình thường.
Để duy trì hoạt động của CLB, tôi cùng một số thành viên tự quay video đăng lên mạng xã hội, dạy ảo thuật, bán trang phục hóa trang...
Không phải ai cũng may mắn kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để đợt hè tới đây chúng tôi có thể quay trở lại công việc bình thường.
Theo Nhóm phóng viên/ Zing