Là một người đặc biệt yêu thích thiên nhiên, nhất là núi rừng Tây Bắc, phượt thủ Hachi (tên thật là Ngô Huy Hoà, tác giả của sách Bước chân Việt Nam - 4 cực 1 đỉnh) đã có rất nhiều chuyến lên núi, có thể nói là đặt chân đến hầu hết các đỉnh núi cao trên lãnh thổ Việt Nam. Đi nhiều nên khó khăn gặp phải cũng không ít, nhất là nhiều vùng núi phải tự khám phá với lượng thông tin ít ỏi.
Hành trình khám phá đỉnh núi Nam Kang Ho Tao, một hiểm địa của tỉnh Lai Châu là một chuyến đi "nhớ đời" đối với phuợt thủ Việt này. Đây là vùng núi hiểm trở và bí hiểm tới mức dân bản địa cũng chưa bao giờ đặt chân tới. Và sau 3 ngày băng rừng rậm, núi cao, nhóm của Hachi cũng chạm tới đỉnh.
"Niềm vui chinh phục chưa được bao lâu thì ngay sau đó tất cả đã bị cuốn trôi. Cơn mưa đá quá dữ và đến bất ngờ. Sấm chớp và mưa giông như xé toạc đêm đen. Mưa đá trên đầu, chông nhọn dưới chân quả thực là ác mộng. Khi những thân trúc được phát lối lúc lên cũng trở thành bẫy tử thần, tôi những tưởng mình thủng đùi khi ngã. Dù quen đi rừng nhưng anh chàng người Mông đi cùng vì quá hoảng loạn đã bỏ nhóm tôi lại phía sau..." - Hachi nhớ lại.
|
Hachi bắt đầu hành trình leo núi gian nan khi chinh phục Pu Si Lung - nóc nhà vùng biên giới. |
Chuyến đi đó, ai cũng ướt toàn bộ tư trang và tả tơi khi xuống điểm trú. Đêm đó, họ dựa lưng nhau và ngồi chống mưa đợi trời sáng. Hành trình trở về với những dòng suối no nước, ghềnh thác hiểm nguy sau mưa bão khiến đây là một trong những kỷ niệm nhớ đời với anh.
Anh nói, với những người yêu thích khám phá thiên nhiên thì thời tiết là yếu tố quan trọng trong mỗi chuyến đi phượt. Mùa mưa lũ, bạn sẽ thấy những dòng suối trở nên dữ dội và khu rừng trở thành nơi trú ngụ của nhiều loài ký sinh như rắn, rết, vắt... Mùa đông và xuân mới chính là thời điểm thích hợp cho việc đi rừng, leo núi. Lúc này trời khô ráo, khí hậu lạnh cũng khiến bạn đỡ mất sức hơn khi vận động nhiều.
Lần khác, hành trình leo nóc nhà vùng biên giới - đỉnh Pu Si Lung cao 3076 mét ở Lai Châu, nơi án ngữ biên cương của Tổ quốc cũng là trải nghiệm không thể nào quên. Đây là hành trình leo núi đường trường đầy hiểm nguy với hơn 40 km dọc biên giới Việt - Trung. Dù đã được 2 chiến sĩ biên phòng dày dặn kinh nghiệm dẫn đi nhưng anh vẫn không tránh khỏi sự cố. Đó là khi đã đánh rơi nước uống dự trữ trong hành trình cuối lên đỉnh. Nhóm đã phải chia sẻ từng giọt nước và mút lá cây để cầm cự. Thêm nữa, những tiếng động lạ trong rừng đêm đã khiến đôi chân bước đi trong hoảng sợ.
"Giữa lúc bụng đói, miệng khát, đang lết từng bước rệu rã trong đêm tối, âm thanh gầm gào vang vọng từ nơi từng xảy ra tai nạn hổ cắn người khiến chúng tôi hoảng sợ thật sự" - phượt thủ từng có kinh nghiệm đi rừng kể lại.
Lúc này, thành viên dẫn đường kiêm cán bộ biên phòng tên Kiên chạy về thông báo bằng vẻ hớt hải, rằng hổ đang đi tìm mồi và thúc bách cả nhóm nhanh chân hơn. Rừng rậm cản lối khiến khó khăn gấp bội
Theo sự chỉ dẫn, đoàn đi tới một bãi đất trống, nơi từng làm điểm cắm trại nghỉ qua đêm. Người dẫn đoàn kể lại chính nơi đây cách đây 3 năm đã xảy ra vụ hổ cắn chết một người đi rừng. Câu chuyện khiến cả đoàn càng thêm quyết tâm đi nhanh hơn nữa. Tới khi về lại mốc 42 an toàn, ai nấy mới thở phào nhẹ nhõm.
Hachi bảo, càng đi nhiều, anh càng cẩn trọng trong các hành trình mạo hiểm. Lúc nào cũng định vị điểm đến với thiết bị đầy đủ. Ngoài ra việc xin giấy phép chính quyền và biên phòng, tìm dẫn đường người địa phương là điều kiên quyết phải có. Anh không thích đi đông nhưng đặc biệt luôn có những người bạn đồng hành cùng chí hướng. Quan niệm của Hachi là trải nghiệm hết mình nhưng không tự đưa mình vào thế khó.
Mưa đá, lạc đường không chùn bước chân
Còn đối với Đức Lê (Trưởng nhóm leo núi Việt Trekking, hiện là hướng dẫn tour chuyên nghiệp), những chặng đường mà anh đã đi qua, có một trải nghiệm khiến anh không bao giờ quên được là chuyến leo núi Nhìu Cồ San ở Lào Cai.
Đó là những ngày mù sương của mùa đông lạnh giá, anh và những người bạn lên kế hoạch thật kỹ lưỡng nhưng vẫn không tránh khỏi những sự cố mà nó chỉ có thể phát sinh trong hành trình và hoàn toàn không lường tới, chỉ có thể ứng biến theo kinh nghiệm từng trải.
Trước khi tới thôn Nhìu Cồ San - một địa điểm gần khu vực biên giới Việt - Trung, đồ cá nhân lẫn đồ dùng, thực phẩm cho hành trình đều đã được chuẩn bị đầy đủ. Trước đó, nhóm đã liên hệ với một anh là người dân bản địa để dẫn đường chinh phục ngọn núi này.
Nhưng sự cố đến ngay từ ban đầu khi anh này báo là bận, không dẫn đi được. Nhóm đã phải tìm người trong bản.
"Loanh quanh một lúc, cuối cùng cũng tìm được hai thanh niên độ tuổi 9X nhưng không nói sõi tiếng Kinh. Và đó quả thật là một hạn chế đã khiến cho chúng tôi rơi vào một tình huống khá nguy hiểm - đó là đi lạc đường" - Đức Lê kể.
Trước đó, họ đã trao đổi rất kỹ về cung đường và ngọn núi mình cần lên, hai thanh niên khẳng định là biết đường nên nhóm tin tưởng và giao phó hết trách nhiệm dẫn đường. Khi hai thanh niên dừng lại ở một điểm sát vách núi và nói đợi xác định lại đường, lúc đó cả nhóm mới biết đã đi nhầm đường. Lúc này, mọi người có chút hoảng loạn.
Sau đó, họ đã tìm được một lối ra trong đoạn rừng rậm rạp để đi trở về phía đường mòn cho đúng hướng. Nhưng lối ra này lại rất khó khăn khi phải bám cheo leo trên những vách đá mà bên dưới là vực sâu, chỉ một chút lơ đãng thiếu tập trung là có thể bỏ mạng ngay.
"Chúng tôi phải xuyên qua những cây gai bụi rậm rạp, cào xước tay và rách cả quần áo. Cứ đi một đoạn là lại phải dừng để xem hướng đi có khả quan không. Trời đã bắt đầu dần tối mà lối ra tới đường mòn vẫn chưa thấy đâu. Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ nghỉ lại tại một hốc đá khá nhỏ, chỉ vừa chỗ ngồi cho vài người và để tránh gió và tránh sương trong đêm" - Đức Lê kể.
Sau khi lên lửa và chuẩn bị cho bữa tối, cả nhóm cùng nạp năng lượng sau một buổi chiều vất vả vì phải đối mặt với tử thần trên những vách đá hay những đoạn rừng rậm đầy gai bụi. Họ chìm vào giấc ngủ giữa rừng sâu hoang vắng, âm u và tĩnh mịch.
Khi trời sáng, ánh nắng xuyên qua những tầng cây tán rộng và chiếu rọi báo hiệu một ngày mới đẹp trời, người dẫn đã định hình được đường và dẫn cả nhóm quay trở lại con đường mòn để đi lên núi. "Chúng tôi trở về trong niềm hân hoan, nhưng mỗi khi nhớ lại đoạn đường mình đi lạc thì không khỏi run sợ thoáng qua" - anh chia sẻ.
Không thể kể hết được những trải nghiệm mà mỗi chuyến đi mang lại, Đức Lê muốn nhắn gửi một thông điệp tới các bạn trẻ đang có kế hoạch chinh phục những ngọn núi cao hoang vu hiểm trở, đó là hãy biết tự lượng sức mình để thức thách bản thân, trang bị cho mình những kiến thức và những kỹ năng cần thiết để đối mặt với hiểm nguy. Đừng dại dột tham gia khi không có kiến thức và giao phó tính mạng cho người khác.
Những ngày qua, khi câu chuyện về phượt thủ người Anh bị phát hiện đã tử nạn khi leo núi tại Sa Pa đã khiến những người yêu thích khám phá những vùng núi quan tâm. Cũng như nhiều phượt thủ khác, Dương Lee (kỹ sư xây dựng) - một người đam mê phượt và leo núi vẫn thầm cầu nguyện cho Aiden, nhưng phép màu không tới.
"Khi nghe được thông tin cuối cùng về Aiden, tôi rùng mình nhớ lại những gì đã xảy ra với mình, mọi chuyện vẫn rõ ràng như khi tôi ngồi thụp xuống chấp nhận lưỡi hái của tử thần" - Dương Lee bàng hoàng nhớ lại.
Đó là câu chuyện của đầu năm 2014, khi Dương Lee và 3 người bạn đang trên hành trình chinh phục đỉnh Kỳ Quan San (dãy Bạch Mộc Lương Tử - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai).
"Khi đang lưng chừng vách núi, tôi nghe từ xa có tiếng rào rào như thác đổ. Cũng là dân miền núi, tôi phán đoán không thể là lũ quét vì đâu có dấu hiệu của mưa đầu nguồn? Trời thì tối sầm lại. Chưa kịp định thần thì mưa đá rào rào đổ xuống" - Dương Lee kể.
Lúc này, chú Páo dẫn đường cùng với hai người bạn của Lê đã vượt qua được 1 sống núi nhỏ, bên đó có vẻ đứng chắc chân hơn. Còn lại bên này, Lê và một người nữa lập tức lấy áo mưa ra bọc hết đồ đạc lại, tay bám chặt nhành cây, chân nương vào kẽ đá nhưng cũng không ăn. Gió vẫn gào rít, từng hạt mưa lạnh ngắt như những mũi dùi liên tiếp chọc vào đầu, vào vai, vào lưng. Lúc này Lê đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất, anh nhớ những người thân và tự dằn vặt mình đang làm gì ở đây?
Cũng may, cơn mưa đá tạnh sau khoảng gần 1 giờ đồng hồ, cả nhóm rã rời lết về lán nghỉ. Chú Páo nói rằng sợ nhất là sạt lở hoặc có đá rơi từ trên xuống.
"Khi đứng trước lằn ranh giới của sự sống và cái chết, thứ quý giá nhất đối với tôi đó là gia đình. Khi dấn thân vào một cuộc chơi để thỏa mãn giới hạn của bản thân, hãy chấp nhận rằng rủi ro luôn tiềm tàng đâu đó. Vậy nên hãy trang bị cho mình những gì cần thiết nhất, là kỹ năng, là trang thiết bị... để mỗi cuộc chơi là một cuộc vui" - Dương Lee chia sẻ.
>>> Mời quý độc giả xem video Chụp ảnh tự sướng hài hước (nguồn Youtube):
Theo Dân Việt