Vừa trở về sau chuyến đi Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm cùng hội bạn, Tuấn Phong (24 tuổi, Hà Nội) cho biết đây là kỳ nghỉ du lịch đầu tiên của anh sau nhiều tháng chôn chân ở nhà.
“Thông thường, cứ thích và đủ tiền, xếp được thời gian là mình đi chứ không nhất thiết phải chờ đến dịp lễ được nghỉ. Cả nhóm chọn đi vào ngày thường cũng vì muốn tránh cảnh đông đúc, còn bản thân mình hiếm khi du lịch vào dịp nghỉ lễ”, Phong nói với Zing.
Chuyến đi được lên kế hoạch trước ngày xuất phát 3 tuần.
|
Tuấn Phong (ngoài cùng bên trái) chủ đích đi né kỳ nghỉ lễ từ đầu.
|
“Chuẩn bị từ sớm, cả hội có nhiều lựa chọn về chỗ ở cho nhóm đông người. Duy có mình đặt vé máy bay muộn hơn vì gần ngày mới chắc chắn đi nên chi phí di chuyển không tiết kiệm được mấy. Nhưng so với thời điểm lễ, mình thấy đây vẫn là mức giá ‘mềm’ hơn rất nhiều”, Phong nói thêm.
Giống với Phong, nhiều bạn trẻ chọn đi du lịch sớm trước dịp 30/4-1/5 bởi nhiều lý do như công việc riêng bận rộn, tiết kiệm chi phí hoặc do muốn né cảnh tượng du khách đông đúc, chen lấn thường thấy vào dịp cao điểm nghỉ lễ.
Tránh cảnh đông đúc
Ngay từ đầu, Phương Ngân (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng) chọn phương án du lịch tránh 4 ngày lễ. Cô chọn đi Quy Nhơn một tuần trước dịp 30/4-1/5.
|
Phương Ngân chọn Quy Nhơn làm nơi dẫn cả gia đình đi chơi bởi bớt xô bồ, đông đúc hơn các thành phố du lịch nổi tiếng.
|
“Lần này, mình dẫn bố mẹ và người thân nghỉ ngơi, tham quan cảnh biển với thưởng thức đồ ăn ngon địa phương là chính. Cả ba đều đã lớn tuổi nên thích đi chơi thong thả, thư thái. Bản thân mình không hợp kiểu du lịch 'bụi', không thích di chuyển nhiều. Mình chỉ chọn đến vài nơi đặc sắc nhất, chứ không cố chỗ nào cũng phải đi bằng được. Quy Nhơn do đó là lựa chọn hợp lý bởi bớt đông đúc hơn so với Đà Nẵng, Phú Quốc, các điểm tham quan không cách nhau quá xa”, Ngân kể.
Theo Ngân, việc du lịch vào ngày thường có ưu điểm lớn là tiết kiệm được các khoản vốn chiếm nhiều tiền nhất trong chuyến đi.
“Các loại chi phí liên quan đến di chuyển, lưu trú ở mức phải chăng và có nhiều lựa chọn.
Mình ‘book’ được phòng view đẹp, vị trí trung tâm và ngay đối diện bãi biển. Nếu đi đúng dịp lễ, khả năng cao sẽ khó đặt bởi tình trạng ‘cháy’ phòng.
Đi sớm, tính ra tiền vé mình tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng/người, tiền khách sạn khoảng hơn 1 triệu đồng/người", Ngân cho hay.
Theo cô, chuyến đi thực tế khá giống với tưởng tượng và dự định ban đầu.
Phố xá Quy Nhơn đông vui nhưng ở mức vừa phải, đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như Kỳ Co, Eo Gió, cả nhà vẫn dễ tham quan, thoải mái chụp ảnh check-in mà không phải chen lấn.
Đi chơi trước vì phải làm việc vào dịp lễ
Từng nhiều lần đến Đà Lạt, Phạm Ngọc Ánh (25 tuổi, quận Cầu Giấy) vẫn quyết định quay trở lại “thành phố ngàn hoa” cho chuyến du lịch đầu tiên sau khi các hạn chế đi lại trong nước không còn.
Vì công ty vẫn duy trì làm việc vào ngày lễ, Ánh không nghỉ lễ 30/4-1/5 theo lịch giống số đông.
“Những ngày đó, đồng nghiệp ai cũng có kế hoạch riêng, muốn nhờ người làm thay cũng khó. Do đó, du lịch sớm là lựa chọn thoải mái, bớt cập rập”, Ánh chia sẻ.
Đổi lại, cô phải dùng đến số ngày phép trong năm.
“Mình bắt đầu đi từ cuối tuần và xin nghỉ 2 ngày đầu tuần. Khâu thu xếp công việc trước khi nghỉ cũng không vất vả lắm. Mình nhờ đồng nghiệp phụ trách thay ca của mình và về sẽ làm bù lại”, Ánh cho biết.
Lần này, Ánh không lên kế hoạch cụ thể từng ngày đi chơi những đâu, chỉ đặt vé trước 2 tuần.
“Mình chọn đi Đà Lạt một phần vì vào thăm gia đình người yêu, một phần vì miền Bắc đang bước vào mùa hè nóng bức nên mình muốn đến nơi mát mẻ”, Ánh kể.
|
Ngọc Ánh cho biết số lượng du khách đến Đà Lạt tuy vẫn đông nhưng chưa thể bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
|
Cô chọn một resort ở xa trung tâm để nghỉ dưỡng, đến khi đi chơi mới di chuyển vào khu trung tâm.
Theo quan sát của Ánh, Đà Lạt gần như đã hồi sinh như trước khi xảy ra các đợt dịch. Các quán ăn nhà hàng nổi tiếng dần đông khách trở lại.
“Trước khi đi, mình không kỳ vọng Đà Lạt vắng vẻ, ít người du lịch. Thực tế, du khách đổ về vẫn tấp nập, huyên náo. Nhưng so với thời điểm cuối tuần bình thường, hiện tại lượng người vẫn đang vắng hơn rất nhiều”, cô cho hay.
Còn trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, Ánh dự tính dành 4 ngày cho gia đình hoặc tụ tập cà phê cùng bạn bè. "Nếu được nghỉ, mình cũng chỉ chọn địa điểm gần Hà Nội như các khu nghỉ dưỡng ngoại thành".
Du khách đông hơn tưởng tượng
Ấp ủ cho kỳ nghỉ đến Mộc Châu cùng bạn thân từ năm ngoái, song một tuần trước kỳ nghỉ lễ cuối tháng 4, Lê Đỗ Kiều Trang (24 tuổi, Cầu Giấy) mới thực hiện được.
"Mộc Châu cách Hà Nội không quá xa, mất khoảng 4 tiếng di chuyển, mình tận dụng 2 ngày cuối tuần nên không ảnh hưởng đến công việc", cô cho biết.
Thông thường, Kiều Trang rất hạn chế đi chơi xa đúng dịp lễ.
|
Nhờ đặt phòng sớm và chủ đích đi né dịp lễ, Kiều Trang không tốn quá nhiều tiền cho chuyến đi Mộc Châu.
|
"Bản thân mình không thích cảnh tượng đông nghẹt người đổ tới một địa điểm hay phải chờ đợi lâu ở sân bay, khách sạn. Bên cạnh đó là nỗi lo các dịch vụ sẽ quá tải, không tốt như ngày thường.
Ngoài ra, giá cả cũng là một vấn đề đáng cân nhắc. Mình từng du lịch đúng dịp 30/4-1/5 một lần vì được nghỉ dài ngày nhưng giá phòng, tiền vé máy bay đều tăng gấp 1,5 lần", Trang chia sẻ.
Ví dụ, ở Mộc Châu, Trang mất khoảng hơn 2 triệu đồng tiền khách sạn cho 2 ngày 1 đêm, đã kèm với tiền thuê xe limousine di chuyển 2 chiều.
Mức giá này được cô đánh giá là rẻ, có được nhờ "book" phòng sớm, cách ngày đi khoảng 2-3 tuần.
Với cùng hạng mục phòng ốc và tiện nghi đó, số tiền phải trả khi đặt vào kỳ nghỉ lễ đã tăng lên mức 3-4 triệu đồng cho một đêm và rất nhanh hết chỗ.
"Hiện tại, dù đã tránh dịp lễ, các điểm đến nổi bật nhất tại Mộc Châu vẫn đông người tham quan hơn so với mình nghĩ ban đầu. Mình nghĩ do giờ số đông có tâm lý vui chơi bù khi các địa phương phục hồi lại du lịch", cô nói.
Giống với Ngọc Ánh, Kiều Trang dành phần lớn thời gian trong đợt nghỉ 4 ngày sắp tới để ở nhà hoặc đến một số khu vui chơi trong thành phố như sở thú, trung tâm thương mại.
Theo Zing