Kết thúc các hoạt động trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ireland, hôm nay (4/10), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Dublin lên đường tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron.
Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, cộng đồng Pháp ngữ (OIF) đã từng bước chuyển mình, trở thành một không gian chính trị - kinh tế - văn hóa đa dạng, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới. Ðến nay, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã trở thành mái nhà chung của 88 thành viên và quan sát viên, hiện diện tại 5 châu lục. Tính đến tháng 3/2023, với 1,2 tỷ người, cộng đồng Pháp ngữ chiếm 16% dân số thế giới và 16,5% tổng tài sản được tạo ra trên toàn cầu.
Việt Nam gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật - tiền thân của cộng đồng Pháp ngữ (OIF) năm 1979. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định, những năm qua, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF), Chủ tịch Hội nghị cấp cao Pháp ngữ... Những vị trí quan trọng mà Việt Nam đảm nhiệm thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng đối với Việt Nam cũng như uy tín của Việt Nam trong cộng đồng. Đối với Việt Nam, việc tham gia OIF là một trong những cầu nối, cánh cửa mở ra thế giới. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị cấp cao Pháp ngữ.
Đặc biệt, năm 1997, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á. Đây là Hội nghị quan trọng, hoàn tất quá trình phát triển về thể chế của Cộng đồng Pháp ngữ với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ và bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Pháp ngữ, đồng thời cho ra đời ý tưởng Pháp ngữ kinh tế như một trụ cột hợp tác quan trọng trong không gian Pháp ngữ. Điều này đặt dấu ấn cho con đường hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam thông qua các hoạt động hợp tác chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa và ngôn ngữ với Cộng đồng Pháp ngữ.
Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại chính thức 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF, trong đó có 12 quốc gia tại khu vực châu Âu - châu Mỹ, 32 quốc gia tại khu vực châu Phi. Trải qua các khó khăn của giai đoạn Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu có bước tăng trưởng nhảy vọt trong năm 2021 và đạt mức cao nhất năm 2022 với hơn 36 tỷ USD. Tính đến hết tháng 6/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều với các nước thành viên của OIF đạt 16,8 tỷ USD, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm 2023. Về đầu tư, tính đến hết tháng 6/2024, có 21/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 1772 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 17 tỷ USD, chiếm 3,42% tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực góp phần vào việc củng cố và phát triển Cộng đồng theo hướng: Bảo vệ và tăng cường tình đoàn kết Pháp ngữ - truyền thống quý báu của Cộng đồng, bảo đảm hài hòa các định hướng phát triển cơ bản của Cộng đồng trên lĩnh vực chính trị, văn hóa và kinh tế. Việt Nam chủ trương tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều hoạt động theo hướng: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách nhất quán và lâu dài của Việt Nam đối với cộng đồng Pháp ngữ; Tham gia và đóng góp chủ động, tích cực vào hoạt động chung của cộng đồng Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển tại các nước thành viên; Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức của cộng đồng Pháp ngữ phát triển hoạt động hợp tác tại Việt Nam.
Đặc biệt, tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18, Đoàn Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào quá trình thương lượng các văn kiện, đồng thời thúc đẩy nhiều nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Qua nhiều vòng thương lượng, Việt Nam đã thành công đưa nội dung về giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông vào Nghị quyết về tình hình khủng hoảng và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ. Ngoài nội dung về Biển Đông, Việt Nam cũng thúc đẩy thành công việc đưa vào Tuyên bố Giéc-ba nội dung ghi nhận việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm là “Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh”, đây là sáng kiến ta đưa ra tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 năm 2020.
Về phía các nước Pháp ngữ, nhiều nước coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, khâm phục tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam, và ngày nay là tấm gương thành công trong xóa đói nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Các nước mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội với Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một đối tác tin cậy, tiềm năng và quan trọng
Triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào sự phát triển của cộng đồng. Trên cơ sở nền tảng vững chắc mà hai bên cùng vun đắp, Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài, bền vững trong thời gian tới.
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa khẳng định sự tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức, đóng góp vào một tương lai “hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững”, như mục tiêu mà Hội nghị cấp cao Pháp ngữ hướng tới. Đồng thời, tiếp tục khẳng định những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam thời gian qua.Trên cơ sở nền tảng vững chắc mà hai bên cùng vun đắp, Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài, bền vững trong thời gian tới.
Theo Việt Cường/VOV