Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 23/11, tại Nhà Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH. |
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là luật khó, phức tạp, chuyên sâu, có tầm ảnh hưởng lớn, vì vậy, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là rất đáng trân trọng, sẽ được tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, hoạt động tuân thủ theo các pháp luật về doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng cũng là trung gian tài chính, huy động tiền của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác để cho vay. Vì thế, các tổ chức tín dụng cũng phải hoạt động tuân thủ theo các quy định để đảm bảo kiểm soát rủi ro, tuân thủ các giới hạn an toàn. Luật Các tổ chức tín dụng này sẽ có những quy định đảm bảo giới hạn an toàn để kiểm soát rủi ro.
Trong dự thảo luật này, có nhiều quy định được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đặc biệt là những nội dung nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, để hạn chế lạm dụng quyền của cổ đông lớn.
Dự thảo luật bổ sung yêu cầu trách nhiệm, các giải pháp từ chính các cổ đông của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức này gặp vấn đề; trách nhiệm của những người tham gia hội đồng quản trị và ban điều hành của tổ chức tín dụng. Cùng với đó, minh bạch hóa thông tin trong hoạt động điều hành, công khai thông tin về tỷ lệ của các cổ đông nắm giữ từ 1% trở lên…
Qua nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số vấn đề trong dự thảo luật vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đây là những vấn đề lớn, cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn.
Bởi vậy, việc Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp này là cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở Kỳ họp sau.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với ý kiến đóng góp của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu, giải trình đầy đủ, báo cáo Chính phủ để Chính phủ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp sau.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến đại biểu thống nhất cơ bản với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật. Đồng thời cũng phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, chỉnh sửa chi tiết hơn, đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn nhằm nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, tính khả thi của các quy định trong luật, tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ý kiến của các đại biểu sẽ được tiếp thu tối đa, dự thảo luật sẽ được hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất.
>>> Mời quý độc giả xem video: Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) đánh giá về cách thức phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 giống như “nhiệt kế” đo sự quan tâm của đại biểu với những vấn đề “nóng”:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan