Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
|
Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Ảnh: QH. |
Kết quả, có 464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,93%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Trước đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Báo cáo, giải trình về tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 2), ông Thanh nêu rõ, TPHCM là đô thị đặc biệt nên việc triển khai thực hiện dự án đều có chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lớn.
Do đó việc cho phép Hội đồng nhân dân thành phố được xem xét, quyết định việc tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với các dự án đi qua địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, chi phí giải phóng mặt bằng có thể không cao nhưng do lưu lượng xe thấp, nếu áp dụng theo cơ chế đặc thù cho TP HCM thì sẽ không bảo đảm được phương án tài chính cho dự án. Tuy nhiên, tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết đã quy định rõ mức tối đa của từng Dự án. Do đó, UBTVQH xin giữ như dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 70% hoặc 80% tổng mức đầu tư để bảo đảm phương án tài chính cho các khu vực khó khăn, lưu lượng xe thấp cần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.
UBTVQH xin tiếp thu, theo báo cáo của Chính phủ các dự án PPP đề xuất thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết đã hoàn thiện theo hướng cho phép tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 2 dự án theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết.
Về cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ (Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư các dự án giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Nghị quyết đã quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 giao UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức được giao triển khai thực hiện dự án theo pháp luật về xây dựng.
Về dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5.
Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sau về số vốn cần bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đối với chủ trương đầu tư của dự án và tỉ lệ cụ thể vượt quá quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Đầu tư công.
Đồng thời, gắn với nội dung Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc bổ sung 63.725 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Các nội dung này, Chính phủ cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét về ngân sách và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.
>>> Mời quý độc giả xem video Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan