Đề nghị cân nhắc quy định “cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn“

Google News

Theo UB Quốc phòng - An ninh, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tài xế tuyệt đối không có nồng độ cồn trong máu, hơi thở vì “quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp”.

Sáng 10/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Điều 8 dự thảo Luật quy định 28 nhóm hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, trong số này có "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho thấy, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn như dự thảo.
De nghi can nhac quy dinh “cam tuyet doi nguoi dieu khien phuong tien co nong do con“
 Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tài xế tuyệt đối không có nồng độ cồn trong máu, hơi thở vì “quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp".
Lý do bởi quy định như vậy quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Nhóm ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…
Thảo luận tại tổ đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định cấm người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
“Quy định này rất cần thiết để hạn chế tai nạn giao thông vốn đang phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, có thể nghiên cứu mức độ sao cho phù hợp với từng loại phương tiện để phù hợp với thực tiễn", ông Thắng nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đặt câu hỏi, không biết khi quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu có nồng độ cồn thì có tham khảo kinh nghiệm quốc tế không vì quy định như vậy không thực tế. Đại biểu dẫn ví dụ ở Phần Lan, nếu uống 1 chai bia trong vòng 1 tiếng thì đảm bảo chất kích thích không còn đủ tác động và có thể điều khiển được xe. Trường hợp uống 2 chai bia thì sau 3 tiếng có thể điều khiển được xe. Trong khi ở ta thì cấm tuyệt đối.
"Tối qua chúng ta liên hoan thì sáng nay nồng độ vẫn còn và vi phạm. Cái đấy là không thực tế. Tối qua uống một chút, sáng nay họp vẫn tỉnh táo, vẫn phát biểu có làm sao đâu", ông Huân lấy ví dụ.
Đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp rượu bia, ảnh hưởng thu nhập của khu vực lao động phi chính thức. "Cấm chặt quá thì ảnh hưởng đến họ", ông Huân nói.
Ông Huân cho rằng, có thể áp dụng kinh nghiệm của Phần Lan như nêu trên; đồng thời phải quy định nồng độ cồn ở mức nào thì không được lái xe chứ không nên cấm tuyệt đối là không có nồng độ cồn. "Ta đưa nội dung cấm nồng độ cồn trước cả điều cấm về chất ma túy. Tức là ta cảnh giác với cồn ghê quá, cấm chất ma túy đưa sau, đưa cấm nồng độ cồn lên đầu tiên. Không biết mình có bị khiên cưỡng quá không", ông Huân nói.
Đại biểu Phạm Đức Ấn khi bày tỏ ý kiến cũng cho rằng nên nghiên cứu một tỷ lệ nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu của lái xe. "Không nhất thiết cứ có nồng độ cồn bị xử phạt. Luật các nước trên thế giới về cơ bản đều có tỷ lệ nhất định, ta cũng nên nghiên cứu", ông Ấn đề xuất.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ăn trái cây lên men, uống thuốc siro có “dính” lỗi nồng độ cồn?
  
Hải Ninh