Trong trái tim của nhân dân Việt Nam và người dân thế giới, Bác Hồ luôn là hiện thân của tinh thần giải phóng dân tộc với câu nói đi vào lịch sử: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Cụm từ "Việt Nam - Hồ Chí Minh" được các chính khách, nhà báo, nhà văn trên khắp năm châu nhắc tới như lời khẳng định, hình ảnh Bác Hồ luôn gắn liền với dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, với các nhà báo nước ngoài, ký ức về vị lãnh tụ của Việt Nam tới nay vẫn luôn sâu đậm.
Trong số các phóng viên nước ngoài, nhà báo Australia Wilfred Burchett được ghi nhận là phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt tại Việt Nam để viết về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập. Ông cũng từng sống cùng bộ đội Việt Nam trong rừng và trở thành người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau nhiều lần phỏng vấn và trò chuyện.
Theo báo Công an nhân dân, nhà báo Wilfred từng tâm sự, ông không bao giờ quên được lần gặp gỡ đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến khu Việt Bắc vào tháng 3/1954, trước thời điểm mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, nhà báo Australia ấn tượng sâu sắc về Bác Hồ - nhà lãnh đạo thông tuệ và giản dị của dân tộc Việt Nam.
"Nói về sự tài tình và những đức tính cao cả, tôi chưa bao giờ gặp ai như Chủ tịch Hồ Chí Minh" - Wilfred chia sẻ.
Trong bài viết của VTV, George Burchett - con trai của nhà báo Wilfred đã chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Ông George nhấn mạnh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nguồn cảm hứng của cha tôi, mà còn của rất nhiều người dân trên thế giới muốn chấm dứt chiến tranh. Tư tưởng của Bác Hồ có nhiều tác động đến cuộc sống của cha và tôi. Sau khi gặp Bác, cha tôi đã quyết định chọn Việt Nam là chủ đề chính cho những tác phẩm, công việc của mình".
Trong bài viết của báo Nhân dân, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio, nguyên phóng viên Báo "Nhân đạo" (L’Humanité) dành nhiều lời ngợi ca về vị lãnh tụ cao quý của Việt Nam. Ông cho rằng, cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo thành một tổng thể nhân cách, không thể tách rời riêng rẽ bất cứ phẩm chất đạo đức nào. Theo Alain Ruscio, là một người chân thành, khiêm tốn, không màng danh lợi, ngay cả khi đã trở thành một vị nguyên thủ quốc gia, Bác Hồ vẫn giữ phong cách sống giản dị.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn |
Theo nội dung trên báo
Công an nhân dân, nhà báo, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam (IVSC) bang Tây Bengal - Geetesh Sharma cũng có nhiều bài viết ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số các tác phẩm của mình, ông khẳng định, Việt Nam không thể giành được thành tựu cách mạng vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của các thế lực lớn như Pháp, Mỹ, Nhật nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt và vai trò cá nhân xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như các chính sách và chiến lược kiên quyết hợp lòng dân của lãnh đạo Việt Nam.
"Tôi yêu Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã từng xuống đường biểu tình phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, từng hiến máu giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Chính sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn thôi thúc tôi phải hành động vì chính nghĩa. Điều tôi ấn tượng nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là, Người luôn đặt nhân dân vào trọng tâm suy nghĩ của mình. Mục tiêu của Người không chỉ giải phóng đất nước khỏi ách thống trị ngoại xâm, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mơ ước tạo nên sự công bằng xã hội và phúc lợi cho nhân dân", nhà báo Geetesh chia sẻ.
Với tình yêu và lòng kính trọng với Bác Hồ, nhà báo Geetesh đã dành hơn chục năm sưu tầm các tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm tư liệu viết cuốn sách "Hồ Chí Minh - Vị cứu tinh của Hòa bình, Độc lập và Hạnh phúc".
"Mặc dù có Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống trong ngôi nhà sàn giản dị cho đến lúc qua đời. Người thường đi đôi dép cao su cũ và đôi dép đó đã trở thành biểu tượng của đức tính giản dị mà nhiều nhà lãnh đạo, cán bộ Đảng Cộng sản, giới tri thức và các nhà hoạt động tích cực tại Tây Bengal học tập", nhà báo Geetesh ấn tượng trước lối sống giản dị, khiêm tốn của Bác.
Nhà báo người Nga Sergei Afonin, phóng viên thường trú Hãng thông tấn Itar-Tass và báo "Sự thật đoàn viên" tại Việt Nam từ năm 1967 - 1971 cũng chia sẻ những kỷ niệm khó quên về khoảng thời gian tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Tôi may mắn được 3 lần gặp Bác Hồ vào các năm 1961, 1964 và 1969 tại Hà Nội. Ấn tượng cá nhân của tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người hết sức thông thái, nắm vững tình hình thế giới, trân trọng lý luận của Lênin và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười Nga. Tôi đã gặp vô số nông dân, công nhân, trí thức, chiến sĩ lão thành cách mạng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Việt Nam. Qua những cuộc tiếp xúc với họ, tôi mới cảm nhận được tình yêu và sự kính trọng từ trong lòng mình của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với lãnh tụ của mình. Đối với họ, Bác Hồ là một người thông thái nhưng giản dị, bằng cả trái tim mình lo cho đồng bào và vận mệnh nước nhà", nhà báo Sergei chia sẻ.
Tâm Anh (TH)