Về kết quả công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tỉ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.
Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.
Đối với tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tiếp tục tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động phạm tội trên mạng để nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa.
Tăng cường kiểm tra, rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật, các nguy cơ gây mất an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng tiếp tục tăng cao, nhất là hành vi đánh bạc qua mạng, mua bán, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân; số vụ được phát hiện 203,61%.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thời gian tới Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ.
Tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống tội phạm...
Nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới
Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho biết, năm 2023, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm.
|
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo trước QH. Ảnh: QH. |
Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước,...
Trong bối cảnh đó, toàn ngành KSND đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022).
Về khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án theo thủ tục sơ thẩm: 12.159 vụ án hành chính, tăng 0,9%, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp; 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7%), nổi lên là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng dân sự cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.
Đơn cử, theo luật thì Viện Kiểm sát nhân dân phải thực hiện thêm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đến công an cấp xã, phường. Có hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã nhưng viện kiểm sát không có cấp xã nên áp lực rất lớn với ngành kiểm sát.
Hiện nay, biên chế giữa Điều tra viên ngành Công an với Kiểm sát viên chênh lệch rất lớn; số lượng công chức có chức danh tư pháp, Kiểm sát viên các ngạch của VKSND các cấp chưa đủ về số lượng để đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc hằng năm tăng thêm, đã tạo áp lực và khó khăn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội có cơ chế kiểm soát ban hành văn bản quy phạm dưới luật chặt chẽ hơn, xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) đánh giá về trả lời chất vấn của các bộ trưởng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.