Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Nghiên cứu KHCN cần cơ chế đặc thù hơn

Google News

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ ngân sách nhà nước.

Sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Trả lời câu hỏi chất vấn về cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến thanh quyết toán, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, việc chi tiêu thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải tuân thủ Luật Kế toán, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu.
Bo truong Huynh Thanh Dat: Nghien cuu KHCN can co che dac thu hon
 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Thời gian qua, dù đã có thông tư liên tịch quy định về việc khoán chi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, qua đó đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi của Kho bạc nhà nước, nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí của các Bộ, các ngành, đơn vị chủ trì. Nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh, thực chi hợp pháp cho các nội dung thanh toán, phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu, mua sắm, phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng ngân sách nhà nước. Đó là nguyên nhân dẫn đến có lúc, hồ sơ thanh toán, quyết toán lại nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ khoa học.
Bộ trưởng cho biết, về bản chất, trong khi hiệu quả hoạt động nghiên cứu có độ trễ, chưa được chứng minh ngay, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ còn có nhiều yếu tố vô hình, khó lượng hóa, đánh giá rõ ràng thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan nhà nước khi xem xét hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước vẫn gắn với việc kiểm soát tính đầy đủ của chứng từ chi tiêu. Trong thực tế, dù Kho bạc nhà nước không thực hiện kiểm soát chi, nhưng khối lượng các chứng từ chi tiêu, đấu thầu, mua sắm mà tổ chức chủ trì phải lưu giữ để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra gần như không thay đổi so với khi sử dụng phương pháp khoán chi từng phần.
Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập này, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ ngân sách nhà nước. Nếu không làm được điều này thì sẽ khó có được cơ chế tài chính thực sự đơn giản hóa để “cởi trói” cho các nhà khoa học trong việc thực hiện thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ của mình.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 27 liên quan đến khoán chi, nghiên cứu kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95, đề xuất các quan điểm nhằm giải quyết căn cốt các nội dung này trong đề xuất sửa đổi Luật Khoa học công nghệ trình Quốc hội trong thời gian sắp tới. Bộ cũng đang rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia, để đảm bảo sự công khai, minh bạch.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) đánh giá về trả lời chất vấn của các bộ trưởng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện:
 
Thiên Tuấn