3 anh em “người cá” tủi nhục như bóng ma làng

Google News

(Kiến Thức) - Mỗi tuần lớp da đều đóng vảy cá rồi tự lột như da rắn, rơi lả tả, mùi hôi bốc lên... Ba anh em trai bị người làng miệt thị khiến họ nhiều lúc muốn tìm đến cái chết.


Những “bóng ma sống" của làng

Suốt trong thời gian dài, người dân làng Hữu Chung (xã Hồng Quang, Thanh Miện, Hải Dương) miệt thị 3 anh em trai Trương Văn Đô, Trương Văn Phô và Trương Văn Tô giống như ma quỷ ám và lảng tránh mỗi khi vô tình gặp ngoài đường. Khi chúng tôi nhờ người dân đưa vào nhà anh Đô, ai nấy đều lắc đầu quầy quậy, họ chỉ dám đứng đằng xa chỉ vào nhà ba anh em ở cuối làng.

Nhà ba anh em họ Trương dựng cạnh nhau. Khi chúng tôi bước vào nhà anh Đô, nhiều người hàng xóm đứng xa nhìn ngó, họ tò mò chắc bởi lâu lắm rồi mới có khách đến nhà anh em họ Trương chơi. 

Anh Trương Văn Đô tâm sự: "Bố mẹ tôi sinh được 7 người con, trong đó có 3 người con trai đều bị mắc chung căn bệnh lạ lùng, da liên tục đóng vảy như vảy cá, dày như chai sạn, nhưng cứ hết một tuần lại lột da một lần, da bong tróc như da rắn, có thứ mùi rất khó chịu. Chúng tôi đều mắc bệnh bẩm sinh”.

Như để chứng minh lời mình, anh Đô cởi phăng áo, để lộ trên khắp cơ thể anh các lớp da bị tróc ra, rơi xuống, hết lần này tới lần khác khiến màu da cũng trở nên khác lạ. Kể về những đau khổ do bệnh tật mang lại, người đàn ông trạc 50 tuổi này rơi nước mắt: “Căn bệnh này đã khiến cuộc sống 3 anh em chúng tôi bị tách biệt ra khỏi xã hội, người ta nhìn chúng tôi như quái vật, chẳng khác nào những bóng ma của làng, chẳng ai thèm bắt chuyện.

 Anh Trương Văn Đô với căn bệnh bong tróc da.

Suốt thời gian đi học thủa thiếu thời, một mình tôi ngồi một bàn, không bạn bè nào chơi cùng. Học hết lớp 7/9 tôi xin nghỉ học vì cảm thấy tự ti. Đến tận bây giờ người trong làng vẫn không dám đến gần. Đi ăn cỗ, họ mời lấy lệ, khi muốn giúp họ làm cỗ, người ta sợ không cho làm, ăn cỗ họ cũng không dám ngồi gần, một bàn ăn chỉ 3 anh em ngồi, nhiều khi nghĩ tủi thân lắm.

Mẹ tôi kể lại, có đưa anh em lên bệnh viện Bạch Mai chữa bệnh nhưng không khỏi, lúc về đi qua cầu Long Biên, bố tôi đã bàn với mẹ vứt anh em chúng tôi xuống sông để cho đỡ khổ và đỡ bị dân làng dị nghị nhưng mẹ tôi kiên quyết phản đối”.

“Cuộc sống bệnh tật, sự xa lánh của người đời khiến ba anh em chúng tôi lớn lên trong sự lặng lẽ, ít tiếp xúc với người ngoài. Sự kỳ thị đến mức, khi lớn lên dù muốn lấy vợ trong làng mà không ai dám gả con gái cho. Khi đi tìm hiểu ai cũng chê, nhiều người còn nói thẳng mặt “đũa mốc lại chòi mâm son” khiến ba anh em về ôm nhau khóc”, anh Trương Văn Tô tiếp lời anh trai.

Không ngờ lấy được vợ

Đến giờ ngồi trò chuyện với chúng tôi, ba anh em họ Trương vẫn không ngờ mình sẽ lấy được vợ.

“Trước đây, khi tôi đến tuổi 24, bạn bè bằng tuổi ai cũng có vợ con đề huề nhưng 3 anh em chúng tôi vẫn đơn thân lẻ bóng, bởi người đời miệt thị, ai dám lấy mình. Nhiều lúc ngồi với nhau, ba anh em đều ước lấy được vợ nhưng đều vô vọng, vì đi đến đâu cũng bị xua đuổi như đuổi tà. Lúc đó, tôi bảo với các em mình cứ sống thật tốt để bà con làng nước thấy mình xấu người nhưng không xấu tính, sẽ có cơ hội lấy được vợ”, anh Đô kể lại.

Hạnh phúc tưởng như khép lại nhưng chính suy nghĩ chứng minh mình là người tốt đằng sau thân hình “quỷ ám” ấy đã khiến 3 anh em họ Trương lần lượt tìm được hạnh phúc.

Nhận thấy anh Đô là người tốt, cả cuộc đời khổ sở do bệnh tật, chị Trần Thị Toàn, người con gái làng bên đem lòng yêu mến. Năm 1985, đám cưới nhỏ bé nhưng hạnh phúc của anh Đô đã là động lực khiến các anh Phô và Tô vững tin đi tìm hạnh phúc cho riêng mình.

 Hạnh phúc lớn nhất của mấy anh em là các con họ không bị bệnh.

Chị Toàn chia sẻ: “Hồi đó, biết anh Đô mắc bệnh lạ đến nhà tôi để xin lấy tôi làm vợ, gia đình tôi cương quyết phản đối nhưng tôi thấy anh ấy là người tốt nên quyết tâm làm vợ anh ấy”.

“Khi cả 3 anh em đều có mái ấm gia đình thì lại có thêm những lo lắng khác, đó là việc sinh con liệu có mang bệnh giống mình. Khi tôi sinh con, tôi mới hiểu hành động của bố tôi. Tôi đã nghĩ đến việc cùng chết với con nếu con cũng mắc bệnh này. Nhưng may mắn là các con đều không bị bệnh”, anh Đô mừng mừng tủi tủi.

Có vợ, có con, anh Đô khao khát muốn thoát khỏi kiếp bệnh tật, anh quyết tâm tìm thầy tìm thuốc để chữa bệnh.

Anh Đô chia sẻ: “Tôi bàn với vợ, sau đó bán đất được hơn 6 triệu để lên Hà Nội chữa bệnh. Suốt thời gian hai tháng điều trị tại Bạch Mai tôi làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ bán hàng nước đến quét dọn thuê nhưng tiền hết, đất mất mà bệnh không thuyên giảm. Tôi trở về nhà và chấp nhận số phận. Thôi thì hình thức không quan trọng, miễn sao mình sống tốt, có trách nhiệm với vợ con. Mấy mươi năm qua sống cùng nhau, vợ tôi chưa bao giờ phàn nàn về chồng con cả”.

Cái nghèo, cái khó đi cùng

Do bệnh tật ngày thêm nặng, sức khỏe giảm sút nên cuộc sống của ba anh em họ Trương hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Trong ngôi nhà nhỏ chừng 30m2 của vợ chồng anh Trương Văn Tô và chị Nguyễn Thị Mát chẳng có gì đáng giá, đến chiếc ti-vi đen trắng cũng là của người họ hàng cho.

“Bệnh tình của tôi ngày càng nặng lên theo thời gian, đôi tay co quắp lại, đôi mắt đỏ au, đi lại vô cùng khó khăn, da nứt nẻ chảy máu rất đau đớn, cơ thể luôn cảm giác khó chịu, đau rát toàn thân... Bệnh tật khiến sức khỏe tôi rất yếu, không thể lao động được. Kinh tế gia đình chỉ trông vào 4 sào ruộng khoán do vợ tôi một mình cáng đáng nên rất khó khăn”, anh Tô cho biết.

 Mái nhà lụp xụp của gia đình anh Tô.

Có lẽ do làm việc vất vả lại chăm chồng bệnh tật nên nhìn chị Mát già hơn nhiều so với cái tuổi 40. Chị Mát bảo, mỗi khi trái gió trở trời, chị không dám đi làm việc gì khác mà chỉ ở nhà chăm sóc chồng vì sợ anh đột ngột phát bệnh. Kinh tế gia đình anh chị vô cùng khó khăn, mỗi lần cho anh đi chữa bệnh lại tốn kém tiền triệu nhưng anh chị vẫn phải xoay sở. Nhiều khi nghĩ hoàn cảnh gia đình mình mà tủi thân phát khóc. 

Trong khi đó, hoàn cảnh anh Trương Văn Đô cũng chả khá khẩm hơn, một mình cáng đáng 3 thế hệ trong nhà, kinh tế dựa vào mấy sào ruộng khoán. Anh Đô lo lắng nói: “Dù sức khỏe yếu vẫn phải cố làm, không làm thì lấy đâu ra tiền nuôi mẹ già và hai cháu nhỏ, tôi ngã xuống không biết họ sẽ ra sao?"

Trưởng thôn Hữu Chung Trương Văn Súy cho biết: “Gia đình anh Tô nhiều năm nay nằm trong diện hộ nghèo của địa phương, riêng anh thì điều kiện sức khỏe không tốt, bệnh tật không lao động được, thường xuyên đi viện, kinh tế gia đình lại khó khăn”.

 Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

1. Anh Trương Văn Đô, làng Hữu Chung, xã Hồng Quang, Thanh Miện, Hải Dương.

2. Hoặc Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức

Địa chỉ: Số 465 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 0974.974.104
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức.

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay. 

Trân trọng! 

(PV đã trao đổi với bác sỹ da liễu, có thể căn bệnh của 3 anh em anh Đô là bệnh vảy nến).

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

Hải Ninh