Cô giáo của Trung tâm nghệ thuật Taca Emca - lò luyện nhiều giọng hát The Voice Kids và Đồ Rê Mí 2014 thẳng thừng phản pháo những thông tin thiên vị, dàn xếp… từ phụ huynh có con em thi rớt.
Bức “tâm thư” dài và thẳng thắn của Thái Thuỳ Linh giải thích cặn kẽ về các trường hợp học trò Tuấn Ngọc, Bảo Châu, Khánh Vân, Hương Ngân, Minh Ngọc… và những thông tin “thiên vị”, ưu ái học trò Hà Nội hơn tỉnh lẻ nhận được nhiều sự quan tâm, trong bối cảnh Giọng hát Việt nhí vừa lên sóng tập đầu tiên và Đồ Rê Mí vừa họp báo công bố.
|
Thái Thùy Linh phát quà cho bệnh nhi trong chương trình Mang âm nhạc tới bệnh viện. |
Đưa hết kết quả vòng 1, vòng 2 lên trang cá nhân, khi đêm thi còn chưa diễn ra, chị không ngại ban tổ chức phàn nàn vì “lộ kết quả” sao?
- Người khác có thể không biết chứ với thí sinh thì kết quả đã có cả tháng rồi, và những thông tin thí sinh tụ họp tại TP.HCM đã có trên trang chủ cuộc thi rồi, vậy những em thi đậu vòng 1 cũng đâu có gì bí mật nữa. Vả lại, tôi là cô giáo của các em, không phải phụ huynh, cũng không ký bất cứ cam kết bảo mật kết quả gì với chương trình nào cả.
Trung tâm nghệ thuật Taca Emca của chị “luyện chiêu” cho bao nhiêu thí sinh? Chị có thấy là thiếu công bằng khi đem những giọng ca được đào tạo trong “lò” thế này thi thố với những giọng hát bản năng chưa biết gì về kỹ thuật?
- Taca Emca có khoảng 20 em. Tôi cũng không thấy có vấn đề lắm vì sự không công bằng, vì tôi đào tạo cho các em khá giỏi hơn cũng chỉ là khá giỏi hơn so với chính bản thân em ấy. Nếu một bạn có tài năng bản năng thật sự tương quan với mức độ giỏi, thì vẫn hơn hẳn những giọng ca trung bình được đào tạo trong ba năm.
Ngoài chuyện ca hát thì những vấn đề về tâm lý (như các em từng khóc oà khi bị loại) có được chuẩn bị trước?
- Tất nhiên là có chứ, vì Linh luôn quan trọng tính nhân văn trong giáo trình của mình. Ngay từ buổi đầu các con đã được giáo dục không được chủ quan kiêu căng, cố gắng hết mình nhưng thi thố trên tinh thần thoải mái nhất. Có học trò Linh gặp tình huống là thi đậu vòng 1 rồi căng thẳng quá, thấy cuộc thi khắc nghiệt quá, thấy ai cũng giỏi hơn mình và nao núng đòi rút lui. Thay vì động viên hay la mắng thì Linh nói chuyện giải toả tâm lý cho con, rằng cô vẫn tự hào nếu con cố gắng mà vẫn rớt, nhưng bỏ thi thì chẳng khác gì “đào ngũ”, trốn chạy trước thử thách.
|
Khởi động Giọng hát Việt nhí mùa 2014. |
Từng có những ý kiến phản đối về việc các em còn nhỏ mà phải thi thố khắc nghiệt, thức đến 12g đêm, nghỉ học để đi thi… như một sự “bóc lột”. Chị nghĩ sao?
- Tôi không nghĩ đấy là bóc lột, vì đã là cuộc thi thì cuộc thi nào cũng có sự khắc nghiệt nhất định. Những tháng thi đông thí sinh thì diễn ra trong hè. Những vòng cuối còn vài thí sinh, tôi nghĩ BTC cũng phải sắp xếp cùng trường học để có phương án thích hợp bổ sung kiến thức cho các em. Nói chung với tôi thì chuyện trẻ em thức khuya vài hôm không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới, vì con tôi đôi lúc cũng thức như thế. Nhưng sân chơi cho thiếu nhi thì không có nhiều, và tạo ra một trào lưu cho các con học hát múa thì đáng ghi nhận.
Thế còn những lùm xùm phát sinh trong và sau đó? Chị có thấy thất vọng và tổn thương khi chính phụ huynh “bật lại” công sức tâm huyết của mình?
- Tôi không quá nặng nề, vì mình chỉ thất vọng khi mình kỳ vọng. Bản thân tôi từng trải showbiz, hiểu rằng không thể hài lòng với tất cả mọi người. Cuộc thi nào cũng có thắng có thua và những người thua thì không thể tất cả đều tâm phục khẩu phục. Tôi chỉ hơi bực vì một hai phụ huynh cố tình không hiểu những điều tôi đã trao đổi. Tôi thẳng tính và không thể đi giải thích với từng lời râm ran bên ngoài nên đã chọn nói một lần, nói tất cả, ai cũng có thể thấy được, đó là lý do của bài viết trên trang cá nhân.
Taca Emca được tôi mở ra với tâm huyết “trồng người”, nuôi dưỡng tài năng và giáo dục nhân cách cho các em. Tôi không bất chấp tất cả để có đông học viên, kinh doanh kiếm tiền nên tôi sẽ không thoả hiệp với những phụ huynh như thế.
Có phải do họ yêu con mù quáng và đánh giá con mình cao quá?
- Họ đánh giá con mình quá cao và kỳ vọng quá lớn. Trẻ em thì rất khó có sự ổn định về phong độ. Khi vui - buồn, no - đói… các em hát với chất lượng khác hẳn nhau, nên đừng tạo áp lực cho con quá, chúng càng khó khăn hơn mà thôi. Thậm chí có tâm lý bố mẹ tự thấy mình cũng tài năng nhưng vì hoàn cảnh nên vẫn chưa thực hiện ước mơ “toả sáng” được, thế là mang nó đặt vào con và bắt nó vác trên vai ước mơ của mình. Vậy thì không hay.
Theo Phụ nữ TPHCM