Vào cuối thu, trong khi thanh niên vẫn mặc áo mỏng, thì người cao tuổi đã sớm mặc áo len, áo ấm. Đến mùa đông, cái rét trở thành một nỗi sợ cố hữu khiến người già ủ thật nhiều quần áo, chăn đệm. Ngoài ra, cùng với nỗi sợ lạnh, khi tuổi càng cao, người già càng có xu hướng sợ nước, lười tắm.
Lười tắm, sợ nước
Catherine Anne Rauch, một chuyên gia tư vấn cao cấp của trang thông tin chăm sóc người già Caring.com cho biết, bà đã nhận được nhiều câu hỏi từ các độc giả hỏi phải làm gì khi người thân lớn tuổi của họ ngại thay quần áo bẩn và không muốn tắm. Đây là một trong những căng thẳng lớn và quá phổ biến đối với những người chăm sóc người cao tuổi.
Bà Catherine Anne Rauch cho hay, việc người già ngại thay quần áo và sợ nước, lười tắm đều có những căn nguyên của nó, bao gồm sợ bị ngã, không đủ mạnh mẽ để có thể tự xoay xở trong bồn tắm hoặc bước ra khỏi bồn tắm một mình. Đặc biệt, một nguyên nhân nữa khiến người già sợ tắm là bởi họ thường không bao giờ cảm nhận đúng nhiệt độ nước (thường phàn nàn nóng quá hoặc lạnh quá, dù thực tế không như vậy). Ngoài ra, thêm nguyên nhân khiến người già sợ hãi khi phải tắm còn có thể xuất phát từ bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ, bệnh trầm cảm của người già.
Theo bà Catherine Anne Rauch, để giúp đỡ cha mẹ già, hãy cố gắng thu hẹp nguyên nhân để tìm các giải pháp. Trước hết hãy điều chỉnh phòng tắm của cha mẹ để giảm thiểu rủi ro đổ vỡ hay bị ngã và làm cho việc tắm dễ dàng hơn. Những lời khuyên an toàn phòng tắm cho bệnh nhân đột quỵ có thể áp dụng đối với bất kỳ người lớn tuổi nào cần giúp đỡ khi tắm.
Hãy mua một chiếc ghế để người già có thể ngồi tắm dưới vòi sen mà không cần phải đứng trong khi tắm hay sử dụng một băng ghế gắn vào cạnh bồn tắm để cha mẹ của bạn có thể bám vào khi cần cũng là gợi ý hay. Hãy điều chỉnh nhiệt độ nước cho cha mẹ mình và nói cho họ biết nước như vậy là đã vừa để tắm, vì người già thường mất khả năng đánh giá nhiệt độ nước.
Hãy để ý các dấu hiệu của trầm cảm và hỏi tư vấn của bác sĩ nếu cha mẹ bạn có vẻ như không có động lực trong mọi hoạt động và luôn trong trạng thái như bị chùng xuống. Bạn cũng có thể tìm đến sự trợ giúp của các y tá chuyên gia lão khoa để học cách tắm cho cha mẹ hoặc ít nhất giúp cha mẹ cảm thấy thoải mái để tắm.
|
Người già sợ tắm là bởi họ thường không bao giờ cảm nhận đúng nhiệt độ nước. |
Tuổi càng cao càng thấy lạnh
BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354 cho biết, nhiệt độ cơ thể người luôn giữ ở mức ổn định khoảng 370C. Trong trường hợp thông thường, nhiệt độ này không thay đổi theo sự thay đổi của môi trường, bởi vì cơ thể có một hệ thống "điều hòa nhiệt độ", thông qua trung khu thần kinh điều tiết nhiệt độ cơ thể nằm ở não bộ có thể tự chủ và thi hành nhanh chóng hai chức năng là sản nhiệt và tỏa nhiệt, giúp cho cơ thể luôn giữ nhiệt độ ổn định.
Tuy nhiên, hệ thống này ở người già thường hoạt động kém đi, khiến người già khó thích ứng với sự thay đổi của thời tiết. Đặc biệt là vào mùa đông, người già thường cảm thấy lạnh sớm hơn và lạnh hơn người trẻ tuổi. Việc luôn lo sợ bị rét và ủ thật nhiều quần áo, chăn đệm hay từ chối tắm rửa, cũng một phần do nguyên nhân này.
Theo BS Đào Bá Vy, để chống lại nỗi sợ hãi vì lạnh, người già nên có chế độ tập luyện vừa giúp nâng cao sức khoẻ, tăng khả năng chịu lạnh. Tuy nhiên, người cao tuổi chú ý nên tập với những động tác nhẹ nhàng, phù hợp với sức khoẻ, không nên cố tập khi thời tiết quá lạnh hoặc cơ thể cảm thấy lạnh giá. Khi tập, người cao tuổi cần chú ý chọn chỗ kín gió, ấm áp.
Ngoài ra, khi trời lạnh người cao tuổi cần phải chú ý ủ ấm cơ thể bằng khăn, áo, mũ, tất để tránh sự mất nhiệt. Phòng ở của người cao tuổi phải ấm, nhưng thông thoáng, nhiều người cao tuổi sợ lạnh, nên phòng ngủ lúc nào cũng kín bưng, ngột ngạt ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Đối với người cao tuổi khi bị lạnh nên ăn các loại thực phẩm hoặc sử dụng các vị thuốc Đông y có tính ấm như ăn thịt đỏ, tránh ăn các loại thực phẩm lạnh như hải sản. Ngoài ra, khi lạnh có thể uống một chút trà gừng. Đặc biệt, buổi đêm, người già thường bị lạnh chân dẫn đến mất ngủ, ngủ không ngon, vì thế, tốt nhất khi cảm thấy cơ thể lạnh, khi đi ngủ, người già nên đi thêm tất để bảo vệ gan bàn chân.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)
Đức Anh