Khi về già, người cao tuổi thường gặp nhiều nỗi sợ như sợ lạnh, sợ bị bỏ rơi, sợ bóng đêm, thậm chí là cả sợ bị chết đói dù cuộc sống bây giờ không đến nỗi khó khăn... Làm thế nào để giúp người già vượt qua được những nỗi sợ hãi này?
Có một thực tế là khi càng nhiều tuổi, giấc ngủ của các bậc cao niên thường bị ngắn lại, chất lượng giấc ngủ cũng bị giảm sút. Việc cứ nằm yên trên giường chờ đợi thời gian trôi đi thực sự là nỗi sợ hãi của rất nhiều người già.
Sụt giảm nội tiết tố điều hòa nhịp thức - ngủ
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho biết, tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon giấc của người già có liên quan rõ rệt đến sự sụt giảm nội tiết tố có tên là melatonin, một
hormon tự nhiên do tuyến tùng của cơ thể tạo ra để điều hòa nhịp thức - ngủ. Thông thường, khi mặt trời lặn và bóng tối bắt đầu, tuyến tùng được kích hoạt và chủ động sản xuất melatonin, lượng melatonin này được đưa vào máu. Mức độ melatonin trong máu tăng mạnh giúp chúng ta buồn ngủ. Khi bình minh với ánh sáng xuất hiện, tuyến tùng sẽ ngừng hoạt động và con người thức dậy. Tuy nhiên, ở người già sự điều tiết không đồng đều của melatonin khiến cho số giờ ngủ bị thu hẹp lại, không những thế chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng.
Cùng với nguyên nhân chính này còn có sự tham gia của các nguyên nhân thứ phát, đó là bệnh tật cùng với những trạng thái cảm xúc thường thấy ở người già như buồn, chán, cô đơn, mệt mỏi... Tất cả những yếu tố này cũng góp phần khiến người già dễ mất ngủ và ngủ không ngon giấc.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Sức khoẻ tinh thần Hoa Kỳ chỉ ra những vấn đề ảnh hưởng giấc ngủ của người già bao gồm bệnh tật, sự thay đổi hoặc những mất mát trong cuộc sống... Ví dụ, các chứng viêm khớp, khó thở khi ngủ và hội chứng chân bồn chồn có thể làm cho ngủ khó khăn. Người già có bệnh suy tim, viêm khớp, ợ nóng, phì đại tuyến tiền liệt, hoặc bệnh Alzheimer, cũng có thể gặp khó khăn duy trì giấc ngủ. Ngoài ra, việc để nhiều thời gian chết trong ngày cũng khiến người già dễ tìm đến những giấc ngủ ngắn ban ngày. Điều đó có thể làm rối loạn nhịp sinh học ngủ/thức, dẫn đến khó ngủ về đêm.
|
Ảnh minh họa. |
Yên tĩnh, thoáng mát và thư thái
Các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo, đối với người già, để đảm bảo giấc ngủ dài, sâu và ngon cần cố định một giờ đi ngủ thường xuyên, tắt máy tính và tivi một giờ trước khi đi ngủ, thư giãn trước khi ngủ, hạn chế giấc ngủ ngắn vào ban ngày, không sử dụng các chất kích thích gần giờ đi ngủ.
BS Hoàng Xuân Đại cũng khuyến cáo, để ngon giấc, người cao tuổi cần đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, phòng và giường ngủ thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; cần tập luyện thể dục đều đặn, các bài tập như đi bộ, xoa bóp, thư giãn rất tốt cho tuổi già và giấc ngủ.
Ngoài ra, tránh căng thẳng hoặc xúc động trước khi đi ngủ. Nếu bị căng thẳng, mệt mỏi cần nói chuyện với gia đình hoặc nhân viên tư vấn tìm cách để giải tỏa căng thẳng. Đặc biệt, khi người già bị bệnh phải sử dụng đến một số loại thuốc, những loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể gây mất ngủ hoặc ngủ li bì. Hãy nói chuyện với bác sĩ để điều chỉnh đơn thuốc hoặc liều uống.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cũng cho biết, Đông y gọi chứng mất ngủ là "thất niên" và tùy từng nguyên nhân để có cách điều trị thích hợp. Nhưng phải nói ngay rằng, các biện pháp điều trị nào cũng chỉ có thể giúp người già cải thiện giấc ngủ chứ không thể khiến người già ngủ ngon, ngủ sâu, ngủ dài như người trẻ. Khi người già mất ngủ, có thể bổ sung một số thực phẩm giúp kích thích ngủ như hoa thiên lý, tâm sen, long nhãn, táo nhân (nhân hạt táo), lá vông...
"Trong khi nhiều bạn bè cùng tuổi kêu khó ngủ, mất ngủ, sợ đêm, thì tôi luôn có giấc ngủ ngon, tuy không thể như lúc còn trẻ, nhưng ngủ được sâu và không bị mộng mị. Để làm được điều đó, buổi ngày tôi luôn giữ cho mình bận rộn với các công việc xã hội, đều đặn rèn luyện thể thao bằng cách đi bộ khoảng 1,5 tiếng vào buổi chiều; buổi tối, trước khi đi ngủ tôi xem phim, đọc sách báo, chuyện trò với con cháu... để tinh thần được thư giãn. Nhờ đó, khi đi ngủ, giấc ngủ đến rất nhanh và ít khi bị tỉnh giấc giữa đêm".
KS Nguyễn Huy Bạo (70 tuổi, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự)
Đức Anh