Hiện có nhiều người già mắc bệnh trầm cảm, nhưng hay bị quy về "bệnh tuổi già". Chính sự nhầm lẫn này dẫn đến việc người già bị trầm cảm nhưng không được chữa trị kịp thời...
Nhiều người mắc, ít người được điều trị
Chị Nguyễn Việt Hà (Bắc Ninh Đàm, Hà Nội) kể, mẹ chị là người rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Thế nhưng, một năm trở lại đây, bà thường kêu mất ngủ, phản ứng chậm chạp và hay ngồi tư lự một mình. Thời gian đầu, gia đình chị thấy bình thường bởi việc mất ngủ, phản ứng chậm đều là những "bệnh" điển hình của người già. Tuy nhiên, thời gian này, khi thấy mẹ chị thường rơi trạng vào thái biệt lập, cô độc, hay nhắc đến cái chết... khiến chị "hoảng", đưa mẹ đến bệnh viện thì được chuẩn đoán là bị trầm cảm.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho biết, trường hợp bị trầm cảm như mẹ chị Hà không phải là hiếm. Thực tế, trầm cảm diễn ra ở mọi lứa tuổi, nhưng dường như bệnh này diễn ra khá phổ biến ở người cao tuổi.
Đồng quan điểm, TS y khoa Ken Duckworth, Hiệp hội Sức khoẻ tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ cho rằng, việc trầm cảm ở người già dường như là "dịch". Các nghiên cứu đã chỉ ra trầm cảm ảnh hưởng đến hơn 6,5 triệu trong số 35 triệu người Mỹ tuổi từ 65 trở lên. Trầm cảm ở người già có liên quan chặt chẽ với sự phụ thuộc và bệnh tật, gây đau khổ cho bản thân họ và gia đình.
Đặc biệt, tuy bệnh lý trầm cảm ở người cao tuổi là phổ biến, nhưng rất ít trường hợp được điều trị. Ngay cả ở một đất nước có hệ thống y tế tốt như Mỹ thì chỉ có 10% người cao tuổi mắc trầm cảm được điều trị y tế.
|
Tuy bệnh lý trầm cảm ở người cao tuổi là phổ biến, nhưng rất ít trường hợp được điều trị. |
Nhầm lẫn tai hại
Trả lời cho câu hỏi tại sao trầm cảm ở người cao tuổi thường không được điều trị, các chuyên gia cho biết, nguyên nhân vì nhiều người nghĩ rằng trầm cảm là một phần bình thường của sự lão hóa, một phản ứng tự nhiên đối với bệnh mạn tính, với những mất mát trong cuộc sống và những thay đổi xã hội. Đối với những người cao tuổi trầm cảm có thể có biểu hiện triệu chứng và cấp độ khác nhau.
Nhiều người già và gia đình họ không nhận ra các triệu chứng của bệnh trầm cảm, không biết rằng nó là một căn bệnh và không biết làm thế nào xử lý được. Nhiều người thậm chí nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh trầm cảm là dấu hiệu của sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, viêm khớp, ung thư, bệnh tim, parkinson, đột quỵ hay rối loạn tuyến giáp. Chính sự nhầm lẫn tai hại này khiến cho người già bị trầm cảm không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trầm cảm khác với đau buồn
Cũng theo TS y khoa Ken Duckworth: Việc tự nhiên cảm thấy đau buồn khi đối mặt với những thay đổi lớn trong cuộc sống mà nhiều người lớn tuổi phải trải qua, chẳng hạn như rời khỏi ngôi nhà đã nhiều năm gắn bó hoặc mất đi một người thân yêu, là nỗi buồn đau bình thường, phản ứng tạm thời với những tổn thất không thể tránh khỏi và khó khăn của cuộc sống. Tuy nhiên, không giống như nỗi buồn bình thường, bệnh lý trầm cảm là sự chìm trong nỗi buồn kéo dài trong nhiều tháng và không chấm dứt.
Bệnh lý trầm cảm cần được điều trị để giảm bớt thời gian và cường độ của các triệu chứng. Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống người cao tuổi là một nguy cơ đối với bệnh tim và có thể ức chế hệ thống miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
"Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn vì phụ nữ nói chung dễ mắc những chán nản nghiêm trọng cao gấp đôi nam giới. Các yếu tố sinh học như thay đổi nội tiết tố có thể làm cho phụ nữ lớn tuổi dễ bị tổn thương hơn. Những căng thẳng của việc duy trì các mối quan hệ hay việc chăm sóc cho một người thân bị bệnh và trông nom trẻ nhỏ cũng thường khiến tâm trạng của phụ nữ nặng nề hơn, góp phần vào tỷ lệ cao của bệnh trầm cảm", TS y khoa Ken Duckworth cho biết thêm.
Trầm cảm ở người cao tuổi không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện, nhưng có thể quan sát một số dấu hiệu nhận biết sau: Bệnh trầm cảm bắt đầu khi người cao tuổi mất đi các hứng thú đối với các hoạt động, người thân mà trước đây họ từng quan tâm, dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc, cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm giác của mình thành lời. Các dấu hiệu khác bao gồm mất sinh lực và cảm thấy mình vô dụng, chán nản và muốn từ bỏ cuộc sống.
BS Nguyễn Văn Hùng (nguyên bác sĩ Viện 5 Sơn Tây)
Đức Anh