Liên quan Trung Quốc ngày càng leo thang vụ giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trả lời hai hãng thông tấn AP và Reuters, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này (chủ quyền) để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.. Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế".
|
Để Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cần kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. |
Hiện, dư luận đang đặt câu hỏi: Việt Nam sẽ chọn
tòa án quốc tế nào để khởi kiện Trung Quốc nhằm mang lại hiệu quả nhất. Chuyên mục
Cafe đầu tuần của
Kiến Thức xin được đối thoại với
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân,
Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật và
Luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Đấu tranh pháp lý là văn hóa nhất, hiệu quả nhất
- Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyến bố: “Nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này (chủ quyền) để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế". Các luật sư suy nghĩ gì về điều này?
|
Luật sư Trần Đình Triển. |
Luật sư Trần Đình Triển: Với tư cách là nhà làm luật, là công dân, tôi đánh giá cao tuyên bố của Thủ tướng: “Việt Nam không đánh đổi chủ quyền để lấy hữu nghị viển vông và lệ thuộc”. Đó là tư tưởng đúng, quyết đoán thể hiện ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân tộc. Một tuyên bố đanh thép, rõ ràng về độc lập, tự chủ, chủ quyền của quốc gia, dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới; đồng thời, vạch trần luận điệu của Trung Quốc khi nước này ngụy biện, lấp liếm hành vi sai trái, đổ lỗi cho Việt Nam. Tuyên bố đó còn thể hiện rõ: chính Trung Quốc là nguyên nhân tạo ra những diễn biến căng thẳng và ngày càng phức tạp trên Biển Đông hiện nay.
Luật sư Hoàng Cao Sang: Tôi rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng là chúng ta không mơ mộng viển vông, lệ thuộc, mà cần nhìn thẳng vào sự thật để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trong các phương án mà chúng ta cần làm, tôi cho rằng, cần phải đấu tranh mạnh về mặt pháp lý, mà luật pháp viện dẫn là luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, nếu chúng ta đấu tranh mà không căn cứ trên lẽ phải, nghĩa là những vấn đề luật định, thì chúng ta rất dễ xảy ra xung đột và dẫn đến các bên sẽ dùng vũ lực để giải quyết vấn đề vì bên nào cũng cho là mình đúng, mình phải, trong khi tất cả mọi người đều không muốn điều đó xảy ra. Tôi cho rằng, giải quyết vấn đề trên cơ sở pháp lý là cách giải quyết có văn hóa nhất và hiệu quả nhất.
- "Mỹ ủng hộ việc sử dụng các biện pháp ngoại giao và biện pháp hòa bình khác nhằm giải quyết các bất đồng, trong đó có thể nhờ đến trọng tài quốc tế hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Patrick Ventrell khẳng định, khi được hỏi phản ứng của Mỹ về các phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn kinh tế Thế giới 2014 (WEF). Như vậy, Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ lớn từ các nước trong vụ leo thang giàn khoan của Trung Quốc. Theo các luật sư, Việt Nam có nên lập tức biến sự ủng hộ hành động khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế?
|
Luật sư Hoàng Cao Sang. |
Luật sư Hoàng Cao Sang: Chúng ta nhận được nhiều sự ủng hộ là chúng ta chính danh, chính nghĩa; chúng ta có căn cứ về mặt pháp lý đối với khu vực Biển Đông, mà Trung Quốc đang xâm lấn. Vì vậy, chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ đó để tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra tòa để giải quyết vụ việc. Đây là cơ hội cho Việt Nam. Chúng ta cần phải biến khó khăn thành cơ hội.
Luật sư Trần Đình Triển: Trong điều kiện hiện nay và trong tương lai của đất nước, về mặt quan hệ đối ngoại để chống hành động Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì chúng ta phải làm quyết liệt. Chúng ta được sự ủng hộ của các nước trên thế giới, trong đó có nước Mỹ. Chính phủ Mỹ và chính phủ các nước khác lên tiếng phản đối hành vi xâm lấn của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam đấu tranh bằng con đường thương lượng hòa bình, không nên đối đầu. Với việc nhận được sự ủng hộ của quốc tế, chúng ta cần phải khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Tòa án nào là lựa chọn số 1 cho Việt Nam kiện Trung Quốc?
- Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa nào sẽ tốt hơn? Nhìn lại vụ Philippines kiện Trung Quốc, Luật sư có thể so sánh với vụ Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra sao?
Luật sự Trần Đình Triển: Trong trường hợp kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế, chúng ta cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác, đặc biệt là Philippines. Chúng ta có những bằng chứng không thể chối cãi. Vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ thứ 16. Trong khi đó, bản đồ của nhà Thanh, nhà Minh của Trung Quốc chỉ có điểm cuối cùng là đảo Hải Nam. Ngư dân chúng ta đã sinh sống trên hai quần đảo này từ lâu. Lợi dụng Hiệp định Paris năm 1973, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực. Thế giới sẽ bác bỏ Trung Quốc. Hơn nữa, tất cả các luận điểm của Trung Quốc đều không có giá trị pháp lý. Để kiện Trung Quốc, chúng ta ngoài việc hoàn thiện hồ sơ với đầy đủ chứng cứ pháp lý, kêu gọi các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà hải dương học, giới luật sư, các học giả các nước trên thế giới đóng góp thêm tài liệu chứng cứ để khởi kiện.
Còn về Việt Nam kiện Trung Quốc phải theo quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một chủ thể của LHQ, khởi kiện Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền.
|
Luật sư Trần Đình Triển. |
Luật sư Hoàng Cao Sang: Theo tôi được biết, Philippines cũng đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế thường trực tại The Hague, Hà Lan để giải quyết vấn đề về Biển Đông, mà chúng ta cũng đang có chính sách liên kết cùng Philippines. Vậy, để thuận lợi cho việc giải quyết chung của các bên liên quan đến Biển Đông, Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế.
Về vấn chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam không cần bàn cãi nên chúng ta không cần khởi kiện để làm gì. Chúng ta không nên mắc bẫy của Trung Quốc là biến vấn đề chủ quyền của chúng ta thành “khu vực” tranh chấp rồi mang ra bàn cãi. Việc Trung Quốc đang chiếm giữ Hoàng Sa, Trường Sa là hành vi vi phạm pháp luật, chứ không phải không xác định được chủ quyền của bên nào.
Tôi cho rằng, Việt Nam phải hết sức khéo léo trong việc vận dụng pháp luật và cách giải thích luật trong quá trình khởi kiện. Tôi thấy Philippines họ rất tinh tế trong việc khởi kiện Trung Quốc về vấn vấn đề Biển Đông này.
Nhìn chung, chúng ta có những bằng chứng pháp lý về xác định chủ quyền. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải có những luật sư, chuyên gia giỏi để tham gia giải quyết, nếu không chúng ta sẽ từ thế “thượng phong” thành thế “ knockout” bởi vì đấu tranh pháp lý trên sân chơi quốc tế là cả một vấn đề.
- Việt Nam chắc chắn thắng kiện TQ ra Tòa án quốc tế?
Luật sư Hoàng Cao Sang: Nếu chúng ta không kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế thì chúng ta sẽ làm gì để giải quyết việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD981? Tôi cho rằng, chúng ta không thể làm gì được Trung Quốc nếu các bên không có một căn cứ “quyết định, bản án” có giá trị về mặt pháp lý. Và đây là căn cứ để cộng đồng quốc tế giúp mình trong việc yêu cầu TQ rút giàn khoan HD981 ra khỏi hải phận của Việt Nam. Nếu chúng ta không khởi kiện TQ ra Tòa án quốc tế để cộng đồng quốc tế ủng hộ thì chúng ta sẽ phải âm thầm chịu đựng sự bành trướng của Bắc Kinh.
Luật sư Trần Đình Triển: Nếu trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, tôi tin chắc chúng ta sẽ thắng. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang chuẩn bị mọi giải pháp, trong đó có giải pháp đấu tranh pháp lý. Chúng ta cần kiện ngay Trung Quốc ra tòa quốc tế, bởi nếu kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế không những khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan, mà còn khẳng định chủ quyền của ta ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thế giới công nhận. Nếu chúng ta không kiện, Trung Quốc sẽ tiếp tục xuyên tạc, làm ảnh hưởng đến chúng ta.
ASEAN đoàn kết trị Trung Quốc ngang tàng trên Biển Đông
- Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post từ Hong Kong) đăng bài của nhà bình luận Philip Bowring nói hành động của Trung Quốc với láng giềng ở Biển Đông là “hung hăng, ngạo ngạn và có tính chất của chủ nghĩa Đại Hán”. Ông Bowring cũng nói Trung Quốc chỉ có 20% bờ biển tại Biển Đông nhưng lại đòi tới 90% vùng biển này, Luật sư nhìn nhận sao về vấn đề này?
Luật sư Hoàng Cao Sang: Từ khi Bắc Kinh tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn là của Trung Quốc, thì tôi cứ tự hỏi là Trung Quốc lấy căn cứ gì để xác định Hoàng Sa, Trường Sa và đường 9 đoạn là của nước này. Phải chăng họ lấy “luật” bành trướng của họ để khẳng định chủ quyền của họ. Từ trước đến nay, Trung Quốc quen thói "lấy thịt đè người" để giành dân chiếm đất người khác. Bây giờ, chúng ta cần có sự phán kháng một cách quyết liệt và đúng luật 1963 Trung Quốc không còn tư tưởng Đại Hán hay bành trướng nữa.
|
Luật sư Trần Công Trục. |
- Đến lúc các nước ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc cần hành động thực tế thế nào?
Luật sư Trần Công Trục: Tất nhiên cần sự chung sức đồng lòng, đoàn kết của các nước ASEAN, kể cả các nước có liên quan trực tiếp hay các nước liên quan gián tiếp. Cần một khối đoàn kết, đặc biệt trong hoàn cảnh cùng nhau. Vấn đề đoàn kết là rất quan trọng. Bản thân Trung Quốc đã nhiều lần muốn chia rẽ sự đoàn kết này, nhiều hội nghị vì thế không có tuyên bố chung. Tuy nhiên, thời gian gần đây các nước đã có tiếng nói thống nhất trong khối ASEAN như tuyên bố về Biển Đông. Hội nghị vừa qua, các nước Singapor, Indonexia, Việt Nam, Malaysia đã lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến hòa bình an ninh khu vực. Sự đoàn kết khu vực sẽ tạo nên sức mạnh, thu hút sự ủng hộ của các nước trên thế giới.
Luật sư Trần Đình Triển: Về đối ngoại, các nước ASEAN cần đồng tâm thực hiện cam kết an toàn vùng biển. Ngoài ra, cần đối ngoại với các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc… để thực hiện đối ngoại có hiệu quả. Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân thế giới hiểu và ủng hộ chúng ta. Ngoài ra, cần kêu gọi các tổ chức quốc tế như hàng hải quốc tế, hàng không quốc tế… Chúng ta cần sử dụng tối đa các cơ quan ngoại giao, cơ quan nhà nước ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài, người dân Việt Nam ở nước ngoài chung sức để tạo nên sức mạnh.
- Xin chân thành cảm ơn Luật sư Trần Đình Triển, Luật sư Hoàng Cao Sang, Luật sư Trần Công Trục về cuộc đối thoại này!
Hải Ninh