Có chuyện người vô học lãnh đạo... người có học

Google News

(Kiến Thức) - "Thuê người thi hộ, học hộ và ra trường “ấm thân”, lực lượng đó thậm chí còn “lãnh đạo” những người thực sự dùi mài kinh sử", GS Văn Như Cương chia sẻ với Kiến Thức.

Công chúng và học sinh chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3 vừa bị dội một gáo nước lạnh về hiện trạng 72.000 cử nhân thất nghiệp được công bố trước thềm cuộc thi đại học, cao đẳng năm 2014. Chuyên mục CAFE ĐẦU TUẦN của Báo Điện tử Kiến Thức đã có cuộc trò chuyện với GS Văn Như Cương để nghe ông “bắt bệnh” thực trạng này!
 GS Văn Như Cương.
4 điểm một môn thi cũng có thể trở thành cử nhân... đáng lo
- Một mùa thi đại học sắp gần kề, nhưng thông tin về 72000 cử nhân thất nghiệp mới được công bố gần đây khiến không ít người giật mình. GS có suy nghĩ gì về thực trạng này?
Đó là một thực trạng rất đáng lo ngại khi chúng ta đào tạo người làm việc nhưng lại không có việc để cho họ làm. Vậy nguyên nhân là vì sao? Tôi nghĩ, chúng ta đã sinh ra một cơ chế mà người người đều nghĩ chỉ có thể tìm việc làm thông qua việc thi đại học.
Trả lời câu hỏi: Học để làm gì ở mỗi cấp học lẽ ra là khác nhau, nhưng hiện nay, cả ba cấp đều lại có một câu trả lời giống nhau. Học xong cấp một để làm gì? Để học tiếp cấp hai. Học xong cấp hai để làm gì? Để học cấp ba. Hai câu hỏi và trả lời đó đúng. Nhưng học xong cấp ba để làm gì? Để học đại học. Câu trả lời đó lại là sai lầm. Bởi, khi được trang bị kiến thức đến hết PTTH rồi, thì lẽ ra con người phải tư duy được theo vài hướng. Chẳng hạn như, học xong cấp 3 để học nghề, học xong cấp 3 có thể đi làm ngay và việc thi vào ĐH chỉ là một lựa chọn tương đương hai lựa chọn kể trên mới đúng.
Khung đào tạo của chúng ta hiện nay không trả lời được câu hỏi: Học xong cấp ba để làm gì. Vì thế mới dẫn đến thực trạng, người người lao vào thi đại học và học bằng được đại học. Số phải học cao đẳng, trung cấp là sự lựa chọn sau đó. Vì cái sự lao vào học đại học cho bằng được mới dẫn đến những chuyện buồn cười, ở một trường đại học nọ, điểm thủ khoa của trường là 12 điểm/3 môn thi. Trung bình 4 điểm một môn thi cũng có tương lai trở thành cử nhân, chắc chắn cung cấp cho chúng ta một bình diện khác của chất lượng bằng cử nhân.
- Theo giáo sư, hiện trạng người người đổ xô học bằng được đại học là vì sao?
Điều đó sinh ra từ tâm lý trọng bằng cấp của chúng ta. Thực tế có một bộ phận không nhỏ có tâm lý học để lấy bằng thôi, không có việc làm cũng không sao. Nhiều gia đình thành phố khi được hỏi trả lời rằng: Không cho con đi học chúng sẽ đi chơi lêu lổng. Nhưng nhiều gia đình ở nông thôn không có kinh tế cũng cố bán bò, trâu, ruộng vườn cho con đi học mà không hề nhìn thấy tương lai nào chắc chắn ở phía trước.
 Số lượng thác sĩ, cử nhân ra trường không có việc làm ngày một tăng.
Thậm chí, học xong đại học không tìm được việc làm sẽ học tiếp thạc sĩ. Tâm lý trọng bằng cấp sai lầm đó gây ra sự lãng phí rất lớn về thời gian, tiền của và nhân lực của xã hội.
Nhiều cử nhân thất nghiệp oan
- Theo Giáo sư, 72.000 cử nhân thất nghiệp còn có nguyên nhân nào khác từ sự phân công các lực lượng trong xã hội? Họ có thực sự bị “thất nghiệp oan”?
Chắc chắn có một đối tượng không nhỏ trong số 72.000 cử nhân thất nghiệp đó bị oan. Họ bị oan bởi thực tế trong hệ thống đạo tào của ta hiện nay có một lực lượng không nhỏ nhờ người thi hộ vào đại học. Thi vào rồi lại tiếp tục thuê người đi học, thuê người thi hộ. Lực lượng đi học bằng tiền đó chắc chắn ra trường được xếp sẵn công việc rồi. Và tầng lớp cử nhân, thậm chí thạc sĩ không thi, không học vẫn có việc làm đó đã “chiếm dụng” việc làm của những cử nhân có tri thức thực sự. Như vậy, người xứng đáng được làm việc không có việc làm, người không xứng đáng lại được làm việc, thậm chí lãnh đạo người có tri thức. Điều đó cực kỳ nguy hiểm.
Tuy nhiên, cũng phải song phẳng một điều, trong số 72.000 cử nhân thất nghiệp có người cũng không oan. Bởi khi đầu vào không tốt, có điều gì chắc chắn đầu ra tốt? Chưa kể, nhiều cử nhân ra trường, vì muốn ở lại thành phố mà bỏ qua, thậm chí khước từ cơ hội về làm việc tại các địa phương, vùng sâu vùng xa. Vì thế, trong số 72.000 thạc sĩ cử nhân không tìm được việc làm, chưa chắc số người đáng tiếc là cả 72.000 người.
 Theo GS Văn Như Cương, không phải tất cả 72.000 thạc sĩ cử nhân đều thất nghiệp oan.
- Theo chia sẻ của Giáo sư, cử nhân thất nghiệp còn có một lý do tự thân là do họ không dám cống hiến, dấn thân. Vậy theo giáo sư, điều này có lỗi từ giáo dục không?
Giáo dục xã hội có lỗi chứ không phải lỗi của hệ thống giáo dục trường học. Tức là xã hội chúng ta chưa coi trọng việc giáo dục ý thức cho những người trẻ về sự sẵn sàng chấp nhận điều kiện khó khăn để đi lên. Tại sao nhiều người trẻ mặc định, học xong đại học nhất nhất phải làm việc ở thành thị? Trong khi nhân lực có tri thức đang rất thiếu ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Nhiều năm trước, chúng ta cho rằng chế độ đãi ngộ của Nhà nước chưa được chú trọng, nhưng hiện tại, tôi thấy mức lương cho cán bộ vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện rất nhiều. Nên cái gì cũng trách chính sách, chưa chắc là thấu đáo.
- Thưa Giáo sư, chuyện thất nghiệp của một lượng lớn thạc sĩ, cử nhân không có lỗi nào của ngành giáo dục các ông?
Ngành giáo dục và hoạch định giáo dục có trách nhiệm rất lớn khi để xảy ra thực trạng này. Hiện, chúng ta ồ ạt đào tạo mà không quan tâm đến nhu cầu thực sự của xã hội. Các trường đại học đào tạo mà không trả lời được câu hỏi ngành mình đang đào tạo sau 5 năm nữa thị trường lao động cần bao nhiêu, có cần nữa không. Ngành giáo dục chưa có một thống kê nào để cung cấp cho sinh viên trước thềm lựa chọn sau khi tốt nghiệp PTTH rằng, ngành nào đang thiếu, ngành nào đang thừa nhân lực. Trong hướng dẫn chọn trường không hề có một chỉ dẫn nào về tương lai của ngành đào tạo. Đó chính là lỗi lớn nhất của cơ quan quản lý cấp nhà nước.
Chúng ta vốn không có kế hoạch trong tất cả mọi việc và ngành giáo dục không ngoại lệ.
- Thế mà trước thềm cuộc thi cao đẳng – đại học năm nay, ngành giáo dục đưa ra một quyết định “gây shock”, cấm một số trường không được tuyển sinh một số ngành. Động thái này có ý nghĩa gì, thưa giáo sư?
Không có ý nghĩa gì trong việc hoạch định giáo dục. Việc dừng tuyển sinh một số ngành trong một số trường chỉ mang tính quy chính, cơ sở vật chất. Tức anh đang thiếu mấy giáo sư, mấy thạc sĩ của ngành này thì anh không được đào tạo ngành này tiếp, bao giờ anh đủ thì tôi cho anh đào tạo tiếp.
Ngay cả quyết định đó của Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng chưa đặt vấn đề quan tâm đến chuyện xã hội cần gì mới khuyến khích đào tạo. Câu chuyện cấm là vậy nhưng vẫn theo cách anh đang đào tạo được gì thì tôi cho phép và các trường đào tạo theo cách, tôi có gì thì tôi dạy đó. Câu chuyện xã hội cần gì là chuyện của … cử nhân.
Xin cảm ơn Giáo sư Văn Như Cương trong cuộc đối thoại này!
An Thủy