Mấy ngày giáp Tết, không khí chuẩn bị đón mừng năm mới Bính Thân rạo rực khắp mọi nẻo thôn xóm, phố phường. Những tưởng trong bối cảnh như thế, chuyện thế sự không còn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người nhưng không, dư luận mấy ngày qua vẫn nóng lên trước chỉ đạo “nhanh như chớp” của nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cách chức Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vì đã mua toa tàu cũ của Trung Quốc.
|
Ảnh minh họa. |
Và rồi cũng “nhanh như chớp”, các vị lãnh đạo liên quan đến vụ yêu cầu cách chức của Bộ trưởng lên tiếng.
Ông Nguyễn Viết Hiệp, người vừa bị cách chức “phơi” hết “ruột gan”:
“Tôi xin được giải thích lại cho rõ là chúng tôi chưa thương thảo hay đàm phán gì với phía Trung Quốc về hợp đồng mua các toa xe cũ…
- Phía bạn có đề nghị Công ty xem xét mua một số toa xe hàng, một số vẫn đang được phía Trung Quốc sử dụng trên tuyến liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Mọi việc mới dừng lại ở đó.
- Thực tế là Tổng công ty Đường sắt VN - Công ty mẹ cũng chưa có chủ trương mua lại các toa xe cũ.
- Tuy nhiên, cách viết của anh em tham mưu không được thoát nên các công văn, văn bản của Công ty chúng tôi gửi đi xin ý kiến đã khiến sự việc bị hiểu sai”.
Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, cấp trên của ông Hiệp là ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam – cũng tỏ ra rất chi là “khảng khái”:
“- Tôi chưa được báo cáo về việc mua tàu cũ của Trung Quốc”.
- Quan điểm của tôi là đổi mới toàn diện ngành đường sắt, đóng mới hoàn toàn cả đầu máy toa xe nên không thể có chuyện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chấp thuận cho mua tàu cũ của Trung Quốc được. Tàu mới sử dụng 1 năm tôi cũng không mua chứ đừng nói tàu đã qua sử dụng 20 năm”.
Ô hô, thế này là thế nào? Chả nhẽ Bộ trưởng quyết “nhầm” hay sao? Thế thì “oan” cho các vị quá. Chuyện đã có gì đâu, chỉ là do mấy cậu tham mưu văn vẻ chưa suôn thôi, vả lại lãnh đạo ngành “quyết liệt” thế này cơ mà: “Đổi mới toàn diện ngành đường sắt, đóng mới hoàn toàn cả đầu máy toa xe. Tàu mới sử dụng 1 năm cũng không mua chứ đừng nói tàu đã qua sử dụng 20 năm”.
Nhưng mà, cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng tòi ra, các cụ xưa nói quả có sai. Nhưng trong vụ này thì cái kim không còn nằm trong bọc nữa mà nó đã “chọc” vào tai mắt dư luận rồi.
Thì ra không phải đến năm 2015, kế hoạch mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc mới được xúc tiến, mà chủ trương này đã được triển khai từ năm 2014 với bút phê của lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam “nhất trí thực hiện nhanh... đề nghị tổ chức triển khai”.
Cụ thể, trong văn bản số 399 ngày 15/10/2014 của Ban Kế hoạch Kinh Doanh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) gửi Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Ngọc Thành và Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng. Nội dung văn bản này thể hiện sự báo cáo của Ban Kế hoạch Kinh doanh về việc mua toa xe đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc Tổng Công ty ngày 3/9/2014 tại bút phê văn bản số 229/ĐS-QTCN ngày 29/8/2014.
Đặc biệt trong văn bản này là có bút phê của cấp lãnh đạo cao nhất Tổng Công ty ĐSVN. Cụ thể: Tại đầu văn bản bút phê kính gửi ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên. Đặc biệt, bút phê tiếp đó tại lề trái của văn bản ghi rõ: “K/c TGĐ, VT&ĐHTX. Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai”.
Trước đó, từ năm 2013, Tổng Công ty ĐSVN đã có những cuộc họp, kết luận về việc mua toa xe đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh.
Chẳng hay khi nói những lời “nhiệt huyết” về tương lai của ngành đường sắt: “Quan điểm của tôi là đổi mới toàn diện ngành đường sắt, đóng mới hoàn toàn cả đầu máy toa xe nên không thể có chuyện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chấp thuận cho mua tàu cũ của Trung Quốc được. Tàu mới sử dụng 1 năm tôi cũng không mua chứ đừng nói tàu đã qua sử dụng 20 năm” ông Chủ tịch Thành có nhớ bút phê này không nhỉ?
Tôi tin là ông nhớ. Vậy thì sao ông lại “quyết liệt” chối bỏ trách nhiệm? Thì các cụ xưa chẳng đã nói: “Gái đĩ già mồm đó sao”?
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Nguyễn Duy Xuân