Có Phật tử tâm sự với tôi rằng, Đại đức Thích Tâm Mẫn lúc ra đi hành trì, không hề quan tâm đến chung quanh, vì thầy nhiếp tâm lễ bái. Còn những thanh niên đi theo có thể do quý mến và muỗn hỗ trợ để thầy đi yên ổn. Tuy nhiên những người này do bản tánh thanh niên còn nóng nảy, không am tường cách hành xử đúng tinh thần của nhà Phật nên đã không kiềm chế mà xảy ra sự việc đáng tiếc.
Riêng Đại đức Thích Tâm Mẫn dù biết và nghe những việc bất ngờ đó nhưng thầy không thể làm gì hơn vì lâu nay thầy không nhờ họ tháp tùng bảo vệ. Chính vì thế thầy giữ im lặng.
Trong vụ việc này, cách hành xử của Đại đức Thích Tâm Mẫn với người bị nạn có thể không nhắc đến vì thầy ấy cũng còn trẻ, chưa có kinh nghiệm xử lý những vụ việc xảy ra ngoài ý muốn, nhưng những người thuộc bề trên của thầy, chẳng hiểu sao tôi vẫn chưa thấy có một động thái nào?
Liệu sư phụ của thầy Tâm Mẫn có nên hành xử giàu lòng nhân ái, vô ngã vị tha dành cho nạn nhân không? Rồi Ban đại diện Phật giáo huyện Tiên Du (Bắc Ninh), nơi xảy ra vụ việc, đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm của một cơ quan xử lý những vấn đề liên quan đến Phật giáo trên địa bàn mình quản lý hay chưa?
Lâu nay mọi người đều biết Phật giáo là một đạo từ bi, cứu khổ… Giáo lý của đạo Phật luôn hướng con người đến sự giải thoát, làm việc tốt, giúp người. Thế nhưng sau vụ việc của thầy Tâm Mẫn, những người con Phật vẫn lặng buồn vì không thấy thông tin có liên quan về việc những người có liên quan hành xử đúng với hạnh từ bi của đạo Phật.
Có một vị thầy đã từng tâm sự với tôi, nếu như đó là đệ tử của tôi, ngay sau khi biết sự việc, chưa biết ai đúng ai sai nhưng chắc chắn tôi phải ra đó, tìm người bị nạn để hỏi thăm. Đấy chính là tình người, sự từ bi của một người tu theo đạo Phật.