Chuyện Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí trên toàn quốc để chuyển sang “trạm thu giá” được cho là theo quy định của Luật phí và lệ phí khiến dư luận phản ứng gay gắt. Các nhà báo, nhà văn, luật sư, chuyên gia…mỏi mắt đi tìm trong từ điển Tiếng Việt để định nghĩa được cụm từ “trạm thu giá” đều không ra nghĩa. Cánh lái xe phản đối BOT đã mang cả rổ giá đỗ đến trạm BOT để trả giá. Nhiều ý kiến cho rằng, việc để trạm thu giá không chỉ tối nghĩa theo tiếng Việt mà về khía cạnh luật pháp thì đây là đánh tráo khái niệm để lách luật.
Dù khi đó, ai cũng biết rằng, người dân, dư luận và cánh lái xe phản ứng không chỉ bởi tên gọi “Trạm thu giá” mà chính là do những bức xúc từ việc 17 dự án BOT đặt trạm thu phí sai quy định, dân không đi cũng phải trả tiền. Ngay tại phiên thảo luận tổ ngày 22/5, bản thân Bộ trưởng Thể cũng khẳng định: “Vấn đề BOT chưa lúc nào nóng như năm 2017. Tuy nhiên, rõ ràng đây là sản phẩm của giai đoạn trước" và mong “cử tri và đại biểu hết sức thông cảm”.
|
Biển "Trạm thu giá" vẫn chình ình trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 28/7. |
Bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Thể tiếp tục đưa ra những lý giải về việc chuyển từ “trạm thu phí” sang “trạm thu giá” như việc đổi tên “Trạm thu phí BOT” thành “Trạm thu giá BOT” là căn cứ quy định của Chính phủ. BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, sản phẩm đó do doanh nghiệp ấn định giá. Còn phí là mang tính Nhà nước, việc điều chỉnh phí cần sự cho phép của HĐND, Quốc hội. Còn giá là dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp nên có thể điều chỉnh cho hợp lý tùy theo tình hình. Ông cho rằng: “Từ khi chuyển sang giá, chúng ta mới giảm giá cho cân đối tài chính, còn để thông qua các Bộ thì rất chậm…”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn khẳng định, việc chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn.
Dù Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có “gãy lưỡi” để giải thích thì sau đó, trước sự phản ứng của dư luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên “trạm thu giá”.
Trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về câu chuyện phí – giá BOT, Bộ trưởng chỉ cần trả lại tên cũ không cần phải trình Chính phủ.“Cứ trả lại tên cũ, chờ trình thì lâu lắm”.
Ngày 10/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ GTVT đã ra văn bản gửi các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT; Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển&QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long yêu cầu chính thức triển khai việc sử dụng tên gọi "trạm thu phí".
Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện đổi tên “Trạm thu giá” thành “Trạm thu phí”. Thay thế từ “giá” bằng từ “phí” trong các cụm từ “trạm thu giá”, “biểu giá”, “mức giá” trên hệ thống biển tên trạm, biển chỉ dẫn, tên bảng niêm yết mức thu và trên vé…Thời gian hoàn thành trước ngày 20/7/2018.
Tưởng rằng từ đây, cụm từ “trạm thu giá” BOT sẽ không gây bức xúc dư luận thêm nữa. Tuy nhiên, “trên cứ nóng, dưới lại lạnh” khi thời gian phải chuyển “trạm thu giá” thành trạm thu phí đã qua nhưng tại nhiều trạm BOT vẫn chình ình biển hiệu “trạm thu giá” khiến dư luận thêm bức xúc.
Đơn cử như trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ngày 28/7, nhiều người lưu thông vẫn bắt gặp hình ảnh “trạm thu giá” phản cảm nằm chình ình ngay sát trạm BOT. Trong khi đó, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có mức phí hiện nay là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, cũng là mức phí cao tốc đắt nhất đến hiện tại. Cao tốc này có tổng mức đầu tư khoảng 45.000 tỷ đồng.
Việc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn đặt “trạm thu giá” rõ ràng là không thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ GTVT về việc chuyển trả lại tên từ “trạm thu giá” sang “trạm thu phí”. Đây là sự chậm trễ hay có nguyên nhân gì khác cũng cần được làm rõ.
Cùng với đó, Bộ GTVT cần chỉ đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi tên từ “trạm thu giá” sang “thu phí” và cần rà soát, kiểm tra xử lý những đơn vị không chấp hành chỉ đạo chuyển tên trên. Chứ không thể, quyết liệt rồi để đấy khiến dư luận thêm bức xúc.
Thiên Nga