Tiền của dân không thể đầu tư vô trách nhiệm

Google News

(Kiến Thức) - "Tiền của dân không thể đầu tư vô trách nhiệm, vỡ đường ống đi kèm với đó là vỡ lòng tin", Đình Nguyễn (Hải Phòng).

Đọc loạt bài viết về đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội của Vinaconex, tôi cũng như nhiều bạn đọc nhận thấy tất cả những ý kiến của các vị đại diện cho Vinaconex chưa thuyết phục, nó vẫn mang nặng tính giải thích quanh co, lý do không xác đáng, tiêu chí mập mờ, không dám nhìn vào sự thật và nhận trách nhiệm về mình. 
 
Dư luận cũng đặt ra câu hỏi, tại sao bộ chủ quản và các cơ quan chức năng lại đồng ý để cho Vinaconex tự khảo sát, tự chế tạo, tự thi công, tự giám sát, tự nghiệm thu công trình này? Chính vì bốn cái “tự” trên mà dẫn đến một công trình dân sinh quan trọng được đầu tư khá nhiều tiền của Hà Nội có thể bị phá sản hoàn toàn.
Theo như lời giải thích của ông Phạm Chí Sơn, người phát ngôn của Vinaconex: “Sản phẩm nước là đặc thù, Nhà nước khống chế đầu ra, nên chúng tôi phải tính toán” cũng như đơn vị cho biết “luôn chuẩn bị tinh thần sự cố vỡ ống nước... nguyên vật liệu sửa chữa được chuẩn bị sẵn sàng để khắc phục khi có sự cố để thay thế” như vậy là Vinaconex đã biết chất lượng đường ống do mình sản xuất kém không đạt yêu cầu nhưng vẫn thi công? 
Theo như lời khẩn thiết của ông Nguyễn Thành Phương, từ 2004 đến giờ đơn vị chưa có lãi, nếu không được làm đường ống thứ hai, doanh nghiệp chết và không đủ khả năng cung cấp nước sạch cho Thủ đô. Như vậy là vô hình trung Vinaconex đã ra điều kiện với 70.000 người dân Hà Nội.
Nếu sự cố đường ống dẫn nước này không được xử lý trách nhiệm một cách nghiêm minh, trước tiên là không tôn trọng dư luận và sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong công tác quản lý nhà nước. Nếu có sự cố xảy ra do chính đơn vị thi công gây ra, mà chỉ xin lỗi là xong thì tìm đâu ra trách nhiệm của người đứng đầu? Tiền của dân không thể đầu tư một cách vô trách nhiệm, vỡ đường ống đi kèm với đó là vỡ lòng tin.
Đình Nguyễn (Hải Phòng)