Hà Nội đang bắt đầu triển khai chương trình “Sữa học đường” có tên gọi đầy đủ “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ năm 2016.
Kỳ vọng của TP Hà Nội trong việc tiên phong triển khai chương trình là sẽ giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc thể lực của trẻ em. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020, sẽ có trên 90% trẻ mẫu giáo và tiểu học trên toàn thành phố được uống sữa học đường, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng xuống dưới 5,5%; tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của mẫu giáo giảm xuống 13,5% học sinh tiểu học trung bình giảm 0,2%/năm. Phấn đấu chiều cao trung bình trẻ 6 tuổi tăng từ 1,5 đến 2 cm so với năm 2010.
|
Ảnh minh họa. |
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố Hà Nội sẽ trợ giá đến 30% (tương đương 1290 tỷ đồng), doanh nghiệp hỗ trợ 20% (890 triệu đồng) và phụ huynh học sinh góp 50% (tương đương 2000 tỷ đồng). Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chương trình hơn 4.180 tỷ đồng. Giá thành một hộp sữa học đường dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp 180 ml, không tăng từ năm 2018 đến hết năm 2020. Trong đó, Học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo là người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách… sẽ được uống sữa miễn phí.
Đặc biệt, chương trình này không ép buộc mà trên tinh thần tự nguyện tham giả của các phụ huynh.
Nếu nhìn tổng thể chương trình như trên rõ ràng có thể thấy mục tiêu mà thành phố Hà Nội hướng đến là rất nhân văn. Thế nhưng điều lạ ngay rục rịch triển khai nhiều cha mẹ học sinh đã tỏ ra băn khoăn, lo lắng bởi việc uống sữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con em họ.
Lo lắng đầu tiên của phụ huynh là chất lượng sữa học đường có được đảm bảo bởi thời gian sử dụng sữa thường rất ngắn, bên cạnh đó có trẻ trạng thái cơ thể không phù hợp với một số loại sữa nên dễ phát sinh các bệnh về tiêu hóa. Hơn nữa, dù tinh thần là tự nguyện nhưng nếu không cho con tham gia, ở cùng một lớp học có trẻ uống có trẻ không sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, chưa kể đến việc trẻ bị đối xử phân biệt nếu không uống sữa học đường có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc trẻ uống sữa cũng khó lòng đạt được mục đích như chương trình đề ra về nâng cao tầm vóc thể lực nếu chương trình học vẫn nặng nề như hiện nay và không tăng cường tập luyện, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ…
Những băn khoăn trên của phụ huynh có phần nào hiểu được khi họ luôn trong tâm trạng lo lắng cho sức khỏe của con em mình. Nhất là trên thực tế đã từng xảy ra những vụ việc trẻ phải nhập viện do uống sữa học đường như ở Đồng Nai tháng 3 vừa qua.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, những lo lắng trên là thái quá. Bởi khi triển khai chương trình “sữa học đường” tất nhiên, thành phố Hà Nội sẽ lựa chọn những nhà thầu có năng lực, cung cấp đủ sữa cho tất cả các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội và sẽ đảm bảo chất lượng về tiêu chuẩn. Ngoài ra, TP Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo quản lý và giám sát. Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm giám sát về thông số kỹ thuật theo yêu cầu của Chương trình Sữa học đường TP Hà Nội. Cùng với đó là giám sát giao nhận, uống sữa của các em học sinh tại nhà trường.
Hơn nữa, hiện nay các hãng sữa ở Việt Nam đều có thương hiệu lớn nên việc cung ứng sữa chắc chắn ngoài việc đảm bảo dinh dường còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe các học sinh đồng thời cũng để giữ gìn thương hiệu của họ.
Do vậy, phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm về chương trình bởi sữa được đưa vào nhà trường cho các học sinh sử dụng thì bản thân nhà trường, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cung ứng sữa đã kiểm định, bảo đảm chất lượng sữa. Bên cạnh đó, còn được trợ giá đến 50% thì không có lý do gì để phản đối. Bởi thực tế, ngày ngày các con vẫn phải uống sữa, phụ huynh mua sữa trên thị trường cũng không có gì có thể đảm bảo về chất lượng sữa khi tình trạng sữa giả vẫn trôi nổi, tràn lan.
Thiên Nga