Quản lý phòng khám tư đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Google News

(Kiến Thức) - Những sự cố y khoa dẫn đến chết người tại phòng khám tư liên tiếp xảy ra dù các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nhiều vụ việc khi xảy ra sự cố mới nháo nhác đi tìm nguyên nhân giống như kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.

Một bé trai 22 tháng tuổi (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được người thân phát hiện có triệu chứng ốm sốt, tiêu chảy. Thay vì đưa đến bệnh viện công, chiều 16/10, gia đình cháu quyết định đưa đến khám chữa Phòng khám Chuyên khoa nội của Nguyễn Thị Kim Cúc (địa chỉ tại 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội). Bi kịch xảy ra chỉ sau 5 phút truyền dịch, cháu bé có biểu hiện sốc, tím tái và tử vong sau đó.
Trước đó, ít ngày tại tỉnh Bình Định – một trường hợp thương tâm không kém đã xảy ra với một cháu bé khi đến khám chữa tại phòng khám tư. Nạn nhân là một cháu bé mới 6 tháng tuổi được gia đình phát hiện sốt nên đã đưa đến khám chữa tại nhà bác sĩ Trần Văn Lụi (Trưởng khoa Ngoại, Trung tâm y tế huyện Vân Canh) tại thị trấn Vân Canh. Tuy nhiên, chỉ sau một mũi tiêm, cháu bé được cho về nhà nhưng sau đó có biểu hiện mệt mỏi và tử vong.
Hai vụ việc thương tâm khiến 2 cháu nhỏ tử vong khi đến khám chữa tại phòng khám tư và hàng loạt sai phạm xảy ra liên tiếp tại các phòng khám tư trên cả nước cho thấy công tác quản lý, kiểm tra giám sát chuyên môn tại các cơ sở y tế tư nhân còn lỏng lẻo.
Quan ly phong kham tu dung de “mat bo moi lo lam chuong”
 Phòng khám của bà Cúc, nơi truyền dịch cho cháu B. (ảnh nhỏ).
Trước đó, một bài học đau xót trong quản lý phòng khám tư khi có đến hàng chục cháu bé bị mắc bệnh sùi mào gà khi đi cắt bao quy đầu ở Hưng Yên. Nhưng điều lạ lùng những vụ việc thương tâm liên tiếp xảy ra dù đã có quá nhiều những bài học đắt giá. Và như thường lệ cứ khi xảy ra những vụ việc để lại hậu quả lớn, ngành y tế mới nháo nhác đi tìm nguyên nhân.
Như trong vụ việc xảy ra tại Phòng khám Chuyên khoa nội của Nguyễn Thị Kim Cúc, khi bé trai 22 tháng tuổi tử vong, một cách giải quyết được lặp lại như những trường hợp khác, Sở Y tế Hà Nội ban hành quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám này. Lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm phòng khám tư nhân trên.
Hay như trường hợp cháu bé 6 tháng tuổi tử vong tại phòng khám tư của bác sĩ Trần Văn Lụi ở Bình Định, Sở Y tế tỉnh này hiện vẫn đang đợi kết luận của cơ quan điều tra, kết quả khám nghiệm tử thi và tường trình của các cá nhân liên quan đến cái chết của bé gái 6 tháng tuổi để xem xét quyết định kỷ luật đối với bác sĩ Trần Văn Lụi. Mặc dù trước đó, phòng khám của bác sĩ này chưa được cấp giấy phép khám chữa bệnh tại nhà.
Mỗi vụ tai biến y khoa xảy ra tại các phòng khám tư, dẫn đến chết người, các cơ quan chức năng lại rầm rộ tiến hành thanh, kiểm tra tại các phòng khám tư nhưng điều lạ những tai biến y khoa vẫn xảy ra. Cho thấy, khâu kiểm soát tại các cơ sở chữa bệnh tư nhân chưa được làm quyết liệt dù ngành y tế luôn đề cao khẩu hiệu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Người dân không thể an tâm khi nhiều sự cố y khoa tại phòng khám tư đã để lại nhiều hậu quả đau lòng, dù những cuộc kiểm tra được tiến hành ngay sau đó nhưng sự cố vẫn xảy ra. Những con số thống kê cho thấy, tỉ lệ sự cố y khoa xảy ra tại các phòng khám tư lớn hơn rất nhiều do với bệnh viện công. Chủ yếu xảy ra tại các cơ sở tư nhân có vi phạm như không có giấy phép vẫn hoạt động, khám chữa bệnh ngoài những danh mục được phép, hoạt động quá phạm vi, thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa… Khi phát hiện sai phạm thì chỉ xử phạt hành chính dẫn đến không đủ sức răn đe khi các cơ sở vi phạm chỉ nộp phạt và vẫn vô tư hoạt động. Sau đó dễ dàng thu hồi tổn thất từ chính người bệnh. Nó cho thấy công tác quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến hậu quả đau lòng.
Bất cứ ngành nghề nào mà có sai lầm đều phải trả giá nhưng sai lầm trong y tế thường có cái giá rất đắt chính là mạng sống của các bệnh nhân. Không phải bỗng dưng người đời có câu: “Một công nhân mắc sai lầm có thể làm hỏng hàng hóa, một kế toán sai lầm sẽ làm mất tiền những một bác sĩ sai lầm thì phải trả giá cả mạng người vì đằng sau tính mạng bệnh nhân là nỗi đau của một gia đình”.
Trên thực tế, là bác sĩ ai cũng muốn cứu sống cho bệnh nhân của mình dù người bệnh nhân đó có là ai. Tuy nhiên tại các phòng khám tư, mục đích chính họ hoạt động là để kiếm tiền trong khi đó thiếu thiết bị, thiếu bác sĩ có chuyên môn dẫn đến không chẩn đoán đúng bệnh là nguyên nhân xảy ra những sự cố thương tâm. Thế nhưng, dù bệnh viện công có đầy đủ thiết bị lẫn nhân lực, giá cả thậm chí rẻ hơn nhưng người ta vẫn tìm đến các phòng khám tư. Đây cũng là điều các bệnh viện công cần suy ngẫm về công tác phục vụ các bệnh nhân. Bởi theo tâm lý, người bệnh thường muốn đến phòng khám tư bởi họ được tiếp đón nhiệt tình hơn dù phải mất chi phí lớn hơn cũng như rủi ro cao hơn.
Những sự cố y khoa liên tiếp xảy ra tại các phòng khám tư đã làm ảnh hưởng đến hàng vạn bác sĩ ngày đêm tận tâm trị bệnh cứu người. Tiếng lành đồn, gần, tiếng dữ đồn xa làm mất đi hình ảnh cao quý của những người “từ mẫu” dẫn đến định kiến của người nhà bệnh nhân với bác sĩ nói chung. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ cũng là do niềm tin của họ vào đội ngũ y tế không còn được như xưa. Dẫn đến những “lương y như từ mẫu” vốn được trọng vọng trong xã hội nay đã trở thành nghề nguy hiểm. Đó là một nỗi đau mà liều thuốc đặc trị chính là niềm tin của người dân.
Muốn lấy lại niềm tin ấy, cần phải xử lý nghiêm những phòng khám làm ăn chụp giật, coi việc kiếm tiền là trọng mà xem nhẹ mạng sống của các bệnh nhân. Muốn vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát phòng khám tư, các cơ quan quản lý cần mạnh tay xử lý những phòng khám sai phạm, đặc biệt là những phòng khám không được cấp phép vẫn hoạt động.
Có xử lý nghiêm minh mới đủ sức ngăn chặn kiểu làm ăn chụp giật của các phòng khám tư, lấy lại niềm tin của người dân vào đội ngũ y tế.
Thiên Nga