Vì sao vậy?
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 31/5/2015 trong tổng số 995.383 người kê khai tài sản thu nhập thì chỉ có 4 người kê khai không trung thực. Một con số thật lí tưởng. Nó cho dư luận thấy việc kê khai tài sản thu nhập rất “nghiêm túc”, 4 người gian dối so với gần một triệu người kê khai thì tỉ lệ coi như bằng không.
Vậy là việc kê khai tài sản thu nhập của các quan chức năng như thế là thành công. Về lí thuyết, tham nhũng sẽ bị triệt tiêu bởi tài sản đã được kê “trung thực” rồi.
Nhưng trong báo cáo nói trên, còn có những con số đáng lưu ý khác: Trong 995.383 bản kê khai có 979.296 bản đã được công khai, trong số được công khai có 317.167 bản công khai theo hình thức niêm yết và 662.129 bản công khai theo hình thức công bố.
Nghĩa là theo báo cáo, gần như trăm phần trăm bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai cho dân biết. Về lí thuyết, tham nhũng coi như không còn đất sống vì tất cả đã được dân “giám sát”.
|
Tham nhũng vẫn lộng hành mà kê khai tài sản thu nhập của cán bộ lại toàn những con số đẹp. |
Như vậy, nhìn vào báo cáo tình hình kê khai tài sản thu nhập của quan chức năng, dư luận có thể yên tâm về công tác phòng chống tham nhũng. Một khi tài sản thu nhập của quan chức được “minh bạch” thì cơ hội tham nhũng sẽ không còn.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là liệu những con số đẹp nói trên có trung thực, chính xác không? Sự nghi ngờ của dư luận không phải không có căn cứ.
Kê cứ kê, kê để có bản báo cáo đẹp?
Thứ nhất, ngay trong báo cáo đã bộc lộ sự mâu thuẫn giữa con số kê khai tài sản thu nhập với đánh giá tình hình tham nhũng. Báo cáo nêu rõ: Tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn phức tạp và ngày càng tinh vi. Tại sao tham nhũng vẫn lộng hành mà kê khai tài sản thu nhập của cán bộ lại toàn những con số đẹp? Vậy tham nhũng ở đâu? Ai tham nhũng?
Thứ hai, theo báo cáo, 98,4% bản kê khai đã được công khai bằng các hình thức niêm yết hoặc công bố. Không rõ niêm yết, công bố ở đâu chứ dân thường chúng tôi quả thực chưa hề thấy mặt mũi cái bản kê khai của các quan chức như thế nào.
Dân chỉ thấy nhà cửa, đất đai, biệt thự của họ cứ mọc lên ngày một nhiều, chình ình ra đấy, nếu quy ra tiền thì giá trị phải bằng vài trăm năm tiền lương của một công chức. Tài sản khủng ấy ở đâu ra, chả nhẽ lại cùng một kiểu xuấy xứ: Vợ con làm ra, ông bà để lại, người nhà ở nước ngoài gửi về?
Cho nên kê cứ kê, kê để có bản báo cáo đẹp là đã nghiêm túc thực hiện quy định của Đảng và nhà nước. Kê xong rồi nội bộ tự thông qua, chẳng ai dại vạch áo cho người xem lưng.
Nếu không có sự giám sát, phản biện của dân; không có cơ quan xác minh độc lập thì chuyện kê khai chỉ là hình thức, vô hình trung sẽ là sự hợp thức hóa tài sản tham nhũng, để cuối cùng tổng kết lại sẽ có những con số đẹp làm vui lòng nhau và bức tranh tham nhũng vẫn “tươi màu trong sạch” (!).
Nguyễn Duy Xuân