Sự việc đang gây xôn xao ở tổ dân phố Đoàn Kết (thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) khi trưởng thôn Dương Viết Sơn tự ý thu hàng chục triệu mỗi hộ dân với lý do bán đất và làm sổ đỏ trên chính mảnh đất họ đang ở, trong khi chủ tịch xã thì nhanh chóng phủ nhận mọi chuyện. Tổng số tiền bị thu là bao nhiêu? Đã được sử dụng vào việc gì? Vẫn là một câu hỏi lớn. Chuyện thật như đùa này đang diễn ra ngay thị trấn trung tâm huyện.
Dân khóc ròng vì bị trưởng thôn thu tiền làm sổ đỏ
Theo phản ánh, khu vực tổ dân phố Đoàn Kết, mấy chục năm trước vẫn hoàn toàn hoang vu hẻo lánh. Những năm 1987, 1988, một vài hộ dân về trồng cây gây dựng cuộc sống mới, sau đó những cư dân khác cũng kéo đến, dần dần hình thành nên cụm dân cư như hiện nay.
Các hộ dân đều có sổ lâm bạ và sinh sống ổn định với diện tích mà gia đình mình đã khẩn hoang, không hề có tranh chấp, kiện tụng.
Bỗng một ngày đẹp trời cách đây chừng 1, 2 năm, trưởng thôn Dương Viết Sơn họp tất cả lại, rồi ra thông báo thu tiền làm sổ đỏ đối với mảnh đất họ đang sử dụng, tất cả đều ngã ngửa.
|
Khu vực tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Hương Sơn |
Nghe bảo có nhà báo đến tìm hiểu sự việc, các hộ dân nhanh chóng tập trung lại rồi thi nhau phản ánh bức xúc của mình.
“Ông Sơn tuyên bố rằng, bây giờ những nhà này, đất này, đều là sử dụng đất của xóm, giờ xóm đứng ra bán, ưu tiên cho những hộ đã và đang sử dụng đất mua trước, rồi làm sổ đỏ cho. Không mua thì xóm thu hồi và bán cho người khác”, ông Trường, một người dân trong tổ Đoàn Kết chua xót thuật lại.
Mức giá được quy thành 10 ngàn/ m2 đất, rồi căn cứ vào diện tích thực tế của từng nhà và cứ thế nhân lên và đóng cho xóm (có biên lai có chữ ký của trưởng xóm, không có dấu đỏ).
Tâm lý của chung người dân là do không hiểu biết nhiều, họ sợ mất đất, và nghĩ rằng đất là của Nhà nước, “Nhà tôi dùng mấy chục năm rồi, giờ các ông ấy đưa ra bán. Hỏi có mua không? Không mua được thì xóm thu bán cho người khác. Giá đất vườn đồi thị trấn đang bán hiện tại hơn 20 ngàn/ mét, ưu tiên người dân đang sử dụng thì giảm cho một nửa. Nghe vậy dân sợ, lại được giảm một nửa thì cố mà lấy. Mặt khác, dân muốn làm sổ để chứng nhận quyền sở hữu của người ta cũng không thể làm được nếu như không có thôn xóm ký xác nhận vào…”, ông Hoàng Văn Việt, một người dân tổ Đoàn Kết ngán ngẩm.
|
Người dân tổ dân phố Đoàn Kết kéo đến bức xúc phản ánh khi biết có nhà báo đến tìm hiểu câu chuyện |
Theo khảo sát, hơn chục hộ đã đóng tiền, nhà đóng đủ, nhà đóng thiếu, mỗi nhà chừng vài chục triệu tùy theo diện tích đất. Để chứng minh câu chuyện, ông Trường mang ra cho PV xem một biên lai thu tiền đất được viết vào năm 2020, biên lai này ghi số tiền đã thu của hộ nhà mình là 25 triệu đồng. Ông cho biết là do mới đóng một nửa số tiền.
Chỉ có duy nhất 2 hộ kiên quyết không đóng với lý do là phải có thông báo toàn dân, cũng như bất cứ văn bản nào của nhà nước thì phải có dấu dỏ. Tuy nhiên, theo kể lại thì họ cũng không yên ổn.
Chị Tuyến, đại diện một trong 2 hộ chưa đóng tiền cho biết: “Tôi không đi mà chồng đi họp, ông Sơn bảo với chồng tôi là bảo tôi mang tiền đóng ngay, không xóm sẽ bán cho người khác đấy, tôi rất hoang mang lo sợ nhưng cũng tự động viên là phải cố gắng tìm hiểu kỹ mọi việc, chứ chúng tôi luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước…”.
“Trưởng thôn Dương Viết Sơn thúc giục liên tục để chúng tôi đóng tiền đấy chứ, và nói mồm là sẽ hoàn thành việc cấp sỏ đỏ, chứ chúng tôi đóng tiền từ lâu đến giờ, mọi việc vẫn y nguyên, chả có gì thay đổi cả”, một hộ dân bức xúc.
|
Biên lai thu tiền của hộ gia đình ông Trường ngày 31/8/2020 |
Trưởng thôn thừa nhận sự việc có thật, xã bảo không biết.
Trao đổi qua điện thoại với chủ tịch thị trấn Hương Sơn Dương Thế Hưng, chủ tịch trả lời: “Việc ấy kệ người ta chứ tôi không biết đâu”!.
PV báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục vặn hỏi về trách nhiệm của chính quyền đối với tình hình an ninh trật tự tại địa phương khi xảy ra sự việc này, và vai trò của người đứng đầu thị trấn, ông Hưng bảo không nắm được, đó là việc của xóm, đồng thời cho biết thêm, từ năm 2019, có đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái nguyên có về tiến hành đo đạc tại địa phương, cho đến giờ vẫn chưa cấp mới bìa đỏ nào.
Hôm sau, PV làm việc tại UBND thị trấn Hương Sơn, yêu cầu có đại diện của thị trấn đi cùng qua làm việc trực tiếp với ông Dương Viết Sơn.
Ông Sơn thừa nhận mọi việc là có thật, tuy nhiên ông chắc nịch: “các hộ tự nguyện góp tiền để được quyền sử dụng đất theo đúng chủ trương của Nhà nước, và người ta sẽ có bìa đỏ. Dân tự nguyện tham gia đóng góp vào để xây dựng thiết kế hạ tầng, cụ thể là xây dựng nhà văn hóa, đều viết biên lai cho họ. Chúng tôi không áp đặt gì cả, mọi người đều ký vào trong biên bản hẳn hoi, muốn được vào bìa đỏ thì đóng góp vào địa phương để xây dựng thiết kế hạ tầng.
Mức đóng căn cứ theo mét vuông, họ tự đặt ra là 10 ngàn/m2.”
|
Biên bản về việc người dân tự nguyện đóng tiền đất lấy quỹ xây dựng nhà văn hóa theo lời khẳng định của ông Dương Viết Sơn |
|
Nhà văn hóa tổ dân phố Đoàn Kết |
Nói đoạn, trưởng thôn đưa ra một biên bản về việc đóng tiền đất của các hộ dân. Quan sát kỹ biên bản này, PV thấy không hề có bất kỳ nội dung nào liên quan đến nội dung dân đóng tiền đất xây dựng nhà văn hóa.
Trái ngược với lời khẳng định của ông Dương Viết Sơn, khi PV quay lại tổ dân phố Đoàn Kết, các hộ dân ở đây đều rầm rầm phản đối.
“Sai rồi, không ai tự nguyện đóng tiền. Với lại, tiền đất là riêng nhé, nói danh chính ngôn thuận là bán đồi, bán núi cho chúng tôi, ngoài tiền xóm bán đất thì mỗi hộ chúng tôi vẫn phải nộp tiền xây dựng nhà văn hóa là 1,5 triệu, mỗi khẩu 640 ngàn nữa, cứ thế nhân lên mà đóng”, ông Hoàng Văn Việt nói.
|
Ông Hoàng Văn Việt khẳng định việc các hộ dân đóng tiền làm sổ đỏ trên chính đất của họ là việc khác, việc thu tiền xây dựng nhà văn hóa thì các hộ đều phải đóng riêng |
“Dân ở đây đều nghèo, có phải đại gia đâu, mỗi nhà đóng mấy chục triệu thì tự nguyện cái gì? Chúng tôi đâu có điên”, một hộ dân (xin dấu tên), bức xúc.
Trao đổi xung quanh câu chuyện này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc công ty luật TNHH Đại Nam (đoàn luật sư tp Hà Nội) khẳng định, đất có nguồn gốc như vậy, người dân đương nhiên được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, và họ không phải đóng khoản tiền nào cả. Nếu đất thổ cư trong hạn mức, có nhà cửa trước 15/10/1993 rồi cũng không phải đóng tiền.
Trách nhiệm của các cấp chính quyền là phải thực hiện việc đo đạc cấp sổ cho người dân theo đúng chủ trương của Nhà nước, phải có quy trình
Luật sư Tuấn cho hay, thôn xóm không có quyền đứng ra thu tiền đất, và biên lai như các hộ dân đang giữ thì phải xem xét có hợp lệ hay không, do cơ quan nào phát hành hay do cá nhân tự làm?
“Vai trò của thị trấn, thấy có hiện tượng như vậy, liên quan đến việc cấp bìa đỏ, bảo không biết thì không đúng, chỉ biểu hiện việc thiếu tinh thần trách nhiệm, mà nếu biêt vẫn để xáy ra tức là cố ý làm trái.
Theo quan điểm của tôi, tính chất sự việc rất nguy hiểm vì có hành vi lợi dụng chức trưởng thôn để làm cái việc sai trái đó. Hậu quả về vật chất chưa biết, nhưng hậu quả về chính trị là nghiêm trọng. Anh ăn lương của Nhà nước mà không thực hiện công vụ, ngược lại còn kiếm lợi ở đấy (nếu có) là không được. Đây là hành vi có dấu hiệu cố ý làm trái, việc có ai chỉ đạo hay không? các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ”, luật sư Tuấn nói.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin
Lê Mai