Những ngày qua, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin về việc cảnh sát Cộng hòa Trung Phi tìm thấy thi thể ba người mang theo thẻ nhà báo của Nga.
Các nạn nhân bao gồm: nhà báo Orhan Dzhemal, đạo diễn Aleksandr Rastorguyev và quay phim Kirill Radchenko. Theo thông tin ban đầu, 3 nhà báo Nga được cho là bị một nhóm vũ trang tấn công tại rào chắn giao thông gần thủ phủ Sibut của tỉnh Kemo.
Nguồn tin cảnh sát tỉnh Kemo cho hay 3 nhà báo bị sát hại mới đây có thể là nạn nhân trong một vụ cướp. Ba nhà báo này được cho là thiệt mạng khi đang thực hiện phóng sự về hoạt động của tập đoàn Wagner, công ty an ninh tư nhân Nga chuyên cung cấp lính đánh thuê tới các điểm nóng trên thế giới. Hiện vụ việc đang được giới chức trách điều tra, làm rõ.
|
Ba nhà báo Nga bị sát hại tại Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: Twitter. |
Trước vụ 3 nhà báo Nga bị giết ở Trung Phi, dư luận thế giới từng rúng động trước những vụ tương tự. Cụ thể, vào tháng 7/2016, nhà báo nổi tiếng người Nga Pavel Sheremet bị sát hại tại thủ đô Kiev của Ukraine khi ô tô của ông bất ngờ nổ tung.
Chiếc xe phát nổ khiến nhà báo Sheremet thiệt mạng thuộc sở hữu của ông Alyona Pritula, chủ bút tờ Ukrainskaya Pravda - nơi nạn nhân đang làm việc. Theo thông tin từ cảnh sát, vụ nổ xảy ra khi ông Sheremet vào xe và lái đi được vài chục mét. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, ông Pritula không có trong xe.
Kết quả cuộc điều tra vụ sát hại nhà báo Sheremet chưa được công bố. Trước vụ việc gây rúng động dư luận trên, chính quyền Ukraine cáo buộc giới tình báo Nga đứng đằng sau vụ việc. Tuy nhiên, các cuộc điều tra độc lập đi đến kết luận cái chết của nhà báo Sheremet có liên quan đến cơ quan an ninh Ukraine.
Vào tháng 4/2015, nhà báo nổi tiếng Oles Buzina bị 2 tay súng bắn chết tại thủ đô Kiev. Sự việc này nhanh chóng trở thành tâm điểm "nóng" thu hút sự quan tâm của công chúng. Theo thông tin từ cảnh sát, 2 tay súng đã sát hại nhà báo Buzina ngay khi nạn nhân vừa ra khỏi nhà riêng. Hung thủ cũng đốt một số bức ảnh trong xe trước khi bỏ chạy.
Liên quan đến sự việc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay vụ giết chết nhà báo Oles Buzina có tư tưởng ủng hộ phe đối lập là nhằm mục đích chính trị. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng đây là vụ ám sát có chủ ý, nhằm gây bất lợi cho chính quyền Kiev.
Cảnh sát đã tiến hành bắt giữ một số nghi phạm. Tuy nhiên, cuộc điều tra liên quan đến vụ việc đã bị đình trệ và các phiên điều trần của toà án vẫn chưa kết thúc.
Mời quý độc giả xem video: Sẽ xử lý nghiêm vụ nhà báo bị hành hung (nguồn: VTC14)
Đến tháng 1/2015, dư luận rúng động khi tạp chí Charlie Hebdo của Pháp bị tấn công khủng bố khiến 10 nhân viên tòa soạn cùng 2 cảnh sát thiệt mạng. Tạp chí bị tấn công sau khi xuất bản biếm họa nhà tiên tri Mohamed.
Công chúng không khỏi sốc khi ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội từng tiết lộ số nhà báo thiệt mạng trong những năm qua. Theo ông Croft, trong 11 năm qua (từ năm 2006 - 2016), gần 930 nhà báo ở các nước trên thế giới bị giết trong khi đang tác nghiệp.
Những vụ sát hại nhà báo đã khiến công chúng không khỏi bàng hoàng và lên án mạnh mẽ. Ví dụ như trường hợp nữ nhà báo điều tra nổi tiếng Daphne Caruana Galizia của Malta bị sát hại khi chiếc xe của bà phát nổ hồi tháng 10/2017.
Khi ấy, Thủ tướng Malta Joseph Muscat lên án vụ giết hại nhà báo Galizia là “man rợ” và “đi ngược lại với nền văn minh và nhân phẩm, cũng như chống lại tự do báo chí".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert lên án: “Đây là vụ tấn công hèn nhát cướp đi sinh mạng của một phóng viên dũng cảm, tài năng, người đã cống hiến cả sự nghiệp để làm sáng tỏ những hành vi tham nhũng”.
Những vụ sát hại nhà báo trong những năm qua cho thấy các nhà báo phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm như bị đe dọa, hành hung, thậm chí là mất mạng khi tác nghiệp. Dư luận hy vọng cơ quan chức năng có những biện pháp bảo đảm an toàn cho nhà báo tác nghiệp cũng như hy vọng cảnh sát bắt hung thủ sát hại các nhà báo về quy án để chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Tâm Anh (TH)