Bức xúc trước việc nhà máy nhiệt điện hoạt động trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong gây ô nhiễm môi trường, người dân địa phương ở đây đã đổ ra quốc lộ 1 chặn xe lưu thông gây ra cảnh ách tắc hỗn loạn chưa từng có trong nhiều giờ. Phản ứng của người dân lên đến đỉnh điểm trong ngày 15/4 khi hàng trăm người tràn ra quốc lộ, chắn ngang tuyến đường huyết mạch này bằng các vật dụng như bàn ghế nhằm không cho xe cộ qua lại.
Chưa bàn đến chuyện phải quấy ở đây nhưng phản ứng của người dân đã cho thấy một thực tế không thể chối cãi: sự ô nhiễm môi trường sống do khói bụi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải ra đã đến mức báo động đỏ. Nên nhớ, thời điểm này, Ninh Thuận, Bình Thuận đang trong cảnh nắng hạn nghiêm trọng, nguồn nước để phục vụ ăn uống đã khan hiếm nói chi đến nước dùng cho sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ hàng ngày. Thế mà người dân xung quanh địa bàn nơi nhà máy tọa lạc lại phải ngày đêm hít thở khói bụi từ tro xỉ than nhà máy thải ra. Trong bối cảnh như thế, không bức xúc mới là chuyện lạ.
Chuyện ô nhiễm khói bụi cả làng cả xã, từ già đến trẻ đều biết, bởi họ là nạn nhân đang phải chịu đựng từng ngày từng giờ. Thế mà lãnh đạo nhà máy có phải vì vô trách nhiệm hay vô cảm mà không đoái hoài đến nỗi khốn khổ của dân, phải đợi đến khi “tức nước vỡ bờ” dân nổi lên phản ứng dữ dội, các vị mới hứa tìm giải pháp khắc phục. Giá như các vị quan tâm đến điều này sớm hơn, có trách nhiệm với môi trường sống của dân hơn ngay từ khi dự án còn nằm trên giấy thì chắc chắn nỗi bức xúc của dân sẽ không bị đốt nóng trong cái thời tiết khô cháy ở địa phương dẫn đến phản ứng quá khích trong những ngày vừa qua.
Người ta bảo, muốn trị được bệnh, phải bắt trúng mạch. Để người dân không còn bức xúc dẫn đến phản ứng gay gắt trước hiện trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải thấy rõ chỉ có một nguyên nhân là từ nhà máy mà ra.
|
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. |
Thế nhưng mới đây khi nói về nguyên nhân gây khói bụi, ông Lê Văn Danh - phó tổng giám đốc Công ty Phát điện 3 (GENCO 3) – lại khẳng định: “Quá trình thử nghiệm, nghiệm thu để đưa các tổ máy vào vận hành cũng có xảy ra hiện tượng phát tán bụi trong quá trình vận chuyển tro xỉ và tại bãi thải xỉ, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nguyên nhân khách quan là do tình trạng gió mạnh, khô hạn nắng nóng kéo dài, thiếu nước ngọt trầm trọng xảy ra trên địa bàn”.
Theo ông phó tổng, chỉ có hai nguyên nhân gây ô nhiễm: Về chủ quan là do việc vận chuyển tro xỉ và cái bãi chứa xỉ thải, về khách quan là do nắng gió khô hạn và cả việc thiếu nước ngọt trầm trọng ở địa phương. Xem ra, theo ông phó tổng thì cái nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Vậy là giống như bao công trình khác chưa vận hành đã khiếm khuyết, ông lại ca bài ca muôn thuở: Tại ông trời!
Nói về công nghệ của nhà máy, ông phó tổng cho biết: “Theo đánh giá chuyên môn, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có trang bị các hệ thống xử lý môi trường với công nghệ tiên tiến trên thế giới như hệ thống khử NOx (SCR), hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống khử SOx (FGD) và hệ thống xử lý nước thải. Khí thải, nước thải của nhà máy sau khi xử lý đều đạt các tiêu chuẩn về môi trường. Kho than được trang bị hệ thống lưới che chắn bụi. Bãi thải xỉ có xe phun nước, xe lu lèn theo từng lớp để đảm bảo không phát tán bụi ra môi trường xung quanh”.
Xin hỏi ông phó tổng: Vì sao nhà máy với công nghệ tiên tiến, trang bị các hệ thống xử lý hiện đại tầm thế giới như thế lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng? Không thể đổ lỗi cho xe cộ vận chuyển gây phát tán, càng không thể đổ tội cho gió mạnh, nắng to, hạn kéo dài và cả nước ngọt hiếm hoi như ông nói.
Bởi thế, những biện pháp khẩn cấp mà nhà máy đang áp dụng như phủ bạt che chắn, phun nước… chỉ là tạm thời. Giải pháp căn cơ nhất nằm ở công nghệ của nhà máy từ thiết bị đến thi công xây dựng. Nhà máy vừa đưa vào vận hành đã bộc lộ khiếm khuyết, tác động xấu tới môi trường như vậy, liệu ông phó tổng có dám đảm bảo rằng dăm bảy năm sau với công nghệ tiên tiến như ông nói, nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải - Trung Quốc (SEC) làm tổng thầu) sẽ không còn là nỗi ám ảnh đáng sợ đối với người dân địa phương?
Nguyễn Duy Xuân