Vụ việc nguyên nữ Đại biểu Quốc hội – Phan Thị Mỹ Lệ tử vong sau khi đi phun xăm tại cơ sở thẩm mỹ Phương Nam (phường Long Thủy, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo nhận định ban đầu từ cơ quan công an, nguyên nhân có thể do bị sốc phản vệ với thuốc kháng sinh.
Điều khiến dư luận bức xúc đó là vụ nữ Đại biểu Quốc hội tử vong không phải là vụ việc đầu tiên. Mà trước đó có quá nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra như trường hợp chị T.T.Đ tử vong ngày 11/2/2018 sau 5 tháng biến chứng sau khi đến Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (quận 10, TP.HCM) để thực hiện "nắn chỉnh hai xương hàm". Hay như vụ việc, thai phụ S.B.T. (22 tuổi, quê Cà Mau) tử vong sau khi đến Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) để đặt túi ngực vào tháng 4/2017.
|
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Nguyên nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tử vong khi đi làm đẹp. |
Tháng 7/2017, ông Edward Hartley (53 tuổi, quốc tịch Mỹ) đã tử vong khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện Việt Thành (Sài Gòn). Trước đó nữa, dư luận từng chấn động với vụ phẫu thuật nâng ngực gây chết người, phi tang xác tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội).
Những vụ việc điển hình trên cho thấy, có quá nhiều những nguy hiểm ở các cơ sở làm đẹp tư nhân.
Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội và kinh tế, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng cao. Bất chấp những vụ việc thương tâm đã xảy ra tại các cơ sở thẩm mỹ viện, người ta vẫn tìm đến để làm đẹp dù không thể biết cơ sở làm đẹp nào được cấp phép, cơ sở nào hoạt động chui. Ngay tại các cơ sở được cấp phép, họ có hoạt động vượt quá thẩm quyền, phạm vi dịch vụ cho phép hay không?
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu của người dân, các cơ sở làm đẹp mọc lên như nấm, không chỉ dày đặc ở các thành phố lớn mà ngay cả các tỉnh lẻ, các huyện thị cũng nhan nhản các cơ sở làm đẹp.
Tại Đại hội phun xăm thẩm mỹ quốc tế 2018, tiến sĩ Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đào tạo và phát triển nghề làm đẹp Việt Nam cho hay tại Việt Nam, mỗi năm có tới 2000 spa, thẩm mỹ viện được mở ra.
Chính sự phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp, các cơ sở đào tạo nghề làm đẹp còn tùy tiện, thiếu sự quản lý về chất lượng, thiếu an toàn về vệ sinh lao động, chưa có quy định riêng cho việc thành lập dẫn đến nhiều rủi ro có thể xảy ra cho khách hàng.
Tuy nhiên, công tác quản lý các thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp tư nhân dường như không đáp ứng được nhu cầu từ thực tế khi lực lượng thanh kiểm tra còn quá mỏng, số lượng các cơ sở y tế quá lớn. Dẫn đến thực trạng, lực lượng thanh kiểm tra vẫn chưa thực hiện thanh kiểm tra và báo cáo thường xuyên. Việc một số cơ sở đã làm vượt quá chuyên môn cho phép, gây ra tai biến cho người bệnh cũng xuất phát từ thực trạng trên.
Một thực trạng khác, ngành Y tế hiện mới chỉ quản lý được các cơ sở y tế có chức năng thẩm mỹ chứ chưa quản lý được con người tại các cơ sở này. Ngay việc phạt hành chính khi phát hiện sai phạm cũng không đủ sức răn đe khi số tiền phạt không đáng bao nhiêu so với khoản lợi nhuận “kếch xù” đem lại cho các cơ sở làm đẹp. Ngay cả khi rút giấy phép họ lại mở những cơ sở khác.
Từ những cái chết thương tâm, những biến chứng dài lâu mà các khách hàng phải nhận khi đến làm đẹp tại các cơ sở làm đẹp, dư luận đặt ra câu hỏi, sẽ còn bao nhiêu nạn nhân chết thương tâm do sự tắc trách, sai sót chuyên môn của bác sĩ? Khi sự vô cảm thờ ơ của các cơ quan chức năng vẫn còn đó. Không thể để tình trạng cứ chết người mới giật mình thanh, kiểm tra, không thể không có ai chịu trách nhiệm khi để những nạn nhân phải chết do các cơ sở làm đẹp ở địa bàn họ quản lý.
“Làm thế nào để siết chặt quản lý những thẩm mỹ viện không phép, những cơ sở làm đẹp hành nghề vượt quá phạm vi cho phép?” – Đó là câu hỏi buộc ngành Y tế và các cơ quan liên quan cần sớm có giải pháp để chấm dứt những trường hợp tử vong thương tâm khi đến các cơ sở làm đẹp.
Thiên Nga