Người Việt Nam đã nhờn luật giao thông?

Google News

Chúng ta rất sợ CSGT nhưng lại dễ dàng tái phạm bởi cả hai thường chọn con đường thỏa hiệp mà ít dựa vào luật.


Ai cũng biết muốn trị bệnh bước đầu tiên là phải xác định bệnh gì, nguyên nhân rồi mới kê đơn, bốc thuốc. Tùy vào túi tiền bệnh nhân và mức độ nặng nhẹ của bệnh bác sĩ sẽ quyết định dùng thuốc ngoại/nội, liều lượng cao/thấp...

Kẹt xe hiện nay có cả tỉ nguyên nhân như: xe đông, đường vừa hẹp vừa xuống cấp, quy hoạch không hợp lý, phân làn kém. Ứng với mỗi nguyên nhân có nhiều cách giải quyết, xử lý. Nếu chính phủ có một núi tiền thì... chuyện giải quyết quá đơn giản, cứ làm đường thênh thang tính cho lưu lượng đường cao nhất trong 100 năm là xong. Nhưng, điều đó không bao giờ xảy ra.

Vậy, phải xác định cho được một số bệnh nặng nhất, kê toa bốc thuốc tốt cho các bệnh này sẽ giải quyết trước mắt và lâu dài được vấn đề. Kẹt xe hiện nay theo tôi nguyên nhân lớn nhất là do "Ý thức giao thông chưa cao".

Chỉ cần một va chạm nhỏ, lỗi nhỏ giữa 2 người là có thể gây kẹt xe hàng cây số. Ý thức ở đây được hiểu đầy đủ là của người tham gia và người điều khiển. Lâu nay chúng ta chỉ nói ý thức người dân còn kém, chứ ít ai nói ý thức người điều khiển chưa cao.

Ở các tiến tiến, nhiều ngã tư đèn đỏ không có người giám sát họ vẫn dừng lại chờ tín hiệu. Một phần do trình độ, do công nghệ quản lý (camera quan sát) nhưng cơ bản nhất là do các cơ quan công quyền xử lý rất nghiêm các trường hợp vi phạm, bất kể đó là ai, con tổng thống, thủ tướng, ngôi sao... đều bị xử lý bình đẳng. CSGT ăn hối lộ xử lý càng nghiêm.

Điều đó lâu dần tạo cho cho cả hai bên tuân thủ luật. Còn ở ta thì sao? Lấn tuyến, đi trái, vượt đèn đỏ... hả. Chuyện nhỏ, thích, buồn thì cứ đi. Bị phạt hả, chuyện nhỏ. Quen thì ta gọi anh Năm, anh Bảy, không quen hả: xì ra 5 chục, 100, 500 tùy mức độ và đi xe gì là vô tư. Lâu ngày thành thói quen và tính cách.

Vì vậy, dân thì ai cũng vừa không sợ vừa rất sợ CSGT.

Do đó biện pháp đơn giản nhất, rẻ nhất, có thể áp dụng ngay và hiệu quả nhất: Cải tạo, nâng cao trình độ của người điều khiển. Việc này Đà Nẵng đã làm tại một số điểm nội ô rất hiệu quả.

Hãy để người điều khiển giao thông ra đường với nhiệm vụ thực sự là điều khiển, hướng dẫn giao thông chứ đừng tranh ra đường vì lý do nào khác. Tôi chắc chắn một điều đây là giải pháp tối ưu nhất để giải quyết ùn tắc cả trước mắt và lâu dài.
Thanh Bình/VNE